Đề xuất buộc Facebook, YouTube, TikTok công khai phương thức phân phối nội dung

07/08/2023, 12:27

Trong bối cảnh Facebook, YouTube, TikTok đang tồn tại nhiều tin giả, tin xấu độc, thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân, Bộ TT&TT đề xuất bổ sung quy định bảo vệ người dùng.

Trong tờ trình về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm ký, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất bổ sung một số nội dung mới để phù hợp với thực tiễn quản lý.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, trên các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok đang tồn tại nhiều tin giả, tin xấu độc, thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân; tuyên truyền mê tín dị đoan; các nội dung vi phạm bản quyền,… gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp và quyền lợi của người dùng mạng xã hội.

Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung một số quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng và đảm bảo quy định được thực hiện công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, mạng xã hội phải công khai mô tả quy trình, phương thức phân phối nội dung trên nền tảng của mình để người dùng được biết và cân nhắc sử dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, đây là một trong những tính năng của sản phẩm, các mạng xã hội cần phải minh bạch hóa tính năng sản phẩm khi cung cấp đến người dùng);

Thứ hai, mạng xã hội phải có bộ phận tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dùng;

Thứ ba, bổ sung quy định bảo vệ trẻ em khi sử dụng mạng xã hội.

Bổ sung quy định về quản lý livestream

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, trên các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam xuất hiện tính năng “livestream”, tính năng cho phép tài khoản mạng xã hội truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực.

Thực tế cho thấy, đây là hình thức thông tin tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung quy định để quản lý tính năng này, bao gồm:

- Chỉ các mạng xã hội có Giấy phép mạng xã hội (vốn là các tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông (đối với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream);

- Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam

Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật An ninh mạng đã quy định về các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số” và “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng". Tuy vậy, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này nên các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội trong và ngoài nước chưa thể triển khai quy định này.

Thực tế quản lý cho thấy, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Vì thế, để đảm bảo hiệu quả quản lý mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung thông tin lên mạng, cơ quan soạn thảo - Bộ Thông tin và Truyền thông - thấy cần thiết phải bổ sung quy định mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.

"Quy định này có tính khả thi khi hiện nay đa phần các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng. Việc bổ sung quy định này sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước" - tờ trình nêu rõ.

Dự thảo Nghị định Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến đến ngày 15/9/2023 và dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023. Nghị định sẽ quy định chi tiết việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin.

Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO