Áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục hành chính ở xã Yên Thái (Văn Yên, Yên Bái).
Đây là chủ trương sát đúng, góp phần quan trọng, tạo tiền đề cho những bước phát triển bền vững ở 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, đây được xem là giải pháp mới, hiệu quả bền vững, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.
“Khi sử dụng ứng dụng "Sổ tay điện tử đảng viên", chắc chắn chất lượng sinh hoạt đảng ở Đảng bộ xã và tổ chức đảng trực thuộc sẽ được nâng cao; hiệu quả công tác xây dựng Đảng nói chung, phương thức lãnh đạo và nền nếp sinh hoạt cũng nhờ đó mà được đổi mới toàn diện theo hướng tiện ích, thực chất”, đồng chí Nguyễn Thượng Phi, Bí thư Đảng ủy xã Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái) khẳng định.
Như để minh chứng, anh Phi mở ứng dụng "Sổ tay điện tử đảng viên" trên điện thoại di động và cho chúng tôi xem các tiện ích: Sinh hoạt đảng, học tập nghị quyết, văn kiện tư liệu, văn bản mới, theo dõi nhiệm vụ, hướng dẫn đảng viên... Theo đó, mỗi đảng viên sẽ được cấp một tài khoản riêng (có mật khẩu theo số hiệu đảng viên) để tham gia sinh hoạt, học tập, nghiên cứu. Khi có "Sổ tay điện tử đảng viên", mỗi người đều có thể học tập, nghiên cứu các văn bản, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên một cách thuận lợi, chủ động; vừa tinh giản thủ tục hành chính đảng, vừa tiết kiệm kinh phí văn phòng phẩm và mang lại nhiều tiện ích... “Ngày trước, để các văn bản của cấp trên đến với đảng viên, Đảng ủy xã phải photocopy văn bản, tổ chức họp, triển khai theo phân cấp rất tốn thời gian, công sức, kinh phí... Thế nhưng khi có ứng dụng này, các văn bản được triển khai nhanh, đồng bộ, chính xác. Tài liệu, văn kiện, nghị quyết, hướng dẫn của Tỉnh ủy, của Trung ương đều được gửi đến từng chi bộ, đảng viên chỉ bằng các thao tác đơn giản, nhanh gọn”, anh Phi nói.
"Sổ tay điện tử đảng viên" được Đảng ủy xã Đông Cuông thực hiện từ đầu tháng 3-2022. Sau gần một tháng triển khai đã nhận được sự đồng thuận rất cao của đảng viên vì những tiện ích mang lại. Phần mềm này cũng nhanh chóng phát huy hiệu quả thiết thực trên thực tế. Không chỉ phục vụ việc học tập, nghiên cứu mà cơ quan chức năng có thể kiểm soát được số lượng truy cập học tập của đội ngũ đảng viên; thời lượng nghiên cứu của từng đảng viên; tiếp nhận, nắm bắt những thắc mắc, phản hồi về nội dung học tập... Đặc biệt, ứng dụng mang đến kỳ vọng về những bước chuyển rõ nét trong nỗ lực đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ chức sinh hoạt của tổ chức đảng ở các cấp. Bởi lẽ khi ứng dụng tiện ích này, để tổ chức một hội nghị chi bộ, đảng bộ, đồng chí bí thư (hoặc người chủ trì) có thể gửi giấy mời, phát lệnh triệu tập, cung cấp tài liệu trước phiên họp (bảo đảm an toàn tuyệt đối về độ mật). Quá trình hội họp, phần mềm có tính năng giúp người chủ trì điểm danh đến từng đảng viên; quán triệt tinh thần cuộc họp và duy trì quá trình thảo luận, cho ý kiến, góp ý của tập thể đảng viên. Các kết luận, nghị quyết được quyết nghị nhanh chóng và ban hành đến từng đảng viên. Cũng qua đó, cấp ủy phân công nhiệm vụ trực tiếp cho các đồng chí cấp ủy viên và từng đảng viên với đầu việc, thời gian hoàn thành và phương thức thực hiện một cách rõ ràng, cụ thể.
Theo đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, điểm ưu việt của ứng dụng này là đảng viên trong mỗi chi bộ, tổ chức đảng có thể chấm điểm, đánh giá chất lượng đối với từng cuộc họp, hội nghị. Việc phân vai, phân cấp chức năng quản trị, thao tác cũng gắn sát với chức trách, nhiệm vụ của từng đảng viên trên thực tế. Ngoài ra, cơ quan chức năng rất thuận tiện trong việc theo dõi nền nếp, chế độ, hiệu quả sinh hoạt ở từng tổ chức, cấp ủy đảng. Nếu nơi nào sinh hoạt có biểu hiện hình thức, không nền nếp thì phần mềm sẽ hiện rõ những tồn tại, hạn chế đó; giúp cấp ủy cấp trên cùng cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, nhắc nhở, phê bình và có giải pháp khắc phục triệt để ngay từ lúc manh nha.
Tạo tiền đề cho việc đưa ứng dụng "Sổ tay điện tử đảng viên" vào thực tế, theo đồng chí Vũ Minh Huê, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Yên, thời gian qua, địa phương đã nỗ lực rất lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị phương tiện công nghệ, nhất là việc lắp đặt mạng wifi đến từng nhà văn hóa thôn, bản, trụ sở làm việc các xã... giúp cán bộ, đảng viên có thể truy cập mạng tại chỗ, tiện cho việc học tập, sinh hoạt, triển khai các nhiệm vụ trong hệ thống tổ chức đảng.
Hiện thực chủ trương bằng các giải pháp quyết liệt
"Sổ tay điện tử đảng viên" là một trong những giải pháp thành công trong thực hiện Nghị quyết 51. Để đạt được kết quả đó, trong lộ trình chuyển đổi số, cấp ủy, chính quyền các cấp đã khẩn trương chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền và xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong nghị quyết. Theo đó, UBND tỉnh Yên Bái sớm ban hành Chương trình hành động số 15/CTr-UBND ngày 26-10-2021 để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết; xác định 15 mục tiêu cơ bản đến năm 2025, 10 mục tiêu cơ bản đến năm 2030; phân công 19 nhiệm vụ chung, 69 nhiệm vụ cụ thể cho các ban, sở, ngành, địa phương, quy định rõ lãnh đạo phụ trách, chịu trách nhiệm, thời gian và tiến độ hoàn thành. 100% sở, ban, ngành, địa phương đều ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Nghị quyết 51. Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố, sở thông tin và truyền thông, sở công thương, sở giao thông vận tải, sở giáo dục và đào tạo đã thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số; 148/173 xã, phường, thị trấn và 837/1.331 thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng với tổng số 7.615 người tham gia; 8/24 sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh thành lập câu lạc bộ chuyển đổi số với tổng số 59 thành viên tham gia.
Riêng việc thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về triển khai thí điểm nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái" đã được thực hiện ở 40 tổ chức đảng. Để có những bước đi vững chắc, các cấp triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 8 đơn vị thuộc 3 cấp chính quyền và doanh nghiệp; công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng gắn với chuyển đổi số được quan tâm và nâng lên một tầm cao mới... Tuy nhiên hiện nay, lộ trình chuyển đổi số ở tỉnh Yên Bái vẫn còn một số khó khăn như: Kinh nghiệm triển khai thực tế cũng như nguồn lực bố trí phục vụ chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế; công tác triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn nhiều vấn đề đặt ra; nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về chuyển đổi số chưa đồng đều, chưa đầy đủ, toàn diện. Đồng chí Nguyễn Thượng Phi chia sẻ: “Hiện nay, tỷ lệ đảng viên trong xã sử dụng ứng dụng "Sổ tay điện tử đảng viên" đạt gần 85%. Đảng bộ xã quyết tâm trong tháng 5-2022 sẽ động viên 100% đảng viên sử dụng ứng dụng này”.
Theo đồng chí Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái, quá trình chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện ở các cấp, ngành, địa phương và người dân. Trước mắt, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ năng chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức; việc gì dễ làm trước, làm dứt điểm, nhưng phải nằm trong tổng thể chiến lược lâu dài với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và xã hội.