Kinh tế Internet Việt Nam nhiều dư địa tăng trưởng

30/12/2021, 11:07

Nền kinh tế Internet Việt Nam còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt tổng giá trị hàng hoá (GMV) 220 tỷ USD, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia...

Kinh tế số Internet chính là các hoạt động kinh tế dựa hoàn toàn vào mạng Internet như dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, kinh tế thuật toán, kinh tế chia sẻ, kinh tế việc làm tự do và các hình thức kinh doanh trên Internet khác…

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN BỨT PHÁ

Dư địa phát triển của các cấu phần kinh tế số Internet và kinh tế số Việt Nam được đánh giá còn rất lớn. Khơi thông được nguồn lực này sẽ góp phần vào tăng tưởng kinh tế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với nền tảng cơ sở hạ tầng Internet, công nghệ số và lượng người dùng kỹ thuật số ngày càng tăng, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện tốt để xây dựng kinh tế số Internet.

Nhận định này được minh chứng thông qua một số nghiên cứu báo cáo về tiềm năng kinh tế Internet Việt Nam gần đây. Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2021” của Google Temasek và Bain & Company, kinh tế Internet của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD trong năm 2021 nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái, dù thị trường du lịch trực tuyến đang thu hẹp, và dự kiến tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Kinh tế internet dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ
Kinh tế internet dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ

Theo nhận định của các chuyên gia, đại dịch Covid-19 là một yếu tố tác động và góp phần định hình lại nền kinh tế Internet của Việt Nam trong thời gian tới. Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Người tiêu dùng kỹ thuật số trước đại dịch trung bình đã sử dụng thêm 4 dịch vụ kỹ thuật số kể từ khi đại dịch bắt đầu. 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai. Điều này cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam.

Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, nhu cầu mua hàng trực tuyến của khách hàng đã tăng lên chóng mặt. Hơn 70% dân số Việt Nam có quyền truy cập Internet, 50% đã sử dụng mua sắm trực tuyến và 53% đã sử dụng ví điện tử hoặc thanh toán trực tuyến…

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho biết: theo số liệu thống kê của Digital, tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu người. Trong khi đó, năm 2012, Việt Nam mới chỉ có khoảng 30,8 triệu người sử dụng Internet.

Tại Việt Nam, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số cũng đang trở thành yếu tố thúc đẩy quan trọng với 95% doanh nghiệp kỹ thuật số hiện chấp nhận thanh toán kỹ thuật số và 67% chấp nhận cho vay kỹ thuật số.

Đặc biệt, Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).

Đại diện Temasek nhận xét: nền kinh tế Internet của Việt Nam tiếp tục thu hút vốn toàn cầu nhờ các nền tảng cho tăng trưởng mạnh mẽ như một lượng lớn người dùng kỹ thuật số tương tác cao và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển gồm các vườn ươm, những trung tâm tăng tốc phát triển và các phòng thí nghiệm đổi mới.

Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đang bước vào “Thập kỷ kỹ thuật số” khi Internet ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Khu vực này hiện có hơn 440 triệu người dùng Internet, 350 triệu trong số đó là người tiêu dùng kỹ thuật số, tức là người dùng Internet đã sử dụng ít nhất một dịch vụ trực tuyến.

Theo chia sẻ của bà Trâm Nguyễn, Giám đốc Google phụ trách thị trường Lào, Cambodia và Việt Nam, qua đại dịch đã tận mắt chứng kiến người dân Việt Nam kiên cường như thế nào và họ có thể trở thành những người tiếp nhận công nghệ mới nhanh chóng cũng như sáng tạo ra sao. Sự điều chỉnh mới cho dự báo về nền kinh tế Internet của Việt Nam đến năm 2030 cho thấy tiềm năng to lớn của đất nước khi Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số.

HẠ TẦNG INTERNET ĐÁP ỨNG NHU CẦU PHÁT TRIỂN

Internet ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội và xu hướng chuyển đổi số đang phát triển mạnh. Với sự phát triển mạnh mẽ của thiết bị, công nghệ số và internet hiện nay, với một chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối Internet, người dùng có thể tìm kiếm được mọi thông tin, dữ liệu của tất cả lĩnh vực trên môi trường mạng.

Thống kê cho thấy, từ cuối năm 2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng Internet tại Việt Nam tăng hơn 30%. Sự gia tăng lưu lượng xuất phát từ nhu cầu của người dùng trong bối cảnh giãn cách vì Covid-19, khiến nhiều hoạt động được đưa lên môi trường số. Đặc biệt, hoạt động học và họp trực tuyến tạo lưu lượng truy cập lớn. Bên cạnh đó, xu hướng Internet kết nối vạn vật (IoT) dần trở nên phổ biến ở Việt Nam.

Dữ liệu trên Internet ngày nay đang trở thành "mạch máu" của nền kinh tế và là động lực cho sự đổi mới. Việc sử dụng dữ liệu trên Internet một cách thông minh có thể có tác động chuyển đổi đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và có thể tạo ra các cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế…

Ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh, Internet, mạng xã hội đã trở thành phổ biến và là nhu cầu không thể thiếu trong xã hội ngày nay, những tiện ích mà nó mang lại đã giúp cho con người rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian cũng như được tiếp cận với nền văn minh nhân loại.

Đặc biệt dữ liệu trên Internet ngày nay đang trở thành mạch máu của nền kinh tế và là động lực cho sự đổi mới. Việc sử dụng dữ liệu trên Internet một cách thông minh có thể có tác động chuyển đổi đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và có thể tạo ra các cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế…

Theo đánh giá của các chuyên gia, hạ tầng Internet Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng kết nối đến từng gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đang được thúc đẩy phát triển, đầu tư trước để đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới.

Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam năm 2021 vừa được Trung tâm Internet Việt Nam công bố cho thấy, có 660 hệ thống mạng sử dụng IP/ASN độc lập kết nối với nhau hình thành Internet Việt Nam (tăng 20% so với năm 2020), gồm: các doanh nghiệp ISP (Viettel, VNPT, FPT, CMC, Mobifone, Netnam…); mạng của các cơ quan nhà nước, chính phủ; các doanh nghiệp nội dung, trung tâm dữ liệu IDC, ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học …

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ định hướng phát triển hạ tầng số cần gắn liền với kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), công nghệ 5G, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Để phát triển bền vững, đảm bảo an toàn hạ tầng số Việt Nam, việc phát triển hạ tầng, nền tảng Internet, nội dung trong nước là rất quan trọng. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp đưa ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia là mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet, tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực. Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6).

Theo số liệu từ Trung tâm Internet Việt Nam, năm 2021 tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Internet Việt Nam đạt 47%, xếp thứ 8 trên thế giới, tăng hai bậc so với năm 2020, cao gấp 1,7 lần trung bình toàn cầu; gấp 2,3 lần trung bình khối ASEAN. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia có mức triển khai IPv6 cao nhất toàn cầu.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO