Du lịch Cà Mau đứng trước cơ hội mới nhờ chuyển đổi số

08/09/2023, 11:38

Nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và nguồn tài nguyên vượt trội, du lịch Cà Mau đang đứng trước những cơ hội mới nhờ công cuộc chuyển đổi số (CĐS).

Ứng dụng công nghệ mới để tăng cường trải nghiệm cho du khách

ca-mau-1.jpg
Cà Mau đang ứng dụng nhiều công nghệ mới vào phát triển du lịch

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển kinh tế số, chính quyền và các doanh nghiệp ở Cà Mau đã nhận ra vai trò của CĐS trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Cà Mau nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và nguồn tài nguyên vượt trội, du lịch địa phương cũng đang đứng trước những cơ hội mới nhờ công cuộc CĐS. Đề án CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nhấn mạnh cùng với nông nghiệp, điện lực, giao thông thì du lịch là một trong những ngành trọng điểm cần chú trọng CĐS để phát triển kinh tế, xã hội.

Đề án nêu rõ kế hoạch tổ chức triển khai hiệu quả “Ứng dụng CNTT trong phát triển và quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau” hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch, kết nối, quảng bá... Số hóa và triển khai các giải pháp số để quảng bá du lịch, ứng dụng mô hình du lịch thông minh đối với các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm của tỉnh.

Cà Mau cũng triển khai hệ thống camera giám sát an ninh thông minh tại các địa bàn trọng điểm, từng bước đưa vào hoạt động tại các khu điểm du lịch trong tỉnh, đảm bảo hỗ trợ khách du lịch trong mọi trường hợp; cung cấp WiFi miễn phí tại các địa điểm du lịch. Không chỉ thế, tỉnh đưa vào ứng dụng nhiều phần mềm như phần mềm Quản lý thư viện điện tử; phần mềm Quản lý hiện vật; phần mềm CSDL tên đường và công trình công cộng.

Theo Quyết định Số 354/QĐ-UBND ngày 06/3/2023 của UBND tỉnh Cà Mau về Ban hành Chương trình Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư trong nước tỉnh Cà Mau năm 2023, chương trình xúc tiến du lịch tỉnh gồm nhiều hạng mục như vận hành Cổng thông tin du lịch Cà Mau, quảng bá Cổng thông tin du lịch tỉnh Cà Mau; hợp tác giới thiệu tuyên truyền về du lịch Cà Mau thông qua các trang mạng xã hội, các KOL có ảnh hưởng.

Đặc biệt, Cà Mau tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu 3D các điểm đến du lịch bằng công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), cho khách du lịch trải nghiệm không gian số hóa bằng VR.

Việc phát triển ứng dụng di động và sử dụng các công nghệ tương tác như VR và thực tế tăng cường (AR) có thể cung cấp trải nghiệm du lịch ấn tượng hơn cho du khách. Cùng với sự phát triển của VR, việc xây dựng cơ sở dữ liệu 3D các điểm đến du lịch Cà Mau có thể mang đến một trải nghiệm sống động và hấp dẫn cho du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Hơn nữa, việc xây dựng hệ thống quản lý thông minh cho các điểm du lịch và công tác quảng bá thông qua nền tảng trực tuyến có thể thu hút thêm du khách và nâng cao trải nghiệm của họ. Cơ sở dữ liệu du lịch Cà Mau dưới dạng 3D sẽ giúp du khách khám phá các địa điểm du lịch một cách chân thực và sinh động thông qua một môi trường ảo tương tác, tham khảo các điểm đến nổi tiếng, vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của vùng đất này, từ đó thu hút du khách lên kế hoạch để du lịch đến Cà Mau.

Tập huấn ứng dụng CNTT trong tuyên truyền và quảng bá du lịch tỉnh năm 2023

Nhận thức rõ lợi ích của việc ứng dụng các công nghệ mới vào việc nâng cao trải nghiệm du lịch cũng như giúp quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên của Cà Mau, sáng ngày 6/9, Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tỉnh Cà Mau đã tổ chức tập huấn ứng dụng CNTT trong tuyên truyền và quảng bá du lịch tỉnh năm 2023.

Buổi tập huấn được sự tham gia đông đảo của đại diện các DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại các sở ngành, UBND các xã, huyện và thành phố Cà Mau.

Lớp tập huấn đã triển khai, giới thiệu các chuyên đề về vai trò của CNTT trong du lịch và các phương pháp e-marketing; ứng dụng CNTT và CĐS trong du lịch. Cụ thể, các cán bộ, đại diện tham dự được hướng dẫn sử dụng các kênh mua bán trực tuyến trên Booking.com, Agoda.com, Foody.vn; sử dụng Google Maps trong tìm kiếm các địa điểm du lịch và khách sạn; cách tạo Fanpage vận hành và phát triển doanh nghiệp.

Các cán bộ tập huấn còn hướng dẫn sử dụng các ứng dụng chatbot và hỗ trợ tự động trong tương tác, giao dịch với khách hàng; cách livestream, tạo tương tác trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Youtube, Facebook, Twitter, Instagram.

Ngoài ra, các đơn vị cũng được tuyên truyền về mô hình thanh toán không dùng tiền mặt và các hệ thống đặt hàng và thanh toán trực tuyến.

Đây là dịp giúp cho các học viên nâng cao kiến thức, kỹ năng về ứng dụng CNTT trong các hoạt động kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Từ đó, giúp các DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh quảng bá tiềm năng thế mạnh của du lịch địa phương, đơn vị trên nền tảng công nghệ số, góp phần thực hệ có hiệu quả chương trình CĐS của địa phương.

Ông Triệu Thanh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh, cho biết trong thời gian qua, Trung tâm đã có nhiều hoạt động để quảng bá du lịch Cà Mau thông qua việc xây dựng các video clip, MV ca nhạc…

Thời gian tới, các đơn vị, công ty kinh doanh du lịch cần tạo ra một kênh riêng cho mình, từ đó quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, xúc tiến du lịch cho đơn vị mình nói riêng và ngành du lịch tỉnh nhà nói chung”, ông Triệu Thanh Tuấn nói.

ca-mau-2.jpg
Việc thực hiện CĐS trong du lịch giúp các DN du lịch, các điểm đến có sự thay đổi rõ nét trong nhận thức, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường.

Thực hiện CĐS trong du lịch giúp các DN du lịch, các điểm đến có sự thay đổi rõ nét trong nhận thức, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường, qua đó mang đến cho du khách những trải nghiệm thuận tiện, an toàn hơn qua các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu sản phẩm, dễ dàng tương tác trực tiếp với đơn vị cung cấp dịch vụ, thể hiện nhu cầu du lịch của bản thân./.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO