Ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất thì công nghệ số đã khẳng định sự cần thiết, góp phần hiệu quả trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời, khôi phục, duy trì và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Dương Quốc Việt thông tin: “Theo chỉ đạo của Bộ TT-TT và Bộ Y tế, 3 nền tảng công nghệ được triển khai thống nhất trên toàn quốc gồm: nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 thì Sóc Trăng đã triển khai đầy đủ cả 3 nền tảng trên cho tỉnh”.
Đẩy mạnh việc triển khai, sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: QUANG BÌNH
Theo đó, nền tảng khai báo y tế điện tử được triển khai nhằm tập hợp các thông tin về dịch bệnh Covid-19 gắn với mỗi người dân. Các thông tin khai báo y tế của người dân được lưu trên hệ thống, giúp cơ quan chức năng quản lý, theo dõi y tế và phát hiện sớm ca bệnh; tính toán và dự báo về các nguy cơ dịch bệnh, từ đó đề xuất các biện pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa và chủ động tấn công dịch bệnh, hỗ trợ người dân được tốt hơn trong quá trình di chuyển. Nền tảng khai báo y tế và quản lý thông tin người ra vào bằng mã QR code được Sở TT-TT ban hành nhiều văn bản tuyên truyền, đề nghị các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai việc quét mã QR để quản lý thông tin nhằm kiểm soát tốt hơn, nhanh hơn việc người ra vào các trụ sở làm việc, người đi đến các địa điểm công cộng.
Cũng theo đồng chí Dương Quốc Việt, đối với nền tảng này, người dân dùng điện thoại thông minh có cài ứng dụng Bluezone để quét mã QR của địa điểm (mã này do chủ địa điểm tạo ra và treo/dán tại những vị trí dễ thấy). Các thông tin về lượt vào, ra của người dân đều được hiển thị tức thời tại địa chỉ qr.tokhaiyte.vn. Người kiểm soát có thể đăng nhập bằng số điện thoại đã được phân quyền để quản lý, theo dõi. Hiện nay, nền tảng đã được triển khai tại hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Đối với nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đã triển khai nhiều đợt tập huấn cho các trung tâm y tế, cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu đối tượng, nhập lại dữ liệu trên giấy chưa nhập trước đó, nhập mũi tiêm… Hiện nay, Viettel đang mở thêm các đợt tập huấn tại các huyện để hướng dẫn sử dụng công cụ hỗ trợ chuẩn hóa dữ liệu, để giúp các đơn vị đẩy nhanh tiến độ nhập liệu tiêm chủng.
Theo đồng chí Dương Quốc Việt, được sự hỗ trợ của Trung tâm Công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, Sở TT-TT phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức trực tuyến trong thực hiện xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2. Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và sau đó trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử cho phép quét mã vuông QR code của người dân khi khai báo trên ứng dụng Bluezone để nhập thông tin vào hệ thống và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến cho người dân qua ứng dụng Bluezone. Qua 2 đợt triển khai thí điểm tại TP. Sóc Trăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn các huyện lấy mẫu có sử dụng nền tảng này. Đến cuối tháng 9-2021, nền tảng lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm điện tử đã triển khai trên toàn tỉnh, tổ chức hơn 168 đợt lấy mẫu, với khoảng 177.430 người (đứng thứ 5/20 tỉnh đã triển khai nền tảng).
Tuy nhiên, thực tế tình hình ứng dụng công nghệ số trong công tác phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định; các nền tảng hoạt động còn chưa ổn định, các thành phần của hệ thống còn chưa hoàn thiện, trong quá trình hoạt động còn xảy ra lỗi… Qua đó, Sở TT-TT đề xuất UBND tỉnh ban hành quy định cho phép sử dụng kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 trên ứng dụng Bluezone có giá trị pháp lý như một phiếu trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng giấy; xây dựng Cổng thông tin Covid-19 tỉnh Sóc Trăng, cung cấp các văn bản chỉ đạo, điều hành chống dịch, tin tức về tình hình dịch bệnh trong tỉnh, để thống nhất các hoạt động trong kiểm soát, phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu…
Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành; các địa phương và các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong việc cài đặt các ứng dụng số trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Song song đó thì các cơ quan, đơn vị triển khai rộng rãi trong toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên; đoàn viên, hội viên… cài đặt các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch...
Thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 là: “5K cộng vắc-xin và công nghệ”, do đó, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn cho rằng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác ứng dụng công nghệ cho phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, trong đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhà nước, trường học, các cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh… phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ và các cơ quan phải có mã QR code. Sở TT-TT phải tăng cường phối hợp với các sở, ngành và các địa phương có những hướng dẫn, hỗ trợ để tăng cường sử dụng các nền tảng công nghệ, các ứng dụng nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin là cấp thiết trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, do đó đòi hỏi sự quyết liệt trong triển khai ở các sở, ngành, địa phương, đơn vị nhằm phát huy hiệu quả các tính năng của công nghệ thông tin, góp phần sớm kiểm soát dịch Covid-19.
QUANG BÌNH