Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trao thẻ bảo hiểm y tế cho gia đình bé Đinh Bảo N. (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), là trẻ em đầu tiên được cấp giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký thường trú thông qua dịch vụ công liên thông. |
Trong bối cảnh đó, Bộ Tư pháp, ngành tư pháp xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành.
Tại Diễn đàn pháp luật thường niên 2023 vừa diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Chuyển đổi số trong ngành Tư pháp”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: Bộ Tư pháp đã ban hành chương trình, kế hoạch chuyển đổi số và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện chính sách, chương trình chuyển đổi số của Chính phủ. Cổng dịch vụ công của Bộ Tư pháp thường xuyên được hoàn thiện, đầu tư nâng cấp.
Đến nay, toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp đã được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia, các dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp như đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp được 63 địa phương trên cả nước cung cấp qua cổng dịch vụ công. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc từng bước hình thành.
Những kết quả này đã góp phần đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các quyền, giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh
Một trong những kết quả được đánh giá nổi bật, hiệu quả là chuyển đổi số trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.
Trưởng phòng Quản lý hộ tịch Nghiêm Hà Hải (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp) cho biết: Đến nay Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với hơn 25 nghìn tài khoản người sử dụng ở cả 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã).
Bên cạnh việc kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống còn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi hoàn toàn trên môi trường điện tử...
Tính đến ngày 31/12/2022, Hệ thống đã có gần 36 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có hơn 8 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; hơn 8 triệu dữ liệu kết hôn; hơn 7 triệu dữ liệu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 6 triệu dữ liệu khai tử; 236.858 trường hợp nhận cha, mẹ, con; 15.921 trường hợp đăng ký giám hộ; 12.705 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; 734.040 dữ liệu cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc; 63/63 tỉnh, thành phố tham gia liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, hơn 4 triệu trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang các cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, công tác số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử là một trong những nhiệm vụ để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch. Sau khi hoàn thành, các dữ liệu hộ tịch lịch sử sẽ được chuyển đổi vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và mang lại nhiều lợi ích. Đến nay, đã có hơn 2/3 số tỉnh, thành phố đã thực hiện số hóa sổ hộ tịch.
Theo thống kê, các địa phương đã tiến hành số hóa 29.393.873 dữ liệu trong 2.524.892 sổ hộ tịch và chuyển vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc hơn 22.020.938 dữ liệu; hiện còn hơn 62 triệu dữ liệu cần số hóa...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hướng tới chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ; như hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử được khởi đầu từ phần mềm chỉ xử lý các nghiệp vụ cơ bản nhất trong lĩnh vực hộ tịch, với thiết kế còn manh mún, chắp vá, sau sáu năm triển khai khó mở rộng để đáp ứng theo chủ trương của Chính phủ.
Lượng người dùng và dữ liệu tăng nhanh, thiết kế ban đầu chưa tính toán đầy đủ dẫn đến hiệu năng hệ thống chậm, tính ổn định của hệ thống chưa cao, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký hộ tịch cho công dân...
Các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa hoàn thiện; cơ chế kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch với cơ quan quản lý dữ liệu chuyên ngành khác (như bảo hiểm, thuế, giáo dục...) chưa hình thành...
Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, Trưởng phòng Nghiêm Hà Hải cho rằng, cần nhanh chóng thực hiện một số giải pháp.
Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, bảo đảm các mục tiêu nâng cấp, bổ sung và hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch (bao gồm cả các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trong nước và tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài); có khả năng tiếp nhận thông tin điện tử từ các hệ thống của bộ, ngành khác phục vụ công tác đăng ký hộ tịch, hướng tới việc giảm giấy tờ cho người dân khi thực hiện đăng ký thủ tục hành chính về hộ tịch; chia sẻ dữ liệu hộ tịch cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, các hệ thống thông tin ngành tư pháp (lý lịch tư pháp, quốc tịch, con nuôi, thi hành án dân sự,...) và các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu khác; triển khai các chức năng ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ người dùng và công tác chỉ đạo điều hành.
Các bộ, ngành cần đẩy nhanh việc xây dựng giải pháp tổng thể kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ sở dữ liệu, phù hợp với quy định của pháp luật về hộ tịch, pháp luật về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.