Kết quả này đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 68 và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 600 triệu lượt truy cập, hơn 4,3 triệu hồ sơ trực tuyến, 3,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện từ Cổng, tăng 526% so với cùng kỳ năm 2022, trung bình mỗi ngày tiếp nhận, xử lý khoảng 100 nghìn hồ sơ, giao dịch thanh toán trực tuyến.
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu thực hiện so với yêu cầu của Chính phủ còn thấp; một số dịch vụ công trực tuyến còn chưa được tái cấu trúc quy trình theo hướng lấy người dùng làm trung tâm nên chất lượng thực hiện chưa cao. Tỷ lệ đồng bộ trạng thái hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng còn thấp, thậm chí có bộ trong quý I/2023 không đồng bộ hồ sơ như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Y tế.
Bên cạnh một số bộ, ngành triển khai tương đối tốt việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính như: Bộ Tài chính; Tập đoàn Điện lực Việt Nam… thì còn một số bộ, ngành chưa thực hiện hoặc thực hiện đạt kết quả thấp. Việc cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử của Bộ Công an mới đạt 4,79%, Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 4,34%, thậm chí, Bộ Tư pháp chỉ đạt 1%…
Một số bộ, ngành tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia còn thấp như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là 9,4%, trong khi yêu cầu của Chính phủ là 70% trong tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết.
Thời gian qua, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp vừa và nhỏ (LinkSME) đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đánh giá, rà soát các quy định kinh doanh, hoàn thiện thể chế và đơn giản hóa các quy định, thủ tục nhằm cắt giảm các chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Việc đưa các thủ tục lên dịch vụ công cấp độ 3, 4, kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử sẽ góp phần giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.