Bộ chương trình làm việc đầu tiên này bao gồm các khoản đầu tư chiến lược cần thiết để đạt được các mục tiêu của EC nhằm biến thập kỷ kỹ thuật số của châu Âu thành hiện thực.
Chương trình châu Âu Kỹ thuật số nhằm mục đích củng cố chủ quyền công nghệ của châu Âu và đưa các giải pháp kỹ thuật số ra thị trường vì lợi ích của công dân, cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp.
Chương trình chính, với kinh phí 1,38 tỷ euro, sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và không gian dữ liệu, cơ sở hạ tầng truyền thông lượng tử, kỹ năng kỹ thuật số tiên tiến và mở rộng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội đến hết năm 2022.
Cùng với chương trình công tác chính này, EC đã công bố hai chương trình cụ thể: chương trình thứ nhất với ngân sách 269 triệu euro đến hết năm 2022, tập trung vào việc tài trợ cho các dự án trong lĩnh vực an ninh mạng.
Chương trình thứ hai liên quan đến việc tạo ra và vận hành mạng lưới các trung tâm đổi mới kỹ thuật số châu Âu và ngân sách của nó lên tới 329 triệu euro cho đến cuối năm 2023.
Theo Phó Chủ tịch điều hành EC phụ trách kỹ thuật số, Margrethe Vestager, thông qua Chương trình châu Âu kỹ thuật số, Liên minh đang xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số an toàn và bền vững.
Qua đó, các công ty có quyền truy cập tốt hơn vào dữ liệu hoặc sử dụng các giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo. Chương trình cũng đầu tư vào việc đảm bảo cho người dân châu Âu có được các kỹ năng phù hợp để tham gia tích cực vào thị trường lao động.
Mục đích là tất cả mọi người ở châu Âu - công dân, doanh nghiệp và chính quyền – được hưởng lợi từ các giải pháp công nghệ thương mại hóa trong ngắn hạn.
Về phần mình, Ủy viên EC phụ trách thị trường nội bộ, Thierry Breton cho biết thập kỷ kỹ thuật số của châu Âu đã bắt đầu. Đến năm 2030, dữ liệu, điện toán đám mây và thiết bị, cũng như điện toán lượng tử, sẽ thúc đẩy sự đổi mới trong ngành và xã hội, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.
Khoản đầu tư 2 tỷ euro được công bố hôm nay sẽ cho phép các công ty châu Âu thuộc mọi quy mô, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp, nắm bắt cơ hội từ các thị trường đang phát triển.
Những khoản đầu tư này cũng sẽ giúp trang bị cho công dân châu Âu những kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường kỹ thuật số an toàn. Chủ quyền công nghệ Liên minh châu Âu (EU) sẽ được củng cố.
Kế hoạch làm việc chính của Chương trình châu Âu kỹ thuật số sẽ bao gồm các khoản đầu tư cụ thể vào việc triển khai các không gian dữ liệu chung tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới cho các doanh nghiệp ; tạo ra các cơ sở thử nghiệm cho các giải pháp dựa trên AI, để kích thích việc sử dụng AI đáng tin cậy, giải quyết các thách thức xã hội lớn, bao gồm cả biến đổi khí hậu và tính bền vững của chăm sóc sức khỏe.
Việc triển khai cơ sở hạ tầng truyền thông lượng tử an toàn cho EU (EuroQCI) sẽ cung cấp khả năng phục hồi mạnh mẽ khi đối mặt với các cuộc tấn công mạng.
Chương trình công tác an ninh mạng bao gồm các khoản đầu tư vào việc thiết lập các thiết bị, công cụ và cơ sở hạ tầng dữ liệu tiên tiến về an ninh mạng, phát triển và sử dụng tốt hơn kiến thức và kỹ năng an ninh mạng, khuyến khích chia sẻ các phương pháp tốt nhất và đảm bảo việc triển khai quy mô lớn các giải pháp an ninh mạng tiên tiến trên toàn bộ nền kinh tế châu Âu.
Để giúp đạt được các mục tiêu của mình, Chương trình châu Âu Kỹ thuật số sẽ triển khai một mạng lưới các trung tâm đổi mới kỹ thuật số của châu Âu, bao gồm các cơ quan công quyền ở cấp quốc gia, khu vực hoặc địa phương.
Đây sẽ là một công cụ quan trọng cho các chính sách của EU nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và khu vực công trong quá trình chuyển đổi kép sinh thái và kỹ thuật số.
Chương trình châu Âu Kỹ thuật số là chương trình tài trợ đầu tiên của EU với mục tiêu chính là mang công nghệ kỹ thuật số đến các doanh nghiệp và người dân.
Với tổng ngân sách dự kiến khoảng 7,5 tỷ euro trong 7 năm, chương trình sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và định hình sự chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế và xã hội châu Âu./.