Hà Nội giữ vững thương hiệu một trong những điểm đến hấp dẫn nhất

01/02/2022, 11:18

Giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch Hà Nội đề ra 3 nội dung đột phá, 7 giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đón 30-35 triệu lượt khách, trong đó có từ 7-8 triệu lượt khách quốc tế.

Ha Noi giu vung thuong hieu mot trong nhung diem den hap dan nhat hinh anh 1Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Mặc dù năm 2021 du lịch Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trong cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng nhiều tổ chức, cơ quan báo chí du lịch quốc tế vẫn đánh giá, xếp hạng Hà Nội đứng trong nhóm những thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, với việc sở hữu gần 6.000 di tích, hơn 1.350 làng nghề, Hà Nội hội tụ rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, Hà Nội có vùng ven đô, vùng ngoại thành với nhiều nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, phù hợp phát triển loại hình du lịch giải trí, du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về du lịch, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu, xu hướng du lịch thay đổi, trong đó du lịch theo nhóm nhỏ, bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 sẽ là chủ đạo. Vì thế, khi xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch, Hà Nội cần tính toán đến sự thay đổi này.

Điểm đến hấp dẫn của thế giới

Trang web Trip Advisor xếp hạng thành phố Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách top 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất châu Á và đứng thứ 6 trong danh sách top 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất thế giới.

Trang du lịch trực tuyến Worldpackers (Mỹ) giới thiệu Thủ đô Hà Nội là 1 trong 10 thành phố có mức chi rẻ nhất thế giới dành cho người nước ngoài.

Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn Thủ đô Hà Nội là 1 trong 3 điểm đến của Việt Nam vào top 100 nơi tuyệt vời nhất thế giới, 3 điểm đến gồm Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang).

Tiếp đó, trang Holidu (Anh) chuyên về du lịch quốc tế, xếp Thủ đô Hà Nội ở vị trí thứ 18 (Thành phố Hồ Chí Minh thứ 21, Hội An thứ 32) trong danh sách 147 thành phố tuyệt nhất để làm việc và nghỉ ngơi trên thế giới.

Cơ quan phân tích Deep Knowledge Analytics (DKA) xếp Thủ đô Hà Nội vào danh sách 50 thành phố ứng phó với đại dịch tốt nhất thế giới, ở vị trí thứ 44, trong tổng số 72 thành phố du lịch được DKA phân tích, xếp trên cả Athens của Hy Lạp hay Bucharest của Romania.

Cẩm nang du lịch uy tín Forbes Travel Guide (Mỹ) công bố danh sách bảng xếp hạng các khách sạn, nhà hàng và spa cao cấp đạt chuẩn 5 sao. Trong đó, Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội năm thứ hai liên tiếp được xếp hạng cao nhất.

Bên cạnh đó, Travelers' Choice Awards 2021 là chuỗi giải thưởng do TripAdvisor tổ chức đã xếp hạng Khách sạn Hanoi La Siesta Diamond (Hà Nội) đứng ở vị trí đầu tiên trong top 25 khách sạn tầng thượng đẹp nhất thế giới.

Việt Nam có 4 khách sạn lọt danh sách này gồm Hanoi La Siesta Diamond (Lò Sũ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), La Sinfonia del Rey (Hàng Dầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Peridot Grand Hotel (Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội), JM Marvel Hotel & Spa (Hàng Da, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết năm 2021, ngành du lịch đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển du lịch, xây dựng và nâng cấp, khởi động nhiều sản phẩm du lịch trong tình hình mới, thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 để thu hút khách du lịch đến Thủ đô.

Cơ quan quản lý du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến đã chủ động cơ cấu lại sản phẩm du lịch mới tập trung thu hút khách du lịch nội địa với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.”

Nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn được giới thiệu tới du khách, có sự hợp tác giữa điểm đến, cơ sở lưu trú du lịch, hãng vận chuyển với các liên minh kích cầu du lịch trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ động cơ cấu lại thị trường, năng lực quản trị, tiếp tục duy trì vị trí cạnh tranh, sẵn sàng để bước qua khó khăn, sớm đạt mục tiêu phục hồi và phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Phát triển du lịch bền vững

Giai đoạn 2021-2025, ngành Du lịch Hà Nội đề ra 3 nội dung đột phá, 7 giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, phát triển du lịch thực sự bền vững và theo định hướng thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Ha Noi giu vung thuong hieu mot trong nhung diem den hap dan nhat hinh anh 2Du khách nước ngoài đeo khẩu trang khi đi tham quan Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đến năm 2025, ngành du lịch Thủ đô đón và phục vụ từ 30-35 triệu lượt khách, trong đó có từ 7-8 triệu lượt khách quốc tế.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố sẽ triển khai 3 nội dung đột phá chiến lược. Cụ thể gồm hình thành cụm du lịch trọng điểm theo các vùng: cụm du lịch trung tâm Hà Nội (phát triển du lịch văn hóa, di sản, du lịch ẩm thực); cụm du lịch vùng ven đô (phát triển du lịch MICE, du lịch thể thao, giải trí); cụm du lịch vùng ngoại thành (phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, trải nghiệm, học đường...).

Đầu tư phát triển hạ tầng và sản phẩm theo quy hoạch phát triển du lịch nhằm tạo động lực và điều kiện tốt nhất cho du lịch thủ đô phát triển.

Cùng với đó, thành phố nghiên cứu chính sách, cơ chế xã hội hóa đầu tư hạ tầng du lịch; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành du lịch.

Các giải pháp trọng tâm phát triển du lịch thủ đô giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo là: tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường khách du lịch...

Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội UNESCO Trương Quốc Hùng cho rằng phục hồi du lịch Hà Nội thời gian tới cần tận dụng cơ hội xu hướng tiêu dùng của du khách tăng sau đợt giãn cách.

Ông Trương Quốc Hùng đề xuất các doanh nghiệp tăng trải nghiệm để khách hàng chi tiêu chứ không khuyến khích giảm giá.

Để tập trung phục hồi du lịch thủ đô, Phó Chủ tịch Ban Cố vấn Hiệp hội Du lịch Việt Nam Trương Minh Tiến đề xuất giai đoạn từ nay đến 2025 và tiếp theo, ngành Du lịch Hà Nội cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đã có với lợi thế là du lịch di sản văn hóa. Bên cạnh đó chọn một số làng nghề tiêu biểu để nâng cấp; nâng cấp chất lượng các tuyến phố đi bộ; nâng cấp hạ tầng du lịch, chỉnh trang cảnh quan chung của thành phố, đặc biệt các quận nội thành và tuyến phố cổ…

Hiện xu hướng du lịch của du khách thay đổi đặt ra yêu cầu ngành Du lịch Thủ đô cần vận động, thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Tiếp đến, cả cơ quan quản lý lẫn các doanh nghiệp lữ hành đều phải nỗ lực xây dựng ngành du lịch thủ đô phát triển bền vững, là ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao./.

(Vietnam+)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO