Tuy nhiên, WAN-IFRA đã quyết định chưa tán thành “Hiến chương Paris” này vì những lo ngại cụ thể từ các nhà xuất bản tin tức.
WAN-IFRA đã tham gia vào nhóm làm việc do RSF triệu tập để soạn thảo hiến chương đạo đức này với mục đích hướng dẫn việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành báo chí nhằm đối phó với mối đe dọa mà AI gây ra cho báo chí cũng như lĩnh các vực tin tức và thông tin.
Trong khi đó, WAN-IFRA đã xác nhận lại sự ủng hộ của mình đối với Nguyên tắc toàn cầu về AI (Global Principles for Artificial Intelligence), một tiêu chuẩn được các nhà xuất bản tin tức trên toàn cầu đồng ý nhằm xác định các biện pháp bảo vệ lợi ích của người sáng tạo nội dung, nhà xuất bản và người tiêu dùng.
10 điều của “Hiến chương Paris”
“Hiến chương Paris” là một khung gồm 10 mục, nhằm hướng dẫn việc sử dụng AI trong báo chí và truyền thông cho các cơ quan truyền thông, các chuyên gia truyền thông trên toàn cầu. Những mục này bao gồm:
1) Đạo đức báo chí hướng dẫn cách các cơ quan truyền thông và nhà báo sử dụng công nghệ;
2) Các đơn vị truyền thông ưu tiên đối tượng con người;
3) Các hệ thống AI được sử dụng trong báo chí phải trải qua quá trình đánh giá độc lập trước đó;
4) Các đơn vị truyền thông luôn chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản;
5) Các phương tiện truyền thông duy trì tính minh bạch trong việc sử dụng các hệ thống AI;
6) Các đơn vị truyền thông đảm bảo nguồn gốc nội dung và khả năng truy xuất nguồn gốc;
7) Báo chí vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa nội dung xác thực và tổng hợp;
8) Việc cá nhân hóa và đề xuất nội dung dựa vào AI sẽ duy trì tính đa dạng và tính toàn vẹn của thông tin;
9) Các nhà báo, cơ quan truyền thông và các nhóm hỗ trợ báo chí tham gia vào việc quản lý AI;
10) Báo chí duy trì nền tảng đạo đức và kinh tế khi hợp tác với các tổ chức AI.
Và quan điểm của WAN-IFRA
Vincent Peyregne, Giám đốc điều hành WAN-IFRA cho biết: “Những điểm này được đưa ra sau khi tham vấn với các tổ chức đại diện. Đây được coi như một khung ban đầu để các tổ chức tin tức và nhà báo xem xét cách họ tham gia và sử dụng công nghệ đang phát triển nhanh chóng này”.
Nhưng WAN-IFRA cũng bày tỏ lo ngại về điểm thứ 3 là lời kêu gọi các hệ thống AI được sử dụng trong báo chí phải trải qua quá trình đánh giá độc lập trước đó.
“Ý định của chúng tôi khi tham gia nhóm làm việc là để đảm bảo việc áp dụng rộng rãi nhất có thể và cơ hội thành công tốt nhất có thể, đặc biệt bằng cách trông cậy vào sự hỗ trợ của các công ty truyền thông tin tức, điều cần thiết nếu Hiến chương này trở thành chuẩn mực cho nghề nghiệp, bao gồm các nhà báo và nhà xuất bản. Với suy nghĩ này, thật đáng tiếc là chúng tôi không thể xác nhận phiên bản này, đặc biệt là liên quan đến những triển vọng phi thực tế của điểm thứ 3”, Vincent Peyrègne, Giám đốc điều hành của WAN-IFRA nhận xét.
Phần này nêu rõ: “Các hệ thống AI được giới truyền thông và nhà báo sử dụng phải trải qua quá trình đánh giá độc lập, toàn diện và kỹ lưỡng với sự tham gia của các nhóm hỗ trợ báo chí. Đánh giá này phải thể hiện một cách mạnh mẽ sự tuân thủ các giá trị cốt lõi về đạo đức báo chí".
Vincent Peyregne nhận xét: “Công cụ AI là phù hợp nếu nó đáp ứng được 3 yêu cầu: Tạo ra hiệu quả mà không làm suy yếu quyền tự chủ của cá nhân; không tạo ra nô lệ hay chủ nhân và nó mở rộng phạm vi hoạt động cá nhân. Những tiêu chí này áp dụng bình đẳng cho các nhà báo và nhóm biên tập cũng như đối với các công ty xuất bản".
Vincent Peyregne cho biết: “Quyết định về việc áp dụng hệ thống AI nào trong một công ty truyền thông tin tức cần phải thuộc về chính công ty đó và không nên phụ thuộc vào đánh giá bên ngoài”. Các nhà xuất bản tin tức nên đưa ra những hướng dẫn riêng về cách sử dụng AI, dựa trên các tiêu chí được thiết lập riêng với sự phối hợp các nhóm của họ, bao gồm cả việc biên tập. Sự lựa chọn của họ cũng sẽ dựa trên yếu tố thương mại.
“Chúng tôi tin rằng các nhà xuất bản, những người chịu trách nhiệm pháp lý cao nhất về những gì họ xuất bản cần phải tạo ra các biện pháp bảo vệ và tiêu chuẩn biên tập của riêng mình". Peyregne cho biết thêm rằng: “Việc giao những quyết định này cho một cơ quan bên ngoài là không thực tế”.
Martha Ramos, Chủ tịch diễn đàn Biên tập viên thế giới, người đại diện cho WAN-IFRA trong nhóm làm việc cho biết, đánh giá trước đây về các công cụ AI dường như không thực tế do cách thức và tốc độ AI đang phát triển có nguy cơ can thiệp vào chính sách nội bộ của các đơn vị biên tập./.