Thông tin trên được ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đưa ra tại buổi họp báo Diễn đàn, được tổ chức ngày 31/5 tại Hà Nội.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Diễn đàn là nơi trao đổi ý kiến, chia sẻ quan điểm giữa đại diện các ban, bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp, đại diện của một số tổ chức quốc tế để có thêm căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.
Diễn đàn bao gồm một Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao và ba hội thảo chuyên đề.
Hội thảo chuyên đề 1: “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19” thảo luận về các vấn đề: Giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập và những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch COVID-19; hoàn thiện pháp luật có liên quan phù hợp với Bộ luật Lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch COVID-19; kinh nghiệm quốc tế trong quản trị quốc gia về lao động nhằm ứng phó với đại dịch...
Hội thảo chuyên đề 2: “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản” thảo luận về các nội dung như: Xu hướng chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước và khuyến nghị cho Việt Nam; phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hiệu lực và hiệu quả cho nền kinh tế; những vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay - Kiến nghị và đề xuất giải pháp...
Hội thảo chuyên đề 3: “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, tập trung thảo luận các vấn đề như: Sự điều chỉnh của chuỗi cung ứng toàn cầu: những thách thức, yêu cầu mới đặt ra và hàm ý cho Việt Nam; định hướng và giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam...
Phiên toàn thể sẽ tập trung thảo luận các nội dung gồm: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức; đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới... Đặc biệt, Phiên Toàn thể - Tọa đàm cấp cao sẽ có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế với nhiều nội dung mang tính thời sự, đang được dư luận quan tâm liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, khác với 3 lần trước đây được tổ chức tại Hà Nội, đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của đất nước, cũng là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với mong muốn truyền tải thông điệp về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của TP Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước nói chung.
Dự Họp báo theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan khẳng định, việc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh là vinh dự lớn của thành phố. Đây là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các cán bộ, công chức của thành phố tiếp cận những tư tưởng, quan điểm, suy nghĩ, cách làm mới sau khi trải qua thời gian nhiều biến động do đại địch COVID-19 gây ra.
Diễn đàn cũng là dịp để khẳng định, TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, kinh tế của thành phố đã từng bước hồi phục. Việc được lựa chọn là địa điểm tổ chức Diễn đàn sẽ góp phần nâng cao vị thế công tác đối ngoại, nhất là đối ngoại kinh tế của TP Hồ Chí Minh với các tổ chức quốc tế, các địa phương mà thành phố có quan hệ kinh tế.