Kế sách để Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ số

14/10/2021, 10:24

Trước biến chuyển lớn của thời đại 4.0, việc Việt Nam đề ra mục tiêu trở thành cường quốc công nghệ số vào năm 2030 là rất hợp thời, nhưng con đường nào đưa chúng ta tiến tới mục tiêu đầy tham vọng đó?

Việt Nam hùng cường

Công nghệ số là chìa khóa để tiến cùng thời đại

Việt Nam xác định đến năm 2030 trở thành cường quốc công nghệ số với các mục tiêu cụ thể như: thuộc nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng, kinh tế số chiếm 30% GDP [1],... Có những lý do xác đáng trong sự lựa chọn đó, bởi lẽ công nghệ số là cứu cánh để Việt Nam tăng nhanh năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực tăng trưởng mới duy trì mức tăng trưởng cao để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Chúng ta có những tiền đề cho mục tiêu đó.

Thứ nhất là tham vọng và quyết tâm lớn để trở thành cường quốc công nghệ số, hơn nữa, chúng ta theo chế độ một Đảng nên có thể thực hiện nhất quán chiến lược dài hạn, nhanh chóng huy động và tập trung nguồn lực cho các mục tiêu ưu tiên, áp đặt những cải cách đột phá tạo thuận lợi cho sự phát triển bứt phá trong ứng dụng và phát triển công nghệ số…

Thứ hai là cơ sở hạ tầng số khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành và do các công ty viễn thông lớn trong nước đầu tư. Mức độ phổ biến điện thoại di động, hầu hết mọi hộ gia đình đều sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại di động, người dân và doanh nghiệp có khả năng kết nối tốt với Internet, độ bao phủ 64% dân số…

Thứ ba là có nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới đang hoạt động và làm ăn phát đạt ở Việt Nam, điển hình như Samsung, Intel, Apple…, Trong lĩnh vực Blockchain, trí tuệ nhân tạo, Crypto, Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư từ Mỹ,…

Thứ tư là có nguồn nhân lực trẻ với những phẩm chất sáng giá, thuận lợi cho ứng dụng và phát triển công nghệ số như trí tuệ tốt, ham học, học nhanh, giỏi ứng biến, linh hoạt và dễ thích nghi. Thực tế cho thấy trong những năm qua bằng sự sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm của các bạn trẻ, chỉ trong vòng vài năm chúng ta đã có một số công ty có vốn hoá hàng tỷ USD trong lĩnh vực Blockchain, Mobile Game, Crypto,…

Kế sách để Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ số ảnh 1

Một thuận lợi khác là hiện nay Việt Nam có khoảng trên 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cùng một số lượng khá lớn kỹ sư, chuyên gia trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, Blockchain và Fintech… Đặc biệt, do hoàn cảnh lịch sử, chúng ta có nguồn chất xám người Việt Nam ở nước ngoài rất dồi dào. Hàng trăm nghìn nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư người Việt Nam đang ở các nước có nền khoa học tiên tiến, trong đó có nhiều người là chuyên gia tầm cỡ, giáo sư có tên tuổi, kỹ sư xuất sắc về công nghệ số đang làm việc cho các tập đoàn công nghiệp lớn, các đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Các nan đề trong phát triển công nghệ số

Bên cạnh thuận lợi, Việt Nam cũng đối mặt nhiều vấn đề nan giải.

Thứ nhất là yêu cầu buộc phải nhanh chóng trang bị kỹ năng số cho số đông nhân lực, đồng thời phát triển đội ngũ nhân tài công nghệ số cốt cán dẫn dắt công cuộc phát triển công nghệ số ở nước ta hiện nay trong khi nền giáo dục và đào tạo, nhất là các bậc sau trung học phổ thông còn nhiều bất cập, không phải một sớm một chiều khắc phục được. Việt Nam đang đi sau nhiều quốc gia về kỹ năng số, khoảng cách ngày càng gia tăng đáng kể, với tốc độ hiện tại, phải mất 25 năm chúng ta mới bằng Thái Lan hiện nay về kỹ năng số.

Thực tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 25%, tỷ lệ học tiếp sau trung học phổ thông mới đạt gần 30%. Giới trẻ còn khá mơ hồ về các kỹ năng số cần thiết để thích ứng với thời chuyển đổi số. Đặc biệt, thu hút và giữ chân nhân tài còn nhiều bất cập và ngày càng tồi tệ, chúng ta tụt sâu về Chỉ số thu hút nhân tài từ vị trí thứ 91 năm 2019 xuống vị trí 105 năm 2020, Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu năm 2020 đứng thứ 96 trên 132 quốc gia, tụt 5 vị trí so với năm 2019 và 9 vị trí so với năm 2018, khoảng cách quá lớn ngay cả khi so với Indonesia với thứ hạng 53 năm 2020[2].

Thứ hai là mức độ sử dụng công nghệ còn khiêm tốn. Chúng ta xếp hạng 102 về Sử dụng công nghệ và hạng 65 về Đầu tư cho các công nghệ mới, khá thấp so với Thái Lan. Đặc biệt hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia không chỉ yếu kém, trì trệ mà còn thiếu động lực và đà cũng như môi trường thuận lợi để phát triển.

Chúng ta cần khai thác triệt công nghệ số, không ngừng đổi mới sáng tạo hướng tới một nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, năng lực cạnh tranh và hiệu quả, đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030 từ mức 5% năm 2020, tạo động lực tăng trưởng mới duy trì mức tăng trưởng cao để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Thứ ba là thiếu các doanh nghiệp công nghệ số quy mô lớn có năng lực cạnh tranh tầm toàn cầu. Mẫu số chung của các cường quốc công nghệ số hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức là họ có các doanh nghiệp công nghệ số khổng lồ, hùng mạnh cạnh tranh tầm toàn cầu.

Con đường tiến tới mục tiêu

Trước hết, cần nhận thức rõ ràng rằng để bứt phá về công nghệ số, nhanh chóng bắt kịp nhóm các nước dẫn đầu thì không thể phó mặc cho khu vực tư nhân và thị trường mà cần có sự hỗ trợ đắc lực từ nhà nước, khu vực công và xã hội. Phải chịu chi và chi tới ngưỡng để khắc phục những “thất bại của thị trường” để nhanh chóng có được sự sẵn sàng về nguồn nhân lực kỹ năng số, đội ngũ nhân tài công nghệ số cốt cán, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp công nghệ số quy mô lớn, sự đáp ứng tốt của nền khoa học và công nghệ mạnh, nền giáo dục và đào tạo tiên tiến,…

Quan trọng hơn, phải biết đầu tư một cách khôn ngoan để không tạo ra những thất bại mới làm trầm trọng hơn thay vì giải quyết những “thất bại của thị trường”. Chẳng hạn như việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho các chương trình đào tạo không phù hợp với nhu cầu của thị trường hay việc tài trợ cho các nghiên cứu khoa học “vô bổ” chỉ để trong ngăn kéo tủ không có giá trị cả về khoa học cũng như ứng dụng thực tiễn. Hệ quả là, vừa tốn tiền tốn của, phí công phí sức, không khắc phục được những “thất bại của thị trường” mà còn làm cho sự việc tồi tệ hơn.

Trên tinh thần đó, cần dồn lực ưu tiên thực hiện dứt khoát và triệt để những việc cụ thể sau:

Thứ nhất là nhanh chóng trang bị kỹ năng số cho số đông người lao động đồng thời xây dựng đội ngũ nhân tài công nghệ số cốt cán dẫn dắt tiến trình phát triển công nghệ số. Để đẩy nhanh việc trang bị kỹ năng số cho người lao động, cần sắp xếp lại hệ thống các trường kỹ thuật, dạy nghề theo hướng bỏ bậc cao đẳng, chỉ gồm hai bậc. Bậc Trung cấp và bậc Đại học. Ở bậc Đại học gồm Đại học nghề 2 năm và Đại học nghiên cứu 4 năm. Đại học nghề gồm hai hệ, hệ trung cấp 1 năm và hệ đại học 2 năm. Sáp nhập các trường trung cấp, cao đẳng kỹ thuật, dạy nghề thành các Đại học nghề quy mô lớn, có đủ nguồn lực và năng lực cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường.

Các Đại học nghề nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo của nhà nước theo kết quả đào tạo và cơ chế cạnh tranh. Những Đại học nghề nào đạt kết quả xuất sắc thì được cấp nhiều kinh phí, những Đại học nghề nào không đạt kết quả tối thiểu theo quy định thì cắt kinh phí hỗ trợ, sáp nhập vào Đại học nghề có kết quả xuất sắc. Cách làm như sau:

Hằng năm, các đại học nghề bất kể công hay tư nhân muốn nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo ký bản thỏa thuận kết quả đào tạo với Hội đồng phát triển nhân lực công nghệ số quốc gia. Thống nhất về những kết quả đào tạo cụ thể, thang đo và cách đo kết quả cũng như kế hoạch cụ thể để hoàn thành. Kết quả đào tạo được đánh giá trên các tiêu chí như số lượng đào tạo theo các ngành ưu tiên liên quan đến công nghệ mới như Sản xuất thông minh, Internet vạn vật, Dữ liệu lớn, Bảo mật số liệu,…; Số lượng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; Số người tốt nghiệp đạt chuẩn nghề,… Tất cả được thực hiện công khai, minh bạch.

Như vậy, Đại học nghề nào muốn nhận kinh phí hỗ trợ thì phải nỗ lực hết mình trong việc cung cấp các chương trình đạo tạo chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp, Nhà nước… Khi đó, Đại học nghề sẽ hấp dẫn giới trẻ vì họ nhận thấy học đại học nghề vừa nhanh, lại dễ kiếm việc, thu nhập tốt, vẫn có vị thế xã hội…

Con đường nhanh nhất để có đội ngũ nhân tài công nghệ số cốt cán đủ tầm dẫn dắt tiến trình phát triển công nghệ số ở nước ta hiện nay là thu hút và trọng dụng nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài. Do hoàn cảnh lịch sử, chúng ta có nguồn nhân tài công nghệ số người Việt Nam thành danh ở nước ngoài dồi dào, họ có thể làm cầu nối trí tuệ Việt Nam với trí tuệ toàn cầu, về nước làm việc ở Viện nghiên cứu, Đại học, dự án, chương trình công nghệ trọng điểm, tư vấn về chiến lược, chính sách phát triển công nghệ số…

Bởi đây là nhân tài đắt giá nên cần có chính sách đột phá để thu hút, cần làm thật thì mới có kết quả thật. Nếu chỉ kêu gọi, hô hào suông không tạo môi trường thuận lợi, giao trọng trách và nhiệm vụ xứng tầm, tạo không gian đủ rộng để nhân tài công nghệ số người Việt Nam thành danh ở nước ngoài phát huy hết tài năng và sở trưởng, toàn tâm toàn ý đưa Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ số thì kết quả chẳng đi đến đâu cả, có khi còn vớ phải những kẻ giả tài, háo danh, chỉ giỏi tung hô ca tụng, tiền mất tật mang.

Kế sách để Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ số ảnh 2
Công nhân tại nhà máy sản xuất điện thoại Vinsmart

Sự thành công của Vingroup trong chiêu mộ nhân tài người Việt Nam thành danh ở nước ngoài rất đáng nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng ra các doanh nghiệp công nghệ số, Đại học, Viện nghiên cứu,… để nâng cao chất lượng nghiên cứu, chất lượng đào tạo nhân lực bắt nhịp xu thế của thời đại 4.0.

Về dài hạn, cần hỗ trợ một số trường đại học nghiên cứu tinh hoa đào tạo nhân tài công nghệ số ở các chuyên ngành như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, Blockchain, điện toán đám mây, tự động hóa… Có chế độ học bổng hấp dẫn để tuyển chọn các sinh viên xuất sắc đi đào tạo ở các nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến…

Thứ hai là hậu thuẫn một số “đại bàng” tư nhân nội về công nghệ số có đủ năng lực bắt tay với “đại gia” công nghệ ngoại, có vị thế vững mạnh ở thị trường nội địa làm bàn đạp tiên phong tiến ra toàn cầu. Bởi lẽ, nếu để các doanh nghiệp tư nhân nội “tự thân vận động” sẽ mất nhiều thời gian và khó có thể đấu với các “đại gia” công nghệ ngoại ở thị trường trong nước chưa nói gì ở đấu trường toàn cầu. Chúng ta có thể hỗ trợ bằng cách giảm thuế, hỗ trợ R&D và nới lỏng các rào cản quy định, thủ tục…

Đối với doanh nghiệp nhà nước, hợp nhất các doanh nghiệp nhà nước hình thành những doanh nghiệp quy mô lớn để có đủ nguồn lực đầu tư phát triển R&D, ứng dụng công nghệ số. Mặt khác, giảm tối đa doanh nghiệp nhà nước để nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn, giảm bớt cơ hội tham nhũng, tiêu cực và tăng cơ hội phát triển cho doanh nghiệp tư nhân.

Thứ ba là sắp xếp lại hệ thống Viện nghiên cứu với ba cấu phần chính là Viện nghiên cứu công, Viện nghiên cứu ở đại học, Viện nghiên cứu ở doanh nghiệp, phân vai theo thế mạnh, đẩy nhanh tốc độ phát triển viện nghiên cứu ở doanh nghiệp. Các Viện nghiên cứu cạnh tranh bình đẳng để nhận tài trợ từ nhà nước và các quỹ nghiên cứu. Đồng thời, hợp nhất các Viện nghiên cứu công hình thành những Viện nghiên cứu quy mô lớn để có đủ nguồn lực và năng lực tiến hành những nghiên cứu, dự án tầm cỡ, có giá trị. Lý tưởng nhất là hợp nhất hơn 700 Viện nghiên cứu công hiện thời với đa số là còi cọc còn dưới 100 Viện.

Thứ tư là thành lập Quỹ phát triển công nghệ số vì một Việt Nam hùng cường trong thời đại 4.0. Nguồn quỹ từ ngân sách nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp, ủng hộ của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, tiền thu hồi từ tham nhũng, từ bán các doanh nghiệp nhà nước…

Tóm lại, Việt Nam đề ra mục tiêu đầy tham vọng trở thành cường quốc số vào năm 2030 là rất hợp thời, song chúng ta không thể tới đó bằng lối cũ theo kiểu cơi nới, tà tà tiệm tiến mà đòi hỏi cách tiếp cận mới đột phá, thần tốc “không truyền thống, không tuần tự”, có sự lựa chọn và tập trung cao độ cho các mục tiêu ưu tiên.

Cụ thể, cần có sự đột phá trong sắp xếp lại hệ thống trường nghề, kỹ thuật để hình thành các Đại học nghề quy mô lớn cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu của người học, doanh nghiệp và Nhà nước, nhanh chóng bịt lỗ hổng kỹ năng số cho số đông nhân lực.

Sắp xếp lại hệ thống Viện nghiên cứu để có được các viện nghiên cứu quy mô lớn có đủ nguồn lực và năng lực tiến hành những nghiên cứu, dự án tầm cỡ, có giá trị.

Tạo sự đột phá trong cơ chế, chính sách để hình thành các doanh nghiệp công nghệ số quy mô lớn có khả năng cạnh tranh tầm toàn cầu.

Thu hút, đào tạo nhân tài để có được đội ngũ nhân tài công nghệ số cốt cán đủ tầm dẫn dắt đưa đất nước phát triển bứt phá về công nghệ số, tiến nhanh, đi xa trong thời đại 4.0.

Tài liệu tham khảo

[1] Thủ tướng Chính phủ (2020) "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

[2] Báo Người Lao Động (2021) “Việt Nam đứng thứ 96 về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu”.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO