Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC

17/07/2021, 10:13

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, triển vọng phục hồi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tiếp cận vaccine kịp thời, bình đẳng và đưa ra 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC trong bối cảnh hiện nay.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ New Zealand, bà Jacinda Ardern, tối nay, 16/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Cuộc họp không chính thức các nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) về ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Triển vọng phục hồi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tiếp cận vaccine kịp thời, bình đẳng và đưa ra 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC trong bối cảnh hiện nay.

Với chủ đề “Ứng phó đại dịch COVID-19, đâu là cơ hội của châu Á – Thái Bình Dương hợp tác vượt qua khủng hoảng y tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đặt nền tảng cho tương lai tốt đẹp hơn”, Cuộc họp tập trung thảo luận về các giải pháp vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giám đốc quản lý Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới đã được mời báo cáo về tình kinh tế và ứng phó dịch bệnh toàn cầu tại Cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, đại dịch đang tiếp diễn và tác động lớn đến các quốc gia. Do đó vừa phải đẩy mạnh bảo vệ sức khỏe người dân, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, IMF cũng đã cho các nước APEC vay 650 tỷ USD, qua đó góp phần tăng cường hơn nữa cho hồi phục kinh tế. Nhưng theo Tổng giám đốc IMF, trước mắt phải đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho người dân.

Bà Kristalina Georgieva nói: "Việc tiếp cận vaccine đang rất khác nhau giữa các nền kinh tế. Nguy cơ là các nền kinh tế đang phát triển gặp khó khăn trong khi các nền kinh tế phát triển đã đạt tăng trưởng và gần như vượt qua đại dịch. Kinh tế các nước đang phát triển chậm lại dẫn đến nguy cơ dòng vốn chảy ra khỏi thị trường mới nổi. Vì vậy chúng ta cần phải thực hiện các chiến lược phục hồi. Một mặt tập trung vào chiến dịch tiêm chủng đạt 40% vào năm nay và 60% vào năm tới. Đầu tư vào tiêm chủng gần như là một chiến lược thông minh nhất để mang lại cơ hội tốt nhất cho tương lai, dù tốn kém. Ngoài ra là tập trung hỗ trợ thanh niên, người lao động có thu nhập thấp và kiểm soát tốt lạm phát.  

Các nhà lãnh đạo cũng đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác và các giải pháp đa phương trong việc cùng nhau vượt qua khủng hoảng y tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế sáng tạo, bền vững, bao trùm và an toàn. Theo đó, các nhà Lãnh đạo đã nhất trí 4 định hướng hành động của APEC trong thời gian tới.

Thứ nhất là ủng hộ chia sẻ vaccine giữa các nền kinh tế; kêu gọi chuyển giao công nghệ, củng cố hệ thống y tế tự cường nhằm ứng phó với khủng hoảng hiện nay và trong tương lai. 

Thứ hai là tăng cường triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách hỗ trợ phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), ứng phó biến đổi khí hậu... nhằm tạo việc làm, nâng cao năng suất kinh tế, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế. 

Thứ ba là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số, trong đó có các giải pháp tăng cường kĩ năng số cho người lao động để tham gia vào thị trường lao động mới. 

Và thứ tư là tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá và dịch vụ, đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt và hỗ trợ quá trình phân phối vaccine; mở cửa cho việc đi lại qua biên giới nhưng bảo đảm an toàn y tế. 

Kết thúc cuộc họp, các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung về “Vượt qua COVID-19 và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế”.

Tăng trưởng phụ thuộc tiếp cận vaccine bình đẳng 

Phát biểu tại Cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt với những thay đổi căn bản, toàn diện đến đời sống, kinh tế, xã hội do tác động tàn phá của đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đây là lúc các nền kinh tế cần phải vượt qua khác biệt, đoàn kết cùng nhau vượt qua khủng hoảng và ổn định đời sống người dân, đưa nền kinh tế thế giới phục hồi, hướng vào quỹ đạo phát triển bền vững, bao trùm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói: "Thực tế ứng phó với những tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19 thời gian qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trước hết là phải giúp cho người dân nhận thức đúng về dịch, được sự đồng tình chung tay hành động của người dân, đồng thời có các biện pháp kiểm soát dịch một cách tổng thể, khoa học, bao trùm luôn là những yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi vì, dù chỉ còn một nền kinh tế, một người chưa an toàn về dịch thì chúng ta sẽ không thể hoàn toàn an toàn. Hiện nay, triển vọng phục hồi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sự tiếp cận kịp thời, bình đẳng với giá cả hợp lý và thực hiện tiêm chủng hiệu quả nguồn vaccine có chất lượng. Tăng cường ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số là những nền tảng quan trọng cho kiểm soát dịch hiệu quả và góp phần vào phát triển bền vững". 

Chủ tịch nước cho rằng, dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, kéo dài trong khi sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp đang cạn dần, nghèo đói lan rộng, thất nghiệp gia tăng, bất bình đẳng xã hội trầm trọng hơn... Chạy đua với thời gian, các nước phải hành động quyết liệt hơn, hợp tác thực chất, hiệu quả hơn.

Với phương châm “không bỏ ai ở lại phía sau”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC: "Trước hết, APEC là nơi có nhiều trung tâm sản xuất, cung ứng vaccine hàng đầu thế giới, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công  nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine. Cần nghiên cứu khả năng xây dựng Thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19.

Thứ hai là xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo dòng chuyển động của các nền kinh tế, không để đứt gãy chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu như vừa qua. Thứ ba là, thực hiện phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, APEC cần  triển khai nhanh các chương trình hợp tác, phối hợp chính sách về: hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương; nâng cao tính tự cường và năng lực thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tạo ra nhiều việc làm, thu nhập; đào tạo, chuyển đổi kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa đô thị, nông thôn và người dân".  

Chủ tịch nước cũng đã chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện “mục tiêu kép” về phòng, chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế và bày tỏ đánh giá cao sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong quá trình này. Chủ tịch nước khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp phối hợp chặt chẽ của các thành viên khác thúc đẩy hợp tác trên tinh thần “Cùng phối hợp, Cùng hành động, Cùng tăng trưởng” vì tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả. Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tiếp thu và phản ánh các đề xuất định hướng hợp tác mà Chủ tịch nước đã nêu vào Tuyên bố chung của Hội nghị./. 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO