Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Đó là khẳng định của các đại biểu tại Tọa đàm "Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới" do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, trong vòng 10 năm từ 2010-2020, Bộ Công Thương đã làm được rất nhiều hoạt động để tiêu thụ hàng hóa đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nổi bật là chương trình hướng dẫn các địa phương khẩn trương tổ chức những hoạt động gắn văn hóa - du lịch với thương mại như các lễ hội, hội chợ … để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phát triển và bán được sản phẩm hàng hóa của bà con.
Bên cạnh đó, xây dựng những mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số như mô hình sinh kế cộng đồng. Đưa sản phẩm từ những vùng sâu, vùng xa nhất, khó khăn nhất vào với hệ thống phân phối hiện đại.
Ngoài ra là mô hình thương mại hai chiều: cung cấp những hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời thu mua lại những sản phẩm hàng hóa cho bà con làm ra để tạo thu nhập cho họ.
Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, về kinh doanh cho bà con dân tộc thiểu số, cho các doanh nghiệp hoạt động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ cho việc tiêu thụ hàng hóa một cách thuận lợi hơn.
Bà Lê Việt Nga cho biết: Bộ Công Thương cũng có những đề án quốc gia, cấp quốc gia triển khai hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa. Đề án nổi bật, có sức lan tỏa rất lớn là đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giai đoạn từ năm 2014 - 2020 và nay là giai đoạn 2021 - 2025. Qua Đề án này, Bộ cũng đã thiết lập được trên toàn quốc các mô hình điểm bán hàng Việt, trong đó ưu tiên những vị trí rất đắc địa cho sản phẩm, hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai là Đề án 23 được phê duyệt năm 2010 và được triển khai tích cực trong giai đoạn 2010 - 2015 ở cấp Trung ương và sau đó thì được chính quyền địa phương sử dụng ngân sách địa phương của mình để nhân rộng các mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân ở khu vực nông thôn; đồng thời đặc biệt ưu tiên cho bà con dân tộc thiểu số, có thể đến các tỉnh như Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La hay Trà Vinh…
Các địa phương đều có những sản phẩm đặc sản được tiêu dùng có nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đến từ vùng canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số và những sản phẩm đặc trưng làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số như sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Thêm một đề án có đóng góp rất lớn cho việc phát triển và tiêu thụ hàng hóa là đề án về ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến. Nhờ đó đã có rất nhiều sản phẩm hàng hóa tốt, được kiểm soát về an toàn thực phẩm đã được đưa ra thị trường. Đây cũng là một bước để đưa được sản phẩm, hàng hóa vùng miền của đồng bào dân tộc thiểu số vào trong các kênh tiêu thụ trong nước.
Thời gian tới, bà Lê Việt Nga cho biết: Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành với Ủy ban Dân tộc cũng như là Ban Dân tộc tại các địa phương xây dựng cho được hệ thống chợ của đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động có bản sắc, có hiệu quả kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và giúp cho cuộc sống của đồng bào đủ đầy với những sản phẩm thiết yếu tiêu dùng hàng ngày.…
Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho được sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số về với miền xuôi, đi được các vùng miền trên toàn quốc và xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài.
Để đưa sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc miền núi có chỗ đứng trên thị trường, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, muốn lên tầm cao mới thì các sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi cũng phải đáp ứng được xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, chất lượng, đáp ứng được với xu thế tiêu dùng mới. Đây là áp lực và đòi hỏi của thị trường. “Nếu sản phẩm mang tính nhân văn, trách nhiệm xã hội cao, chữ “xanh” của doanh nghiệp càng đậm thì chắc chắn được thị trường đón nhận”, TS Thành nhận định.
Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khi xuất khẩu sang các nước phát triển, nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị thì sản phẩm đó phải chịu thuế cao hơn, thậm chí bị tẩy chay. Và khi các Hiệp hội tiêu dùng tẩy chay thì hậu quả rất nghiêm trọng, sản phẩm không bán được dù thuế vào cửa bằng 0.
Do đó, xây dựng thương hiệu phải bắt đầu bằng câu chuyện văn hoá rất nhân văn, không chỉ là truyền thông mà bắt đầu từ người bảo vệ, từ đồng bào dân tộc họ tham gia vào quá trình sản xuất, từ những lãnh đạo… phải toát lên được các khía cạnh của phát triển bền vững bao trùm.Đồng thời, để đưa sản phẩm miền núi đến với người tiêu dùng cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ số, thương mại điện tử xuyên biên giới…/.