''Cú hích'' chuyển đổi số từ công cuộc phòng, chống dịch

13/09/2021, 09:48

(HNM) - Chiều 2-9, từ phòng làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua hệ thống họp trực tuyến đến toàn bộ 2.594 xã, phường, thị trấn của 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống trên được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Cục Bưu điện trung ương phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai trong vòng 3 ngày, sau khi có yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, giúp việc kiểm tra, chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch đến các vùng có diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao nhanh chóng, kịp thời.

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 đã được triển khai ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Điển hình như ứng dụng khai báo y tế NCOVI; ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần, giúp truy vết Bluezone; ứng dụng tư vấn, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa Telehealth; ứng dụng học tập trực tuyến VNPT E-learning; ứng dụng quản trị doanh nghiệp 1Office… Điểm chung là các ứng dụng được nghiên cứu, xây dựng trong thời gian ngắn và đóng vai trò là “trợ thủ” đắc lực, giúp nhà quản lý và người dân chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, với hàng chục nghìn cơ sở giáo dục sử dụng, VNPT E-learning giúp học sinh và thầy, cô giáo “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Ở các tâm dịch như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh…, ứng dụng Bluezone đã hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết sớm trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19 để khoanh vùng, cách ly.

Đặc biệt, mới đây, ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa Telehealth đã chính thức kết nối trực tiếp với 100% cơ sở y tế tuyến huyện, góp phần xóa khoảng cách, giới hạn khi các chuyên gia y tế hàng đầu có thể tham gia hội chẩn cùng các bác sĩ bệnh viện tuyến huyện. Những ca bệnh nặng được hỗ trợ điều trị kịp thời không phải chờ chuyển lên tuyến trên; tiếp xúc trực tiếp giữa bác sĩ - bệnh nhân giảm bớt…

Qua quá trình phòng, chống dịch Covid-19, chiến lược “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) ban đầu đã được phát triển thành “5K + vắc xin” và đến nay là “5K + vắc xin + thuốc + công nghệ và các biện pháp khác”.

Vai trò của công nghệ thông tin được khẳng định bằng việc ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19, với nhiệm vụ vận hành các nền tảng, dữ liệu phòng, chống dịch bệnh thống nhất trên toàn quốc. Chỉ sau 2 tháng (từ tháng 6-2021), trung tâm đã thu hút gần 20 doanh nghiệp công nghệ số cùng hàng nghìn cán bộ, chuyên gia công nghệ và lập trình trong, ngoài nước tham gia cung cấp hạ tầng, phát triển nền tảng công nghệ dùng chung, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch.

Từ sổ sức khỏe điện tử, tới nhập cảnh, khai báo y tế, truy vết, cách ly, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát giãn cách xã hội, tư vấn hỗ trợ người bệnh, người dân gặp khó khăn…, các nền tảng số dùng chung sẽ bảo đảm sự thống nhất, dễ triển khai, thuận tiện khi sử dụng và quan trọng là qua đó có thể kiểm soát tình hình trên diện rộng, phản ứng nhanh, linh hoạt, thống nhất.

Đánh giá về sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Dịch Covid-19 làm cho chúng ta nhận ra những tiềm năng vô hạn, những năng lượng lớn lao chưa được khai thác. Chuyện 10 năm có thể làm trong 1 năm, 1 tháng, cũng có thể trong 1 ngày”.

Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 là câu chuyện như vậy. Việc xây dựng hệ thống họp, chỉ đạo, kiểm tra trực tuyến từ văn phòng của Thủ tướng Chính phủ tới 2.594 xã, phường, thị trấn cũng là câu chuyện về việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch.

Các ứng dụng công nghệ thông tin ở lĩnh vực y tế, trước mắt có thể tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng về lâu dài có thể phục vụ hiệu quả cho công tác khám, chữa bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân.

Nhìn rộng hơn, không chỉ lĩnh vực y tế, nhiều lĩnh vực khác cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số để giải quyết những bất cập mà dịch bệnh gây ra. Không tiếp xúc trực tiếp, hạn chế đến nơi đông người đã có các nền tảng trực tuyến thay thế để công việc không bị gián đoạn. Hàng hóa có thể xuất khẩu qua nền tảng thương mại xuyên biên giới để không làm chuỗi sản xuất đứt gãy. Việc thanh toán cũng có thể nhanh gọn qua thiết bị di động, qua ứng dụng ngân hàng tự động… Thậm chí, nhiều vấn đề khó như cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu cũng đang dần được giải quyết thông qua các ứng dụng số.

Rõ ràng, công nghệ thông tin đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề do dịch bệnh gây ra và ngược lại, dịch Covid-19 chính là cú hích thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của nước ta tiến bước nhanh hơn.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO