Đằng sau câu chuyện Now đổi tên thành ShopeeFood

12/08/2021, 10:13

Việc Now đổi tên thành ShopeeFood cho thấy câu chuyện cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đặt đồ ăn trực tuyến.

Thị trường đặt, giao nhận đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh quyết liệt về thị phần. Ảnh: Lê Vũ

Cuộc chiến gia tăng thị phần quyết liệt

Thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá là có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là ngày càng có nhiều doanh nghiệp “nhảy” vào lĩnh vực này. Đáng chú ý, “cuộc chiến” chiếm lĩnh thị phần giữa các ứng dụng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí ngày càng khốc liệt hơn.

Theo số liệu nghiên cứu, doanh thu của mảng giao nhận đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam dự kiến đạt 377 triệu đô la Mỹ trong năm 2021 và đạt 557 triệu đô la Mỹ vào năm 2024 với tốc độ tăng trưởng gần 14%.

Now vừa cho biết từ ngày 18-8-2021, Now sẽ chính thức thay đổi tên thương hiệu Now thành ShopeeFood. Theo đó, các dịch vụ hiện có của Now vẫn hoạt động bình thường như trước đây nhưng được đổi tên lần lượt gồm dịch vụ NowFood đổi tên thành ShopeeFood và dịch vụ NowShip đổi tên thành Shopee Express Instant.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đại diện Now cho biết: “việc đổi tên này đơn thuần chỉ là thay đổi nhận diện thương hiệu, không dẫn đến bất kỳ sự thay đổi nào khác. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm tạo ra một hệ sinh thái tích hợp và mạnh mẽ với Shopee và ShopeePay nhằm đem lại nhiều tiện ích nhất cho người sử dụng. Chúng tôi tin rằng hệ sinh thái với nhiều tiện ích của kinh tế số như thương mại điện tử (Shopee), đồ ăn (ShopeeFood), thanh toán (ShopeePay), sẽ gia tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng khi được tiếp cận nhiều dịch vụ và sản phẩm dễ dàng. Bên cạnh đó các đối tác kinh doanh, nhà hàng, và tài xế sẽ có một nguồn khách hàng đa dạng và rộng hơn, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế số của Việt Nam”.

Foody là startup Việt được thành lập năm 2012 bởi Minh Đặng, được biết đến là trang web đề xuất đồ ăn và nhà hàng. Năm 2015, Foody đã đa dạng hóa sang nền tảng giao dịch với giao đồ ăn và đặt nhà hàng, đồng thời ra mắt ứng dụng dịch vụ theo nhu cầu có tên DeliveryNow, sau đó được đổi tên thành Now.

Đến 2017, công ty mẹ của Shopee là Sea Group – startup của Singapore đã mạnh tay chi tới 64 triệu USD để thâu tóm startup Việt này. Trước đó, Sea Group cũng đã tiến hành đổi tên ví điện tử Airpay thành ShopeePay vào ngày 8-6-2021. Theo các chuyên gia Sea Group đang muốn xây dựng một supper app về mảng E-commerce, Logistics, Food Delivery cho đến E-Wallet tại khu vực Đông Nam Á.

Một chuyên gia về thương mại điện tử tại TPHCM cho biết việc Now đổi tên thành ShopeeFood cho thấy “cuộc chiến” trên thị trường đặt đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đang rất quyết liệt. Việc này cho thấy các hãng công nghệ đang tìm mọi cách để mở rộng thị phần tại Việt Nam bằng việc sáp nhập các khởi nghiệp vào các công ty lớn. Tuy khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 song thị trường đặt đồ ăn trực tuyến, giao hàng trực tuyến lại đang có cơ hội phát triển tốt khi nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội.

Ghi nhận vào cuối tháng 5-2021 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát nhu cầu đặt đồ ăn, đồ uống, thực phẩm qua mạng tăng lên. Tại TPHCM số lượng đơn đặt hàng trực tuyến, đơn mua mang về trong 1 tuần tăng khoảng 10-30% so với trước đó.

Bứt phát sẽ chiếm lĩnh được thị trường?

Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Reputa – Social Listening Platform về thị trường giao thức ăn trực tuyến thì trong năm 2020 dịch Covid-19 đã giúp dịch vụ giao thức ăn tăng trưởng cực thịnh.

Trong đó, GrabFood là thương hiệu dẫn đầu thị trường khi chiếm đến 33,38% thị phần thảo luận, theo sau là Now với 23,16% lượng thảo luận trên mạng internet, thứ 3 là BAEMIN với 21,95%. Tháng 5-2020, BAEMIN đạt lượng thảo luận tương đương GrabFood ở cùng thời điểm khi thương hiệu này bắt đầu đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Kênh Fanpage vẫn đang là nơi đem lại các thảo luận nhiều nhất cho các thương hiệu (55,48%), tiếp theo đó là ở các Facebook Group chuyên về review thức ăn, quán ăn (22,9%).

Năm 2020, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh về giao hàng thực phẩm trực tuyến do Covid-19 (1.140.397 lượt thảo luận trên mạng internet). Xu hướng này có thể sẽ tiếp tụ tăng suốt năm 2021, đồng thời được dự báo sẽ đạt giá trị hơn 38 triệu USD và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.

Theo phân tích từ Reputa, lý do chính yếu làm khách hàng hài lòng với dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến trong năm 2020 là “chương trình ưu đãi, khuyến mãi” (chiếm đến 84%). Không phải tốc độ lúc nào cũng là điểm vượt trội, điều khách hàng quan tâm thật sự là dịch vụ nào có mã khuyến mãi nhiều nhất, thay vì là tốc độ giao hàng (yếu tố chỉ chiếm 2%). Ngoài ra, thời điểm bữa tối là lúc khách hàng sử dụng dịch vụ nhiều nhất, nhiều thương hiệu đã tận dụng tốt điểm này để thu hút lượng đơn hàng.

Theo nghiên cứu, trong năm 2020 promotion (gồm chương trình khuyến mãi/ giảm giá, chương trình quảng bá marketing) là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng, trong đó BAEMIN dẫn đầu thị trường với các nội dung “Khao khủng, Khuyến mãi, Freeship”. NowFood và GrabFood dẫn đầu về thị phần thảo luận dịch vụ giao hàng, đặc biệt các đánh giá về sự chuyên nghiệp của shipper, tốc độ giao hàng mang tính tích cực. GoFood có tỷ trọng thảo luận cao về trải nghiệm app khi thương hiệu này mới thay đổi app. Đứng sau đó là Loship với đa dạng dịch vụ được tích hợp như Lo-supply, Lozat, Lomec.

Báo cáo cho thấy những doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường đều có sự khác biệt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tuy nhiên để tăng tính cạnh tranh, các doanh nghiệp phải “cân đo đong đếm” các yếu tố chính để làm thoả mãn nhu cầu người dùng. Doanh nghiệp nào có sự bức phá về chiến lược sẽ thu hút và dẫn đầu thị trường, các chuyên gia cho hay.

So với khu vực, quy mô thị trường giao đồ ăn ở Việt Nam hiện rất nhỏ. Việc mở rộng thị trường giao thức ăn nhanh tại Việt Nam không chỉ đem lại thuận lợi cho thương hiệu, mà còn tạo cơ hội cho nhiều nhà hàng, quán ăn nhỏ, thậm chí là các gia đình có sở trường nấu ăn mà không có điều kiện mở mặt bằng. Điều này tạo nên thị trường thức ăn phong phú, hấp dẫn thực khách địa phương và cả khách du lịch trong/ngoài nước, báo cáo của Reputa nhận định.

Mời xem thêm:

Đặt món online - 'lối thoát' cho doanh nghiệp F&B giữa bão Covid-19

Giao hàng đã sẵn sàng chờ nhu cầu đột biến

Nhu cầu đặt đồ ăn, thức uống qua mạng tăng 10-30% sau lệnh hạn chế bán tại chỗ


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO