Đà Nẵng sẽ có 90% “công dân số” trong năm 2022

01/09/2022, 10:51

Đến hết năm 2022, Đà Nẵng sẽ có tối thiểu 90% dân số trưởng thành có tài khoản công dân điện tử/công dân số trên Hệ thống TP và tài khoản thanh toán điện tử.

Giao diện nền tảng Công dân số Đà Nẵng – My Portal

Giao diện nền tảng Công dân số Đà Nẵng – My Portal

  • Sẽ có 90% “công dân số” trong năm 2022

Chia sẻ tại sự kiện hợp tác khai thác nền tảng Big Data xử lý và phân tích dữ liệu lớn giữa Sở TT&TT TP Đà Nẵng và Tập đoàn BKAV, ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng - cho biết, nhằm thúc đẩy quá trình hình thành Công dân số - một hợp phần quan trọng của cả lĩnh vực xã hội số, kinh tế số và chính quyền số theo định hướng của TP, Sở TT&TT đã xây dựng Nền tảng Công dân số-My Portal tại địa chỉ https://congdanso.danang.gov.vn hoặc https://myportal.danang.gov.vn và tích hợp trên app DaNang Smart City.

Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã thành lập tổ công nghệ cộng đồng với 2.500 đơn vị, cùng 13.000 thành viên tại 100% thôn/tổ dân phố của phường, xã. Ngoài ra, trong 7 tháng qua, TP đã tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức chuyển đổi số, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân 4/7 quận, huyện và 30/56 phường, xã với hơn 4.000 công chức, viên chức, đoàn thanh niên và thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Từ nay đến cuối năm, TP sẽ tiếp tục tập huấn, hướng dẫn người dân các quận, huyện và phường, xã còn lại.

Cũng theo ông Thạch, để thực hiện thành công số hoá dữ liệu công dân trên Nền tảng trên để đạt mục tiêu xây dựng 3 trụ cột “Chính quyền số-Xã hội số-Kinh tế số”, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành hồ sơ công dân số cho người dân Đà Nẵng, kết nối cơ sở dữ liệu công dân TP với cơ sở dữ liệu cư dân quốc gia và chia sẻ dữ liệu để người dân có thể sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tiến tới xây dựng xã hội số theo mục tiêu đặt ra.

Đà Nẵng sẽ có 90% “công dân số” trong năm 2022 ảnh 1
Ứng dụng "Công dân số" trên di động

“Đến hết năm 2022, Đà Nẵng sẽ có tối thiểu 90% số dân trưởng thành có tài khoản công dân điện tử/công dân số trên Hệ thống TP và tài khoản thanh toán điện tử; tối thiểu 50% hộ gia đình có địa chỉ số và 100% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, cài đặt các ứng dụng số (ứng dụng Da Nang Smart City, ứng dụng Góp ý, ứng dụng Cổng Dịch vụ công, ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, ứng dụng PC-Covid, ứng dụng Telehealth/Telecare,...),…”- ông Thạch nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đối với cộng đồng doanh nghiệp, đến hết năm 2022, Đà Nẵng sẽ có tối thiểu 50% hộ kinh doanh cá thể có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử trên sàn thương mại điện tử Voso/Postmart/; 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử…

My Portal Đà Nẵng có gì?

Theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng, nền tảng Công dân số Đà Nẵng – My Portal sẽ bao gồm: hồ sơ công dân số cho mỗi người dân (Kho thông tin và tài liệu, dữ liệu số) do người dân khai ban đầu và tự động tích hợp, đồng bộ từ các tài liệu, dữ liệu liên quan trong quá trình người dân sử dụng dịch vụ. Mỗi người dân sẽ được cấp 1 mã QRcode theo chuẩn quốc gia và đại diện cho hồ sơ công dân số để sử dụng cho các giao dịch hàng ngày.

“Với mã QR code này, người dân sẽ quản lý và sử dụng thông tin, tài liệu, dữ liệu số này để sử dụng dịch vụ tiếp theo mà không phải khai báo lại, hoặc không nộp thêm thành phần hồ sơ đã có trong kho dữ liệu. Các dịch vụ, hoạt động giao dịch với chính quyền, doanh nghiệp sẽ được tích hợp đầy đủ mà người dân là trung tâm.

Bên cạnh đó, thông tin cá nhân của người dân sẽ được bảo mật theo mô hình 4 lớp do Bộ TT&TT quy định, xác thực đăng nhập sử dụng qua giải pháp bảo mật OTP, giúp người dân yên tâm về việc quản lý mã ID công dân điện tử của mình”- ông Thạch chia sẻ.

Đà Nẵng sẽ có 90% “công dân số” trong năm 2022 ảnh 2
Tiện ích trên ứng dụng Nền tảng công dân số

Đến nay, Nền tảng Công dân số Đà Nẵng đã có hơn 240.000 tài khoản/kho dữ liệu công dân số (bao gồm kế thừa 180.000 tài khoản công dân điện tử người dân đã khai trước đây trong quá trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến).

“Từ tháng 9/2022, Sở TT&TT sẽ tổ chức lồng ghép các nội dung giới thiệu, hướng dẫn sử dụng nền tảng chuyển đổi số tới người dân, đặc biệt là các Tổ Công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, cập nhật thông tin, dữ liệu hồ sơ công dân số, góp phần nâng cao tỷ lệ công dân có tài khoản công dân điện tử”- ông Thạch chia sẻ.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO