Theo báo cáo tại hội nghị, việc tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong giúp tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong bối cảnh đại dịch.
Cụ thể, tại Bắc Giang, sản lượng vải tăng hơn 30% so với năm ngoái và thu hoạch ngay trong bối cảnh giãn cách. Riêng tiêu thụ qua sản 2 sàn thương mại điện tử đạt hơn 8.200 tấn tới 63 tỉnh, thành. Mặc dù vậy, vẫn có một số vấn đề cần tháo gỡ.
Ông Nguyễn Khắc Lịch - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Nhiều đơn hàng, hàng về đến Hà Nội nhưng không phát được đến tay người mua và sau 48 tiếng bị hỏng. Điều này gây khúc mắc trong chuyện đền bù giữa bà con và các doanh nghiệp của 2 sàn Postmart và sàn Vỏ Sò. Lập tức bà con bị hoang mang và sản lượng sụt giảm mạnh".
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị tăng cường lượng xe được cấp phép cho 2 doanh nghiệp bưu chính để đảm bảo năng lực vận chuyển.
Hội nghị trực tuyến hướng dẫn việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Mặc dù, lượng nông sản tiêu thụ qua 2 sàn thương mại điện tử bưu chính hiện mới chỉ là 5%. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đây lại là kênh cung cấp thông tin để người dân, khách hàng có thể biết đến để kết nối, mua sản phẩm trực tiếp là rất lớn.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc đẩy mạnh đưa 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên thương mại điện tử bên cạnh việc đào tạo, cung cấp công cụ, các kênh thanh toán số và logistic sẽ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các nhiều Bộ, ngành chức năng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương sẽ cần cung cấp thông tin kịp thời để truyền thông sớm cho nông dân biết thị trường cần gì, khách hàng cần gì để chuyển đổi phù hợp.