Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc công ty an ninh mạng Kaspersky khu vực Đông Nam Á, cho biết trong một thông cáo báo chí: "Tất cả các bên liên quan phải cảnh giác với xu hướng này vì tội phạm mạng luôn chờ cơ hội để tấn công mạng".
Nguy cơ tấn công mạng gia tăng khi ngày càng nhiều người sử dụng không gian mạng để lấy các mã thông báo không thể thay thế (NFT), tham gia vào Metaverse và thực hiện các giao dịch tài sản tiền điện tử, đầu tư trong giới trẻ.
Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2022, Kaspersky đã phát hiện và ngăn chặn tổng cộng trên 11,8 triệu mối đe dọa an ninh mạng khác nhau tại Indonesia. Con số này thể hiện mức tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021 với hơn 9,63 triệu trường hợp.
Tuy nhiên, số lượng các cuộc tấn công mạng trong quý I/2022 đã giảm 2% so với quý IV/2021.
Indonesia được xếp hạng đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ 60 trên thế giới về mức độ nguy hiểm do lướt Internet gây ra. (Ảnh: Pexels)
Dựa trên các số liệu thống kê, Kaspersky lưu ý rằng, Indonesia được xếp hạng đứng đầu ở Đông Nam Á và thứ 60 trên thế giới về mức độ nguy hiểm do lướt Internet gây ra.
Kaspersky khuyến cáo, người sử dụng Internet cần cân nhắc kỹ trước khi nhấp vào các liên kết đáng ngờ trong e-mail hoặc tin nhắn: "Đừng mở thư nếu bạn không nhận ra người gửi".
Khi cài đặt ứng dụng, người sử dụng chỉ nên tải xuống từ các ứng dụng được phép như Google Play và App Store. Mặc dù các ứng dụng này không được bảo mật 100% nhưng nguy cơ đối mặt với các cuộc tấn công mạng như phần mềm độc hại Trojan sẽ giảm đi rất nhiều.
Thói quen cập nhật hệ thống vận hành và ứng dụng có thể giúp bảo mật dữ liệu. Việc cập nhật hệ thống giúp vá lỗ hổng của phiên bản trước; luôn sử dụng các kết nối an toàn khi sử dụng Internet và tránh truy cập vào phần mềm ngân hàng và các dịch vụ quan trọng khác trên Wi-Fi công cộng.
Cuối cùng, hãy cảnh giác với phần mềm chống virus miễn phí từ các nguồn không rõ ràng vì nó có thể là phần mềm độc hại giả danh.