Cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam: Thay đổi hay là chết?

22/06/2021, 12:30

Tiền mặt vẫn là vua tại Việt Nam song Việt Nam đang đứng trước một cuộc cách mạng phi tiền mặt, tương tự những gì diễn ra ở Trung Quốc khoảng 10 năm trước.

Không khó để bắt gặp những miếng dán nhiều màu sắc và những tấm bảng bắt mắt của các nền tảng ví điện tử phổ biến tại các cửa hàng ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM. 

Chúng không chỉ cạnh tranh để có được sự chú ý của người dùng mà còn mang đến những lợi ích thiết thực. Giảm giá 30%, hoàn tiền 10% hay thanh toán tích điểm thường, tất cả những gì bạn cần làm là quét mã QR khi thanh toán.

Cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam: Thay đổi hay là chết? - Ảnh 1.

Logo rất nhiều ví điện tử tại một cửa hàng đồ uống tại Việt Nam. (Ảnh: Tech in Asia).

Với quá nhiều lựa chọn, việc người dùng cảm thấy rối rắm là điều dễ hiểu. Vì thế, một số người lại quay trở về những gì mình quen thuộc nhất: thanh toán bằng tiền mặt.

Lúc này, tiền mặt vẫn là "ông vua" tại Việt Nam mặc dù chính phủ từng đưa ra kế hoạch liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt đầy táo bạo trong đó có mục tiêu đưa tỷ lệ thanh toán dùng tiền mặt xuống dưới mức tỷ trọng 10% vào cuối năm 2020.

Dù vậy, sức hấp dẫn của mảng công nghệ tài chính (fintech) ở Việt Nam là quá hấp dẫn để bỏ qua. Giá trị giao dịch tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng lên mốc 22 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 9 tỷ USD của năm 2020, theo một nghiên cứu của công ty tư vấn YCP Solidiance.

Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã cấp giấy phép cho ít nhất 43 đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, không khó hiểu khi "sân chơi" này ngày càng đông đúc và khốc liệt. Trong số này, có 34 đơn vị cung cấp ví điện tử, rất nhiều trong số đó nuôi tham vọng lặp lại được các thành công như của Alipay hay WeChat Pay ở Trung Quốc.

Cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam: Thay đổi hay là chết? - Ảnh 2.

Một số đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam. (Nguồn: SBV, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam: Thay đổi hay là chết? - Ảnh 3.

Theo một báo cáo của Google, Temasek, and Bain & Company, ở thời điểm năm 2018, Việt Nam có tỷ lệ dân số tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng thuộc mức thấp nhất Đông Nam Á. Cụ thể, 69% dân số Việt Nam chưa tiếp cận được tới dịch vụ ngân hàng trong khi đó 10% dân số được phục vụ chưa đầy đủ.

Cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam: Thay đổi hay là chết? - Ảnh 4.

Việt Nam có dân số chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng lớn trong khi tỷ lệ người dùng smartphone cao. Đây là cơ hội lớn cho các công ty fintech. (Nguồn: Google, Temasek, Bain & Company, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Cùng thời điểm, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đón nhận smartphone nhanh nhất khu vực. Tỷ lệ người dùng smartphone tại Việt Nam gần như tăng gấp đôi từ năm 2014 và chạm mốc 51 triệu người dùng, theo một báo cáo của Google vào năm 2019.

Tương tự như những gì diễn ra ở Trung Quốc một thập niên trước, Việt Nam có thể đang ở điểm đầu của một cuộc cách mạng thanh toán điện tử.

Ông Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên ngành Kinh tế & Tài chính Đại học RMIT, chia sẻ với Tech in Asia rằng bối cảnh tại Việt Nam đang tạo ra "một cuộc chạy đua giữa các ví điện tử". "Cạnh tranh lúc này đã rất khốc liệt và chỉ còn cơ hội nhỏ cho những người mới", ông nhận định.

Thực tế, mảng fintech, đặc biệt là thanh toán điện tử, tại Việt Nam đang thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. MoMo và VNPay là hai trong số các startup Việt Nam gọi vốn thành công nhất trong vài năm trở lại đây. 

Tháng 7/2019, VNPay nhận đầu tư 300 triệu USD từ hai nhà đầu tư nổi tiếng SoftBank và GIC. Đến nay, dù chưa công bố chính thức, VNPay được xem là startup "kỳ lân" thứ hai (đạt định giá trên 1 tỷ USD) tại Việt Nam, sau VNG. Trong khi đó, tổng vốn kêu gọi công bố của MoMo cũng đã đạt mức 232,8 triệu USD với vòng gọi vốn gần nhất ghi nhận vào tháng 1/2021 (99 triệu USD).

Các công ty thanh toán nước ngoài cũng đang chú ý đến mảng thanh toán số ở Việt Nam, nhiều nguồn tin trong ngành công nghiệp nói với Tech in Asia. Các công ty này có xu hướng thâm nhập thị trường bằng cách mua cổ phần các công ty nội địa đã được ngân hàng nhà nước cấp phép.

Dù thị trường có nhiều ưu điểm, việc phá vỡ thói quen dùng tiền mặt của người Việt Nam không phải điều dễ làm.

Cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam: Thay đổi hay là chết? - Ảnh 5.
Cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam: Thay đổi hay là chết? - Ảnh 3.

Các ứng dụng thanh toán phổ biến nhất tại Việt Nam theo lượt tải về và theo người dùng trong năm 2020. (Nguồn: App Annie, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9/2020, Việt Nam có khoảng 13 triệu ví điện tử, tương đương khoảng 14% dân số. Theo dữ liệu của App Annie, nếu không tính đến các ứng dụng của ngân hàng, MoMo, ViettelPay, ShopeePay (trước đây là AirPay) và ZaloPay là 4 ứng dụng thanh toán được tải về nhiều nhất tại Việt Nam trong năm 2020.

Dù vậy, cuộc cạnh tranh giũa các ví điện tử vẫn chưa kết thúc, theo ông Đoàn Huy, một giảng viên tài chính của Đại học RMIT. "Điều các đơn vị vận hành ví điện tử quan tâm nhất là cách để có được khách hàng sau các chiến lược khuyến mại và liên kết với ngân hàng/chuỗi cửa hàng", ông nhận định. Hiện tại, người dùng thường chọn các ứng dụng ví điện tử mang đến cho họ nhiều lợi ích về tài chính nhất.

Cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam: Thay đổi hay là chết? - Ảnh 7.

Lịch sử gọi vốn mảng fintech tại Việt Nam. (Dữ liệu: Tech in Asia, thời điểm tháng 3/2021, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Khác với Alipay hay WeChat Pay khi chúng có thể tận dụng hệ sinh thái hàng triệu người dùng của Alibaba và WeChat, các ví điện tử Việt Nam phải phát triển người dùng "từng chút một", ông Varun Mittal, người đứng đầu mảng kinh doanh fintech các quốc gia đang phát triển tại công ty E&Y, nhận định.

Vị chuyên gia này quan sát Việt Nam đang tiến vào giai đoạn đầu của cuộc cách mạng thanh toán số tương tự Trung Quốc nhưng đang thiếu một hệ sinh thái có vị thế thống trị. VNG hiện đang là công ty có lợi thế lớn nhất khi sở hữu Zalo, ứng dụng nhắn tin có trên 100 triệu người dùng, và ví điện tử ZaloPay.

Dù vậy, người Việt Nam vẫn có thể dùng Facebook Messenger hay WhatsApp. "Ở Trung Quốc, về cơ bản bạn sẽ không thể sống thiếu WeChat", ông Mittal nói. Điều này giúp WeChat Pay có một lợi thế lớn khi ra mắt vào năm 2013.

Để có thêm người dùng và đối tác bán hàng, các ví điện tử tại Việt Nam phải "đốt tiền" cho hoạt động marketing và khuyến mại (chiết khấu). Bước tiếp theo của cạnh tranh sẽ là chạy đua phát triển một hệ sinh thái đủ hấp dẫn để giữ chân cả người dùng và đối tác bán hàng.

Sau khi tuyên bố thoả thuận hợp tác vào năm2018, Moca phát triển dựa vào hệ sinh thái của Grab. Dù vậy, đại diện Grab Việt Nam nói với Tech in Asia rằng "khuyến mại và chiết khấu sẽ chỉ là một phần trong chiến lược của họ".

Cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam: Thay đổi hay là chết? - Ảnh 4.

Mới đây, AirPay chính thức đổi tên thành ShopeePay trong một động thái rõ ràng rằng ví điện tử này muốn tận dụng hệ sinh thái của Shopee. (Ảnh: Shopee)

ZaloPay có tệp người dùng hệ sinh thái dịch vụ số của VNG trong khi đó Viettel Pay có lợi thế từ số lượng lớn thuê bao nhà mạng Viettel hay ShopeePay có thể tận dụng vị thế dẫn đầu của trang TMĐT Shopee. Hiện tại, MoMo là ví điện tử lớn không có sẵn một tập người dùng nào đó như các đối thủ của mình.

Cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam: Thay đổi hay là chết? - Ảnh 9.

Tháng 3/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm tiền di động (Mobile Money) trong thời gian hai năm. Quyết định này bật đèn xanh để các nhà mạng có thể triển khai dịch vụ Mobile Money của riêng mình.

Nếu như đối với ví điện tử, quy định hiện tại yêu cầu người dùng phải liên kết với một tài khoản thanh toán tại ngân hàng, Mobile Money có thể sử dụng chỉ cần tài khoản số điện thoại di động, ngay cả khi họ không dùng smartphone. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh dân số "chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ" ở Việt Nam lên tới 70% trong tổng số 97 triệu dân, theo TechInAsia.

Cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam: Thay đổi hay là chết? - Ảnh 10.

Các nhà mạng đã được "bật đèn xanh" để triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. (Ảnh: Viettel)

Với những lợi thế về người dùng, nguồn vốn, hạ tầng và thương hiệu, mobile money đặt các ví điện tử vào một cuộc cạnh tranh hoàn toàn mới. Lúc này, việc chỉ dựa vào hoạt động thanh toán đơn thuần là không đủ để các ví điện tử có thể duy trì được sự tồn tại của mình trên thị trường.

Trong cuộc chơi dài hạn, dù là các công ty fintech hay các nhà mạng, phát triển bền vững ở mảng dịch vụ tài chính đồng nghĩa với việc họ cần phải tìm kiếm thêm nguồn doanh thu từ các dịch vụ tài chính khác nhua cho vay hau bảo hiểm.

Các ví điện tử sẽ không thể mãi mãi "đốt tiền" cho marketing và chiết khấu. Ông Zennon Kapron, người sáng lập công ty tư vấn fintech Kapronasia, nói rằng các công ty cần chuyển đổi từ "chiết khấu, trợ giá" sang "bình thường hoá" trong mô hình kinh doanh của mình.

"Phí thanh toán đang giảm trên toàn Châu Á và người dùng cũng như các đối tác bán hàng đang tìm kiếm thêm giá trị gia tăng từ các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán", ông Zennon nói thêm. "Các ví điện tử cung cấp dịch vụ thanh toán đơn thuần sẽ khó có thể tồn tại trong tương lai".

Ở thời điểm hiện tại, cho vay trên kênh số đang là điểm đến tiếp theo được nhiều ví điện tử quan tâm.

Quy định của Việt Nam không cho phép các tổ chức phi ngân hàng cung cấp trực tiếp các khoản vay. Vì thế, nhiều công ty fintech như MoMo hay ZaloPay chọn cách hợp tác với các ngân hàng để cung cấp khoản vay tiêu dùng trên nền tảng của mình.

Hơn ai hết, các công ty fintech đang chờ đợi một cơ chế "sandbox" được công bố tại Việt Nam. Tương tự như những gì Singapore đã làm, cơ chế "sandbox" cho phép thử nghiệm nhiều dịch vụ tài chính mới tại Việt Nam.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO