‘Doanh nghiệp Việt cần được tạo điều kiện tham gia giải bài toán Việt’

15/12/2023, 11:14

Theo ông Lại Hữu Thanh - Giám đốc Sản phẩm Elcom, doanh nghiệp Việt có lợi thế lớn trên thị trường nhờ am hiểu quy định, chính sách, thói quen của người Việt. Nhờ đó các giải pháp có sự linh hoạt, tính địa phương hoá cao và tối ưu chi phí hơn.

Ngày 11/12, Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Elcom đã giành cúp Bạc (nhóm sản phẩm Chính phủ số) Giải thưởng Make in Vietnam 2023. Đây là thứ hạng cao nhất hạng mục này mùa giải năm nay do không có cúp vàng được trao.

“Make in Vietnam” là giải thưởng do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức, trao tặng hàng năm, nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam, có ảnh hưởng lớn trong việc thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số nước nhà.

Tại buổi lễ trao giải, đại diện Elcom có dịp trình bày về sản phẩm đạt giải là eWIM thuộc hệ sinh thái giải pháp giao thông thông minh. Hệ thống này do Elcom nghiên cứu, phát triển đang góp phần chuyển đổi số giao thông trong nước. 

anh 1.jpg
 Ông Lại Hữu Thanh - Giám đốc Sản phẩm Elcom bàn về năng lực doanh nghiệp công nghệ Việt với các vấn đề quốc gia

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết “bài toán” kiểm tra tải trọng xe, ông Lại Hữu Thanh - Giám đốc Sản phẩm Elcom phân tích, chỉ cần tải trọng trục 16 tấn gấp đôi tải trọng cho phép là 8 tấn thì một xe lúc này tương đương với 16 xe đi qua. Bên cạnh yếu tố thời tiết, thiên tai... xe quá tải là một trong những tác nhân chính gây hư hại kết cấu mặt đường. 

Trong khi đó, mô hình cân xách tay truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế, yêu cầu về thiết bị tiên tiến hơn trong việc kiểm tra tải trọng xe. Hiện đã có 19/63 tỉnh thành phố dừng hoạt động trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, mô hình cân tự động cũng dần phổ biến hơn. 

anh 2.png
 Cấu trúc hệ thống của eWIM để đảm bảo kiểm soát 24/7, 100% phương tiện và kịp thời cung cấp dữ liệu xử lý vi phạm cho lực lượng chức năng chỉ sau 1-3 giây khi xe đi qua trạm cân. Ảnh: Elcom

Nhờ tính hệ thống tự động hoá, nếu như trước đây phải mất từ 4 - 5 cán bộ cho một trạm cân xách tay, giờ chỉ cần một người vận hành phần mềm, tiết kiệm chi phí nhân lực. Hệ thống hiện đại cũng góp phần bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong kết quả cân, quản lý tốt nguồn thu từ công tác xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đại diện Elcom, khi áp dụng rộng rãi và tạo thành một mạng lưới cân tải trọng tự động, hệ thống cân tải trọng tự động sẽ góp phần thay đổi nhận thức của các tài xế khi tham gia giao thông, hạn chế tối đa hành vi vi phạm chở quá tải trọng. Từ đó góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông cho người dân. 

anh 3.png
 Các mô hình AI của Elcom được huấn luyện với lượng dữ liệu giao thông Việt Nam trong hơn 10 năm và thiết kế bởi đội ngũ kỹ sư trong nước nên có tính tương thích cao, nhận diện hành vi và phương tiện chính xác đến trên 95% mọi điều kiện. Ảnh: Elcom

Đồng thời, đại diện Elcom cũng đưa ra kiến nghị để cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt “đi cùng nhau" và mang thương hiệu quốc gia tiến xa hơn. 

Ông Lại Hữu Thanh nhấn mạnh: “Doanh nghiệp Việt có lợi thế lớn trên thị trường nhờ am hiểu quy định, chính sách và thói quen, hành vi của người Việt. Bởi vậy, các giải pháp có sự linh hoạt, tính địa phương hoá cao và tối ưu chi phí hơn. Tuy nhiên, hiện năng lực của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chưa được khai thác hết”.

Ông Thanh bày tỏ mong muốn doanh nghiệp công nghệ Việt được tạo nhiều cơ hội trong tham gia giải những vấn đề quốc gia. “Họ không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực trẻ, năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường công nghệ thông tin khu vực và thế giới… Việc tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội là một tiền đề quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp Việt mở rộng thương hiệu quốc gia trên “bản đồ” công nghệ thế giới”, Giám đốc Elcom nói.

Thanh Hà


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO