Ngày 26/8, tại TP.HCM, đã diễn ra hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn thông tin khu vực phía Nam năm 2022 với chủ đề “Bảo vệ tài nguyên số và chiến lược an toàn, an ninh mạng trước thách thức toàn cầu mới”.
Quy tụ nhiều chuyên gia an toàn thông tin uy tín trong và ngoài nước, sự kiện do Chi hội An toàn thông tin phía Nam chủ trì tổ chức nhằm thiết thực hưởng ứng và thúc đẩy triển khai các chủ trương, chính sách mới của nhà nước về an toàn, an ninh mạng.
Nhấn mạnh từ khóa "Tự chủ", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong an toàn an ninh mạng, bắt buộc quốc gia phải tự chủ thì mới bảo vệ được thành quả. |
Trao đổi với các đại biểu dự hội thảo toàn cảnh qua kênh trực tuyến, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, “Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/8 là mảnh ghép quan trọng cuối cùng giúp hoàn thiện bức tranh tổng thể về một quốc gia số với các trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
“Với tầm nhìn Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, chúng ta sẽ chủ động đón nhận những cơ hội mới mở ra từ chuyển đổi số, nhưng cũng sẵn sàng ứng phó trước những nguy cơ, rủi ro để bảo vệ thành quả đạt được”, Thứ trưởng cho hay.
Theo Thứ trưởng, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng đồng nghĩa với chúng ta phải đảm bảo an toàn trên không gian mạng cho 100 triệu người dân; cho hơn 3.000 hệ thống thông tin quan trọng của các cơ quan Đảng, nhà nước; cho hoạt động của hơn 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế và 44.000 trường học cùng nhiều cơ quan, tổ chức khác.
Nhận định công việc trên là một bài toán lớn của đất nước, Thứ trưởng chỉ rõ cần có sự chung tay tham gia tích cực của toàn xã hội, trong đó cơ quan nhà nước giữ vai trò điều phối, gắn kết, chia sẻ thông tin.
Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và Chi hội An toàn thông tin phía Nam sẽ đóng vai trò cầu nối với các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng để lĩnh sứ mệnh tiên phong sáng tạo này. “Đây là một nhiệm vụ chiến lược với hành trình đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng rất ý nghĩa”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển các ý tưởng, giải pháp an toàn thông tin mạng sáng tạo xuất sắc mang lại lợi ích quốc gia và bảo vệ người dân.
Vì thế, đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT kêu gọi các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng chung tay cùng Bộ trong quá trình đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng. “Bộ TT&TT cam kết luôn đồng hành cùng các cơ quan, tổ chức, chi hội An toàn thông tin phía Nam và các doanh nghiệp an toàn thông tin để thúc đẩy hợp tác cùng phát triển”, Thứ trưởng khẳng định.
Hội thảo toàn cảnh an toàn thông tin khu vực phía Nam năm 2022 có chủ đề “Bảo vệ tài nguyên số và chiến lược an toàn, an ninh mạng trước thách thức toàn cầu mới”. |
Ở góc độ của Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam (VNISA), nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cũng nhấn mạnh rằng, an toàn thông tin là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, lĩnh vực an toàn thông tin mạng cũng đứng trước những thách thức vô cùng to lớn.
“Đặc biệt, khi những xung đột địa chính trị đang diễn ra làm thay đổi cục diện an ninh toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội cần có những tư duy mới, cách làm mới và chuẩn bị cho mọi tình huống, đáp ứng được yêu cầu mà Đảng và Nhà nước giao”, ông Nguyễn Thành Hưng phân tích.
Nhận định Chiến lược quốc gia về an toàn, an ninh mạng là nội dung quan trọng định hướng cho mọi hoạt động an toàn thông tin, Chủ tịch VNISA kỳ vọng, trên cơ sở chiến lược này, mọi người sẽ có nhận thức đầy đủ về hiện trạng công tác an toàn thông tin mạng và từ đó có những quyết sách đúng đắn, phù hợp.
“Với trách nhiệm phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng, VNISA cam kết luôn nỗ lực kết nối các cơ quan chính phủ với các doanh nghiệp, tổ chức để chúng ta cùng chung tay xây dựng một nền công nghệ an toàn bảo mật, xây dựng một nền an toàn thông tin tự chủ”, ông Nguyễn Thành Hưng bày tỏ.
Cũng trong phiên toàn cảnh, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia chia sẻ về hiện trạng an toàn thông khu vực phía Nam năm 2022; hệ miễn dịch không gian số; nâng cao an toàn an ninh thông tin với kiến trúc bảo mật Cyber Security Mesh; an ninh mạng hiện đại được xây dựng cho các mối đe dọa ngày nay; giải pháp bảo mật hiện đại cho những thách thức kinh doanh ngày nay.
Đại diện Sở TT&TT TP.HCM và Chi hội VNISA phía Nam ký kết hợp tác chiến lược. |
Diễn ra song song với triển lãm các giải pháp an toàn thông tin mạng, còn có tọa đàm “Bảo vệ tài nguyên số và chiến lược An toàn, an ninh mạng trước thách thức toàn cầu mới” và 2 hội thảo chuyên đề về “An toàn thông tin trong chuyển đổi số", “Giải pháp an toàn thông tin cho hạ tầng CNTT". Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện, Sở TT&TT TP.HCM và Chi hội VNISA phía Nam đã ký kết hợp tác chiến lược trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng.
Vân Anh