Huyện Cao Phong: Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả hành chính công

11/08/2023, 11:06

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, phát triển sản xuất… đang được huyện Cao Phong thực hiện mang lại hiệu quả trong công việc.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, phát triển sản xuất… đang được huyện Cao Phong thực hiện mang lại hiệu quả trong công việc.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Cao Phong tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch.
Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, huyện Cao Phong đẩy mạnh ứng dụng CNTT, triển khai các phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Nhận thức của các cấp, ngành và Nhân dân về chuyển đổi số được nâng lên. Hạ tầng thông tin phát triển, mở rộng đến tất cả các cơ quan từ huyện đến cơ sở. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính phục vụ công tác chuyên môn đạt trên 98%, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả công việc.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó trưởng phòng VH-TT huyện Cao Phong cho biết: Các phòng chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn tích cực ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính. Hạ tầng viễn thông, internet trên địa bàn huyện được đầu tư, nâng cấp với công nghệ tiên tiến và không ngừng mở rộng vùng phục vụ, kể cả vùng sâu, vùng xa. Hiện có 4 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnammobile) đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ thông tin di động, gồm cả 3G, 4G, 5G được lắp đặt tại 10 xã, thị trấn với 46 trạm thu, phát sóng; khoảng 80% dân số sử dụng điện thoại di động, cố định; 100%  cơ quan quản lý Nhà nước, trường học được kết nối internet; tỷ lệ người dân sử dụng internet khoảng trên 65%.
Các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn tích cực sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh như: phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thư điện tử công vụ, Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Đến nay, bộ phận một cửa cấp huyện, xã đều cung cấp thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; 100% cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn sử dụng chữ ký số...
Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, tổ giúp việc. Thực hiện Mô hình "Đội thanh niên tình nguyện - Hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, hệ thống phần mềm giải quyết hồ sơ. 6 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận 6.747 hồ sơ, trong đó số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 6.643, đạt 98,5%; đã giải quyết 6.599 hồ sơ, quá hạn 5 hồ sơ, đang giải quyết 148. Việc ứng dụng CNTT góp phần thực hiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, phục vụ chuyển đổi số. 
Tuy nhiên, hạ tầng CNTT trên địa bàn huyện còn yếu, hệ thống thiết bị của các cơ quan, đơn vị phần lớn được trang bị từ lâu, đã xuống cấp và cấu hình thấp, chưa được nâng cấp kịp thời. Trình độ CNTT của cán bộ, công chức, viên chức không đồng đều. Cán bộ chuyên trách CNTT cấp huyện, xã trình độ chuyên môn cao còn ít, khó khăn trong công tác tham mưu, quản lý, ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị.
Để việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đạt hiệu quả, huyện tiếp tục phát triển hạ tầng và nền tảng dữ liệu chung làm cơ sở dữ liệu phục vụ chính quyền số. Xây dựng trung tâm điều hành thông minh (IOC), phòng họp không giấy để kết nối hệ thống thông tin dữ liệu dùng chung các lĩnh vực phục vụ quản lý, điều hành.
 

 Đỗ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO