Chủ động phòng chống tội phạm trong tình hình mới - Bài cuối: Tập trung đấu tranh tội phạm công nghệ cao

30/01/2022, 09:44

Song song với phòng chống tội phạm an ninh trật tự từ cơ sở, ở cấp cao hơn, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp nghiệp vụ để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, nhất là tội phạm trên không gian mạng. Đây là loại tội phạm đang có sự “phát triển” rất mạnh trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 thì loại tội phạm này có nhiều thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, nguy hiểm.

Lừa đảo đầu tư tiền ảo

Chú thích ảnh
Các đối tượng trong đường dây đánh bạc hơn 87.000 tỷ đồng. Ảnh: vtc.vn

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, những năm gần đây, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng có những hành vi phạm tội ngày một tinh vi, nguy hiểm, nhiều người trở thành nạn nhân. Năm 2021, Công an Thành phố đã triệt phá nhiều vụ “đại án” trên không gian mạng, dự báo trong năm 2022 sẽ còn diễn biến phức tạp hơn.

Điển hình như vụ án cờ bạc hơn 87.000 tỷ đồng trên không gian mạng (lớn nhất tử trước tới nay mà Công an Thành phố Hồ Chí Minh triệt phá). Băng nhóm này tổ chức đánh bạc trên mạng đánh bạc trên không gian mạng tại hai website: Swiftonline.live và Nagaclubs.com (làm trung gian liên kết với sàn cá cược quốc tế Evolution.com) để hưởng hoa hồng từ người chơi. Lượt chơi và lượng tiền đánh bạc càng nhiều thì chúng hưởng hoa hồng càng cao.

Để tham gia đánh bạc, các đối tượng cần thực hiện các bước như: đăng ký ví tiền ảo trên sàn Remitano (ở nước ngoài), sau đó dùng tiền trong tài khoản ngân hàng để mua tiền ảo Ethereum hoặc USDT, sử dụng tiền ảo để đặt cược đánh bạc trên website; tạo tài khoản trên website game đánh bạc, liên kết với các tài khoản tiền ảo. Khi chơi thì thực hiện theo hướng dẫn của “người đọc lệnh" trong có nhóm hướng dẫn. Người tham gia chỉ cần nạp tiền vào game, đóng tiền bảo hiểm mỗi ngày và đặt cược 1,5% số vốn mình có cho mỗi lần giao dịch. Nếu làm theo 6 lệnh đọc mà vẫn không thắng được lệnh nào thì mỗi người chơi sẽ được quỹ bảo hiểm hoàn trả lại số tiền đã thua. Còn nếu thắng thì xem như kiếm lời 1,5% trong ngày hôm đó.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Ban chuyên án cho biết, các đối tượng phạm tội rất tinh vi, sử dụng công nghệ "Blockchain", lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối, được liên kết với nhau. Khi số lượng người tham gia nhiều, các đối tượng sẽ cho đánh sập trang web để chiếm đoạt tiền trong tài khoản tiền ảo và tránh sự điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Có thể thấy, khi xu hướng về các hoạt động đầu tư tiền ảo “chiếm sóng” không gian mạng trong những năm vừa qua, ngay lập tức bọn tội phạm có nhiều hoạt động lừa đảo liên quan, với thủ đoạn tương đồng với vụ án trên. Cũng mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt giữ 3 đối tượng là Trần Minh Tuấn (tự “Tony Trần”, sinh năm 1985), Hán Hữu Hải (tự “Mr Henrry”, sinh năm 1986), Trần Lê Phạm Trung (tự “Evans Trung Trần”, sinh năm 1987) để điều tra về hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” thông qua các sàn tiền ảo “Bioption.org”, “Winrich.club” và “Wintop1.com”.

Đây là những “người đọc lệnh” nổi tiếng trên mạng trong việc kêu gọi đầu tư tiền ảo, với những hình ảnh bên các siêu xe, căn hộ đắt tiền. Nhà đầu tư tham gia sẽ dùng USD mua USDT (một loại tiền điện tử được đảm bảo bởi tiền thật, 1 USDT sẽ có giá trị bằng 1 USD). Sau đó, dùng USDT lên sàn để tham gia giao dịch trên sàn “Bioption.org” để chọn “mua vào” hay “bán ra” Bitcoin. Sau thời gian “vỗ béo” nhà đầu tư, chúng bất ngờ đánh sập sàn để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư đã đầu tư vào.

Theo Bộ Công an, năm 2021, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, số vụ khởi tố mới tăng 88,82%. Hành vi vi phạm chủ yếu là giao dịch tài chính trái phép, lừa đảo, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng, đánh bạc, đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng.

Đổi mới tuyên truyền

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm hoạt động trên không gian mạng, Công an Thành phố đặt trọng tâm đấu tranh với loại tội phạm này trong năm 2022. Bên cạnh công tác nghiệm vụ, Công an Thành phố xác định, chỉ có tuyên truyền sâu, rộng, phù hợp, kịp thời tới người dân mới giúp người dân nhận định chính xác các thủ đoạn tội phạm trên không gian mạng.

Trong thời gian qua, nhất là thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Công an Thành phố liên tục đăng tải trên công thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông về những thông tin cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trên mạng. Cơ quan chức năng chỉ ra những thủ đoạn phổ biến như: Giả danh là Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án hù dọa gửi tiền xác minh; Lợi dụng mạng xã hội Facebook, Twitter, Zalo, Whatsapp…làm quen kết bạn rồi vờ gửi quà; giả mạo SMS Brandname; thủ đoạn chuyển nhầm tiền; mạo danh ngân hàng cho vay.

Công an Thành phố cũng đăng tải các giải pháp phòng ngừa, trong đó nhấn mạnh: người dân không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân cho các đối tượng quen biết qua mạng xã hội khi chưa gặp gỡ trực tiếp, không rõ nhân thân, lai lịch; không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai; tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào; chú ý cơ quan chức năng chỉ làm việc trực tiếp với công dân, không có chuyện làm việc qua điện thoại.

Đáng chú ý, để công tác tuyên truyền có sự đổi mới, gần gũi và tiếp cận được đa số người sử dụng mạng internet tại Việt Nam, vừa qua Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập và chính thức đưa vào hoạt động trang Fanpage “Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng CNC - Công an TP.HCM” trên mạng xã hội Facebook tại địa chỉ:https://fb.com/anm.catphcm và kênh Youtube tại địa chỉ:https://youtube.com/channel/UCR9KlreSxtBmni3BAdVQs5Q. Dù mới thành lập khoảng gần 1 tháng nhưng các tài khoản này có lượng theo dõi rất cao từ người dùng mạng xã hội.

Fanpage và kênh Youtube của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thành phố thường xuyên thông tin về những quy định của pháp luật liên quan an ninh mạng; hướng dẫn người dân nhận biết phương thức, thủ đoạn hoạt động và giải pháp phòng, chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao; hành vi lợi dụng không gian mạng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; kiến thức bảo vệ an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, dữ liệu số trong quá trình tham gia các hoạt động trên không gian mạng…

Đồng thời, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thành phố cũng tiếp nhận các thông tin góp ý, phản ánh, giải đáp thắc mắc của người dân liên quan lĩnh vực an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao qua Fanpage và kênh Youtube trên.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thuộc ban, bộ, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai các phương án bảo đảm an ninh mạng quốc gia; đấu tranh, triệt phá các tổ chức, băng nhóm tội phạm mạng, tội phạm sử dựng công nghệ cao; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn quá trình chuyển đổi số; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO