Tọa đàm “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Đại biểu nhân dân). |
Tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương bà Lại Việt Anh cho biết, dù ảnh hưởng của Covid-19 thương mại điện tử (TMĐT) vẫn là một trong số ít những ngành duy trì tăng trưởng đạt 16% và quy mô thị trường 13,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021. TMĐT Việt Nam được xếp thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Dự đoán đến năm 2025 quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt 57 tỉ đô la Mỹ.
Theo bà Việt Anh, cùng sự mở rộng của thị trường thì những hành vi vi phạm sẽ ngày càng đa dạng, càng nhiều. Thực tiễn đó đòi hỏi của cơ quan quản lý cần có khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, có sự thay đổi phù hợp về pháp luật để bảo vệ được người tiêu dùng.
Trong dự thảo luật lần này, cơ quan soạn thảo bổ sung một chương riêng gồm 3 mục, 10 điều và bao gồm các nội dung liên quan đến giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp và bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên.
Trả lời câu hỏi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi cần được thiết kế, xây dựng ra sao để thực sự bảo đảm được quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng, ông Tạ Đình Thi cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là một vấn đề hết sức mới mẻ. Vì vậy, việc thiết kế, xây dựng dự thảo luật lần này để bảo đảm tính khả thi, đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục tổng kết, đánh giá từ thực tiễn của Việt Nam.
Bên cạnh đó cũng cần tham khảo bài học kinh nghiệm của quốc tế để đưa ra được quy định có thể điều chỉnh và giải quyết ngay các vấn đề cấp bách hiện thời cũng như bảo đảm tính bền vững, lâu dài trong thời gian tới.
Cũng trả lời câu hỏi trên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi cần được thiết kế, xây dựng ra sao để thực sự bảo đảm được quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, vai trò của những nhà vận hành nền tảng cần được điều chỉnh chi tiết để tăng trách nhiệm giải trình đối vối người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến cần được điều chỉnh làm sao giảm mức thấp nhất sự bất đối xứng thông tin giữa người tiêu dùng và người kinh doanh trên nền tảng trực tuyên. Đó sẽ là những yếu tố mang tính mấu chốt của những quy định về bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng mà luật cần giải quyết.