Chữ ký số đảm bảo cho giao dịch điện tử

22/12/2023, 10:26

Sự ra đời của chữ ký số (CKS) là cuộc cách mạng góp phần chuyển đổi giao dịch truyền thống với những giấy tờ và thủ tục phức tạp sang giao dịch điện tử (GDĐT). CKS đáp ứng được đầy đủ các yếu tố về pháp lý, an toàn và toàn vẹn văn bản.

adobestock_501317713.jpeg
Sự ra đời của CKS là cuộc cách mạng góp phần chuyển đổi giao dịch truyền thống.

Sử dụng CKS an toàn

Trong giai đoạn chuyển đổi số (CĐS) và hội nhập quốc tế, CKS đóng vai trò như chữ ký tay cá nhân hoặc con dấu của doanh nghiệp (DN), được thừa nhận về mặt pháp lý khi giao dịch trên môi trường điện tử như: ký hợp đồng điện tử, kê khai, nộp tờ khai thuế, ký phát hành hóa đơn điện tử…

Mỗi tài khoản sử dụng CKS đều có một cặp khóa bao gồm: khóa công khai và khóa bí mật. Khóa công khai dùng để thẩm định CKS, xác thực người dùng của CKS. Khóa bí mật dùng để tạo CKS. Vì vậy, CKS được coi như một công nghệ xác thực, đảm bảo an ninh, an toàn cho GDĐT, giúp giải quyết toàn vẹn dữ liệu và là bằng chứng chống chối bỏ trách nhiệm trên nội dung đã ký.

Công nghệ ngày càng phát triển, vấn đề bảo mật thông tin trong quá trình làm việc, đặc biệt là ký số trên các GDĐT lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi nó tiềm ẩn nhiều những rủi ro khôn lường và ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng.

Ngày nay CKS đảm bảo các yếu tố cần thiết như:

Khả năng xác định nguồn gốc: Một yếu tố tuyệt vời của CKS là trong lúc người dùng sử dụng CKS, văn bản sẽ được mã hóa lại bằng hàm băm nhằm đảm bảo chỉ có người nhận văn bản đã ký mới có thể mở được văn bản.;

Tính toàn vẹn: sau khi đã ký kết thì mọi thông tin sẽ được đảm bảo và bất cứ ai cũng không có quyền thêm hay bớt nội dung;

Tính chống chối bỏ: Sau khi hai bên thỏa thuận và đi đến ký kết hợp đồng, nếu sử dụng CKS cá nhân thì CKS sẽ xác định cụ thể và đích danh đối tượng ký kết. Bởi vậy một khi đã ký, tương tự như việc thực hiện ký văn bản thông thường, người ký hoặc đối tác sẽ không thể xóa bỏ chữ ký khỏi hợp đồng, thỏa thuận.

Hiện nay, đã có không ít các vụ án liên quan đến giả mạo chữ ký, chiếm đoạt tài sản xảy ra vì vậy các vấn đề về an toàn trong quá trình sử dụng luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Khả năng để tạo ra một CKS giống với một CKS khác là điều không thể. Bởi mỗi một CKS sẽ được mã hóa khác nhau. Điều này giúp ngăn chặn được việc lạm dụng giả mạo chữ ký để làm giả các loại chứng từ.

Ngoài ra, CKS đảm bảo tính pháp lý tương đương như chữ ký tay hay con dấu của DN. Vì vậy, CKS là bằng chứng cho các GDĐT, nội dung đã ký kết, các bên không có cơ sở phủ nhận chữ ký của mình khi đã thực hiện việc ký số. Việc sử dụng CKS như một bằng chứng xác thực giúp hạn chế các tranh chấp không đáng có giữa các bên.

CKS đảm bảo an toàn cho các giao dịch trên Internet

Trong những năm gần đây, CKS được đẩy mạnh và phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thị trường cung cấp dịch vụ CKS công cộng đang có 23 nhà cung cấp dịch vụ, trong đó 100% CKS công cộng đều triển khai kinh doanh thông qua hệ thống đại lý song song với bán hàng trực tiếp. VNPT-CA và Viettel-CA là 2 đơn vị có mạng lưới bán hàng nội bộ trên toàn quốc.

Hiện nay, 100% DN đã sử dụng CKS chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… trong khi tỷ lệ người dân sử dụng CKS còn khiêm tốn. Việc phát triển dịch vụ chứng thực CKS, mở rộng thị trường, đưa CKS đến với cá nhân thì bên cạnh hình thức ký số truyền thống thì giải pháp ký số mới, thuận tiện dễ dàng trong quá trình sử dụng là yêu cầu tất yếu.

Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, dịch vụ chứng thực CKS với phương thức cũ là sử dụng USB Token chưa bắt kịp xu thế công nghệ và mức độ phổ biến điện thoại thông minh.

Phương thức ký số từ xa hoặc ký số trên thiết bị di động sử dụng được trên nhiều thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay. Việc ký số trên các thiết bị di động sẽ giảm thiểu được chi phí và thời gian đi lại. Ưu điểm của loại hình ký số này là tốc độ ký nhanh nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu pháp lý và tính an toàn.

Giai đoạn 2021 - 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS từ xa (Remote Signing) và dịch vụ chứng thực CKS trên thiết bị di động (Mobile PKI) cho 7 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng.

Hơn nữa, CKS là một công cụ giúp đảm bảo sự an toàn trong quá trình giao dịch điện tử bởi CKS sở hữu nhiều ưu điểm nổi trội như: tính chống chối bỏ, xác định danh tính người ký và tính toàn vẹn văn bản.

CKS là công cụ mang đến cho người dùng nhiều tiện ích và đây cũng là bước đệm rất lớn cho sự phát triển chung của toàn xã hội, hướng tới xây dựng đất nước phát triển, trở thành một quốc gia số trong thời đại công nghệ mới.

Trong bối cảnh công nghệ hiện đại, chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng của tính pháp lý và an toàn trong các giao dịch điện tử. Các cá nhân, DN có thể yên tâm khi sử dụng CKS bởi độ an toàn, chính xác và toàn vẹn dữ liệu của CKS mang lại.

Tại Việt Nam, về tính pháp lý của CKS, Nghị định 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định: CKS được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:

CKS được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.

CKS được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp: Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS quốc gia; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho CKS; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS nước ngoài được công nhận tại Việt Nam cấp.

Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký./.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO