Chương trình AsiaBerlin là sáng kiến thiết lập một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế giữa Châu Á và Berlin, diễn ra trong 7 ngày, từ 4 - 10/10/2021, với nhiều sự kiện hội nghị trực tuyến, hàng trăm diễn giả từ hàng chục quốc gia đăng đàn diễn thuyết.
Trong đó, “Green Tech Made in Vietnam” dự kiến diễn ra vào ngày 8/10, được đồng tổ chức bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NIC), Trung tâm Chuyển đổi số tại Việt Nam trực thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Vụ Kinh tế, Năng lượng và Doanh nghiệp Đức.
“Green Tech Made in Vietnam” với chủ đề chính là “Kết nối Berlin và Việt Nam - Tìm kiếm cơ hội”.
Đây là nền tảng, tập hợp những sáng kiến nhằm mục đích quốc tế hóa các công ty khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm Thành phố thông minh (Smart City), Công nghệ đô thị (Urban Tech), Công nghệ xanh (GreenTech), Công nghệ khí hậu (Climate Tech), Công nghệ tài chính (Fintech), Khởi nghiệp xã hội (Social Entrepreneurship), AI,...
Tại “Green Tech Made in Vietnam”, có 4 doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam sẽ chia sẻ các ý tưởng sáng tạo về các giải pháp công nghệ, sản phẩm giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Theo nhận định của đại điện của GIZ, Việt Nam là nước có dân số trẻ và năng động, trình độ kỹ thuật và kỹ năng giải quyết vấn đề vượt trội. Việt Nam cũng là một cường quốc về nông nghiệp với đường bờ biển dài hơn 3.000 km2, do đó chịu không ít tác động đặc biệt từ biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, đi kèm với những thách thức này là các ý tưởng tuyệt vời: Chương trình “Green Tech Made in Viet Nam” tới đây sẽ giới thiệu các công ty khởi nghiệp Công nghệ xanh giúp Việt Nam thích ứng và giảm thiệu các tác động từ biến đổi khí hậu đồng thời bảo vệ tài nguyên môi trường.
Diễn thuyết đầu tiên là Wiibile – một công ty sản xuất xe đạp trợ lực điện sử dụng động cơ và pin thông minh. Tầm nhìn của họ là cho phép 100 % phương tiện giao thông không phát thải tại trung tâm các thành phố lớn của Việt Nam vào năm 2030. Wiibike tiên phong cung cấp các giải pháp giao thông đô thị xanh thay thế xe máy và lan tỏa lối sống bền vững.
Công ty khởi nghiệp thứ hai là IoTeamVN, là đơn vị cung cấp các giải pháp IoT tiên tiến tập trung vào hiệu quả năng lượng. Giải pháp giám sát năng lượng của họ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về các yếu tố tiêu thụ điện đằng sau những hóa đơn tiền điện.
IoTeamVN đưa ra cách để cắt giảm chi phí cho những hóa đơn đó bằng hệ thống điều khiến thông minh giúp tự động hóa kiểm soát các thiết bị trong nhà.
Chia sẻ thứ ba tại sự kiện sẽ là PLASTIC People, họ là những người đã biến rác thải nhựa thành những sản phẩm vô hại, đẹp mắt và hữu ích.
Doanh nghiệp này có thể sản xuất các tấm lợp, bảng và những chiếc cột từ bất kỳ loại rác thải nhựa nào, đặc biệt tập trung vào các loại nhựa có giá trị thấp mà không ai thu gom hoặc tái chế.
Các vật liệu nhựa cao cấp đã được sử dụng để tạo ra nhiều đồ nội thất và hàng hóa khác nhau.
Công ty khởi nghiệp thứ tư, Hachi cũng tận dụng công nghệ IoT, nhưng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp thông minh. Công ty cung cấp các giải pháp về nông nghiệp đô thị và tưới tiêu bằng việc sử dụng các trang trại thủy canh.
Các hoạt động trồng trọt có thể được kiểm soát từ điện thoại thông minh của khách hàng, trong đó các dòng sản phẩm của họ bao gồm chậu tự tưới, bộ hẹn giờ tưới và các hộp trồng rau các loại.