Kinh tế số đạt 10,41% GDP
Hôm nay, ngày 9.10.2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo: "Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp".
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch, thì năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.
"Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương", ông Tiến nói thêm.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, tính đến nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số.
Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6.2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Tuy vậy, vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025: 20% GDP.
"Mục tiêu là rất thách thức. Còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa", ông Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh.
Việt Nam là nước ứng dụng sớm định danh điện tử
Cùng trao đổi tại Hội thảo, Đại tá Vũ Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, đến nay, Bộ Công an đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chính thức đưa vào vận hành từ 01.7.2021.
Việc cấp thẻ CCCD gắn chip (hiện đạt 71,8 triệu thẻ) đã mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ Công an cũng đã triển khai xây dựng hệ thống Định danh và xác thực điện tử và chính thức cấp tài khoản định danh điện tử, đưa hệ thống vào vận hành kể từ ngày 18.7.2022.
"Việt Nam đã trở thành một trong những nước sớm ứng dụng định danh điện tử và phổ cập danh tính số trên thế giới. Điều này tạo bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ trên không gian mạng góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia", Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an nhấn mạnh.
Đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử là nền tảng cốt lõi thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, việc triển khai 3 hệ thống này còn dư địa rất lớn.
"Việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh xác thực điện tử là bước cải cách đột phá về thủ tục hành chính và giao dịch điện tử tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, công sức. Đồng thời đem lại lợi ích kinh tế rất to lớn như tiết kiệm 5.385 tỷ đồng tiền phát hành cho 107,7 triệu thẻ ATM hiện đang sử dụng khi triển khai sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ ATM", Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội nói thêm.
Chia sẻ về các giải pháp số trong hoạt động vận tải, ông Phùng Trọng Văn – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông Vận tải - khẳng định chuyển đổi số đã mang lại hàng loạt lợi ích.
Bên cạnh việc hình thành được dữ liệu tập trung để phục vụ công tác quản lý, điều hành, chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải đã cũng đem đến hàng loạt lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, như: Có thể thực hiện dịch vụ tại bất cứ đâu; Tiết kiệm thời gian và chi phí; Tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ; Hỗ trợ số hóa, lưu trữ hồ sơ để tái sử dụng lần sau; Hình thành dữ liệu đơn vị (dữ liệu xe, tuyến khai thác, xử phạt hành chính,…) giúp quản lý thuận tiện hơn.