Dồn lực cho các dự án “quả đấm thép”
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ và Thủ tướng dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo dự kiến, tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc Kế hoạch là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, 1,38 triệu tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương (1,08 triệu tỷ vốn trong nước và 300.000 tỷ vốn nước ngoài); 1,37 triệu tỷ là từ ngân sách địa phương; 120 tỷ từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên chuyển sang đầu tư công.
Phương án phân bổ hơn 2,87 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn này đang được xây dựng. Trong đó dự kiến, 10% vốn ngân sách trung ương được để lại dự phòng, số còn lại vào khoảng 2,7 triệu tỷ đồng sẽ được phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.
Đầu tư công giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung ưu tiên cho những ngành, lĩnh vực quan trọng và then chốt của nền kinh tế, trong đó các lĩnh vực kinh tế chiếm hơn 71% (hơn 68% trong số này dồn cho hạ tầng giao thông).
Mục tiêu cụ thể của đầu tư công trung hạn giai đoạn này cũng đã được đặt ra. Đó là trong các năm 2021-2025 sẽ hoàn thành xong 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Năm 2025 sẽ hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Cũng trong giai đoạn này sẽ hoàn thành các công trình thủy lợi và các hồ chứa nước trọng yếu ở Tây Nguyên, ở đồng bằng sông Cửu Long…
Việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế |
“Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ đầu tư theo hướng dồn lực vào các dự án có tính chất 'quả đấm thép', các dự án quan trọng quốc gia, dự án liên vùng, các tuyến đường cao tốc, đường ven biển… dự án chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực… nhằm tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển đất nước”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Tăng cường giám sát của Chính phủ, Quốc hội
Theo các chuyên gia, việc giải ngân chậm và thấp nếu không được xử lý sớm chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng. Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ chỉ rõ: “Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, chưa phát huy tốt vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng và dẫn dắt đầu tư tư nhân” và do đó phải tập trung quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Để đẩy nhanh triển khai các dự án, giải ngân vốn đầu tư công, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để một mặt tiếp tục theo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về đầu tư công, mặt khác thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết cũng như các chỉ đạo mà Thủ tướng đã đưa ra. Song hành cùng quá trình này là đẩy mạnh quá trình giám sát thực hiện.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính nhìn nhận, đầu tư công rõ ràng đang có dấu hiệu chậm lại và chỉ còn ít tháng nữa để thấy được động lực này có thực sự hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm nay hay không. Theo ông, với những dự án đầu tư công đã được lựa chọn và đã giao cho các bộ, ngành, địa phương thì các bên phải có trách nhiệm thực hiện. Nhưng trong quá trình này cần tăng cường sự giám sát của Chính phủ, Quốc hội trong việc thực hiện, đặc biệt với các công trình và tiến độ giải ngân ở địa phương.
Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Về cơ chế xử lý, ví dụ như qua giám sát phát hiện thấy có địa phương vẫn chậm, không thực hiện được tốt thì lãnh đạo các địa phương đó phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải thay thế người khác nếu cần thiết cũng phải làm. “Đây là lúc chúng ta phải mạnh mẽ trong chuyện đó, bởi chúng ta không có thì giờ để đợi đến sang năm rồi lại vẫn thấy các dự án hạ tầng ì ạch thì nguy cơ rơi vào khủng hoảng, khó phục hồi nền kinh tế là rất lớn”, TS. Hiếu nói.
Trong khi đó, Bộ KHĐT cũng cho rằng, cần kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu hay có những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân; lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Về ngắn hạn, theo các chuyên gia, bên cạnh nhiệm vụ thường trực là quyết liệt phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì về mặt kinh tế, việc quyết liệt tháo gỡ và thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm cần trở thành ưu tiên trọng tâm, để cùng với đà phục hồi của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước sẽ giúp cho kinh tế bật dậy trong quý III và IV, giúp lấy lại toàn bộ những “thiệt hại” về tăng trưởng GDP mà đợt dịch thứ 4 gây ra, qua đó hoàn thành mục tiêu đã đặt ra cho cả năm.
Trong trung và dài hạn, việc Chính phủ ban hành chỉ thị 13/CT-TT là kịp thời và cần thiết với mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 được cắt giảm xuống chỉ còn khoảng trên 5.000 dự án.
Trong đó, yêu cầu kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, các dự án khởi công mới. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang có nhiều dự án dự kiến khởi công mới phải bảo đảm từng dự án phải có giải trình cụ thể lý do và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật.
Dự kiến tổng vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 2,75 triệu tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với giai đoạn 2016-2020. Nhưng để thực sự là động lực tạo ra cú hích về hạ tầng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, những đồng vốn ngân sách ấy phải được sử dụng cho những dự án thực sự hiệu quả.
Nói cách khác, dù số lượng các dự án triển khai có giảm đi nhưng phải đảm bảo đã triển khai thì phải hoàn thành để đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Chúng ta đã và đang thấy được tinh thần của Chính phủ là trong giai đoạn tới, kiên quyết nói không với tình trạng “xin - cho”, công trình dở dang không hẹn ngày hoàn thành, nguồn lực phân tán… ít nhiều từng xảy ra trong quá khứ.
Lan Anh