Ngày 23/11, Bộ Tư pháp tổ chức “Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024” bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến 29 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị nhằm đề xuất các giải pháp để đạt được những mục tiêu đề ra của Chương trình vào năm 2024.
Hội nghị được tổ chức với sự tài trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) hợp tác với tổ chức Vital Strategies trong khuôn khổ Chương trình “Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe” nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng cường công tác đăng ký, thống kê hộ tịch.
Đây là hoạt động nối tiếp trong chương trình kế hoạch hợp tác của UNFPA và Tổ chức Vital Strategies - đối tác trong Chương trình “Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe” nhằm hỗ trợ Bộ Tư pháp triển khai các hoạt động chủ yếu, gồm: xây dựng quy trình cải tiến nghiệp vụ nhằm cải thiện chất lượng đăng ký khai sinh và khai tử; hỗ trợ nghiên cứu thí điểm mô hình sáng tạo liên thông trong đăng ký khai sinh và khai tử; rà soát và đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về đăng ký và thống kê hộ tịch; tăng cường sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc chia sẻ dữ liệu đăng ký và thống kê hộ tịch phục vụ công tác xây dựng chính sách.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch vừa kết thúc hôm 19/11, để đánh giá lại việc thực hiện các cam kết thập kỷ về đăng ký và thống kê hộ tịch trong khu vực.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, quyền đăng ký hộ tịch là một trong những quyền nhân thân cơ bản của con người, được pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm thực hiện từ Hiến pháp đến các luật của Quốc hội và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành.
Quyền này cũng được ghi nhận trong pháp luật quốc tế và Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế ở cấp độ đa phương, toàn cầu về quyền con người, trong đó có các quy định về bảo đảm quyền được khai sinh, kết hôn và quốc tịch.
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cùng các quốc gia trong khu vực tại Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất năm 2014 đã thông qua Tuyên bố về đăng ký và thống kê hộ tịch và Khung hành động khu vực, phát động thập niên 2015-2024 là Thập niên đăng ký và thống kê hộ tịch của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Để thực hiện các nội dung của Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia, hệ thống đăng ký hộ tịch của Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn cả về thể chế pháp luật, tổ chức bộ máy.
Cán bộ tư pháp hộ tịch được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phù hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đăng ký và quản lý hộ tịch trực tuyến hiệu quả, chính xác, thuận lợi cho người dân, bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác.
Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có hàng triệu trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam trong các năm qua đã đạt trên 98%.
Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 không chỉ bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho công dân ở trong nước, mà còn bảo đảm cả công dân Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được cấp giấy tờ hộ tịch (đặc biệt là giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, trích lục khai tử) với đầy đủ nội dung, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch vẫn còn có những khó khăn, thách thức trong bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng Hội nghị là cơ hội để các bộ, ngành, địa phương đánh giá lại toàn diện, đầy đủ việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, nhằm thực hiện thành công các nhiệm vụ đặt ra và các mục tiêu phát triển bền vững, “không ai bị bỏ lại phía sau."
Chúc mừng Bộ Tư pháp đã có sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch trong 5 năm qua, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh một hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hiệu quả sẽ đảm bảo mọi người đều được hưởng các lợi ích xã hội, bao gồm chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Một cơ chế đăng ký tinh gọn xuyên suốt cuộc đời đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ, tạo nên một khuôn khổ nhằm giải quyết bất bình đẳng giới.
Hơn nữa, số liệu thống kê hộ tịch chính xác và đầy đủ - trích từ hồ sơ đăng ký hộ tịch - đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng các chính sách quốc gia và địa phương, cũng như trong việc đo lường các kết quả phát triển, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ví dụ, số liệu thống kê kịp thời được phân tổ theo nguyên nhân tử vong và các đặc điểm nhân khẩu học khác là những thông tin quan trọng trong việc thiết kế, thực hiện và giám sát các chính sách y tế công cộng, cũng như để nhận biết các vấn đề sức khỏe mới nổi, chẳng hạn như COVID-19.
Bà Naomi Kitahara lưu ý thế giới chỉ còn 9 năm để hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững, hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó. Các chỉ số của 15/17 Mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi có dữ liệu đăng ký và thống kê hộ tịch có chất lượng. Như vậy, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch có thể được coi như một công cụ thúc đẩy để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cần củng cố vai trò và trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia trong việc triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch; ứng dụng công nghệ số để giúp các bộ, ngành chia sẻ thông tin hiệu quả hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tiến toàn bộ hệ thống đăng ký, thống kê hộ tịch.
Bà Naomi Kitahara cho biết UNFPA sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh quá trình thay đổi, hướng tới một hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hiện đại, tiến bộ, trong đó, dữ liệu hộ tịch sẽ được chia sẻ và sử dụng cho mục đích xây dựng, thực hiện các chính sách và ra quyết định dựa trên bằng chứng./.