Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng đã được xác định là yếu tố then chốt, thành phần xuyên suốt, không thể tách rời. Đứng trước những thách thức mới về an toàn, an ninh thông tin, việc đẩy mạnh hoạt động giám sát các hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi số được xác định là một trong những giải pháp cấp bách.
Đề án giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã nêu rõ 1 trong các nhiệm vụ ưu tiên là “Thiết lập được mạng lưới hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng trên toàn quốc, đảm bảo liên kết, liên thông, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa giám sát tập trung của Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, giám sát của các nhà mạng ISP và giám sát cơ sở của chủ quản các hệ thống thông tin”.
Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ đánh giá và công bố các giải pháp, dịch vụ SOC đáp ứng yêu cầu. (Ảnh minh họa) |
Theo Cục An toàn thông tin, việc triển khai Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng - SOC đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin góp phần đảm bảo an toàn thông tin mạng cho quá trình chuyển đổi số quốc gia: Giúp các bộ, ngành, địa phương rút ngắn thời gian 90% khối lượng, thời gian triển khai mô hình “4 lớp” về bảo đảm an toàn thông tin mạng; đồng thời nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các chủ quản hệ thống thông tin.
Tuy nhiên, công tác giám sát an toàn thông tin mạng chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) của các bộ, ngành, địa phương vẫn mức cơ bản, chưa giám sát đầy đủ các hệ thống thông tin trên phạm vi quản lý của từng bộ, ngành, địa phương; chưa giám sát đầy đủ cả 4 mức gồm mạng, ứng dụng, cơ sở dữ liệu và thiết bị đầu cuối. Đặc biệt, việc lựa chọn giải pháp, nhà cung cấp dịch vụ SOC đáp ứng yêu cầu đang là mối băn khoăn của nhiều đơn vị chuyên trách an toàn thông tin các bộ, ngành cùng các Sở TT&TT.
Để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở lựa chọn các giải pháp, dịch vụ SOC phục vụ hoạt động giám sát an toàn thông tin, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin sắp tới sẽ tổ chức đánh giá và công bố các giải pháp, dịch vụ SOC đáp ứng yêu cầu.
Ngày 7/7 vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành tiêu chí đánh giá giải pháp, dịch vụ Trung tâm giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng. Đây là cơ sở để thực hiện đánh giá các sản phẩm, dịch vụ SOC.
Cụ thể, các giải pháp, dịch vụ SOC phải đáp ứng các tiêu chí về công nghệ cũng như tiêu chí về chất lượng dịch vụ.
Trong đó, về công nghệ, các thành phần cơ bản và nâng cao trong hệ thống SOC gồm SIEM (sản phẩm quản lý và phân tích sự kiện an toàn thông tin), NIPS (sản phẩm phòng chống xâm nhập lớp mạng), Anti-Virus (sản phẩm phòng chống mã độc), EDR (sản phẩm phát hiện và phản ứng sự cố an toàn thông tin trên thiết bị đầu cuối), WAF (tường lửa ứng dụng web), SOAR (sản phẩm điều phối, tự động hóa và phản ứng an toàn thông tin), Threat Intelligence Platform (nền tảng tri thức mối đe dọa an toàn thông tin) đều phải được đánh giá theo các yêu cầu kỹ thuật cơ bản đã được Bộ TT&TT ban hành.
Cùng với đó, giải pháp, dịch vụ SOC còn phải được đánh giá hiệu quả của các thành phần trong hệ thống, khả năng làm chủ giải pháp cũng như việc tuân thủ quy định, hướng dẫn về an toàn thông tin.
Đối với tiêu chí về chất lượng dịch vụ, cùng với việc đánh giá quy trình, giải pháp, dịch vụ SOC cũng được đánh giá tiêu chí nhân sự, con người như: Đảm bảo đủ số lượng nhân sự vận hành, với tổng nhân sự cho SOC tối thiểu 12 người; nhân sự chuyên môn có chứng chỉ hoặc hồ sơ năng lực đảm bảo các yêu cầu.
Vân Anh