Số thu tăng trưởng bình quân 30%/năm
Năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC, Thông tư số 80/2021/TT-BTC, Thông tư số 100/2021/TT-BTC trong đó có nội dung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức quản lý thuế đối với hoạt động này.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch tổng thể triển khai đề án “Quản lý thuế đối với TMĐT tại Việt Nam”. Theo lộ trình tại đề án, đến hết năm 2023, cơ quan thuế sẽ tập trung các giải pháp tăng cường công tác quản lý thông qua một số giải pháp quan trọng như: công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT); hiện đại hoá công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ/ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin; củng cố địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ cho một số vụ/đơn vị để đáp ứng quản lý chuyên sâu đối với hoạt động TMĐT.
Đồng thời, triển khai thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; xúc tiến hợp tác quốc tế trong việc đàm phán hiệp định song phương, đa phương về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Đối với lộ trình dài hạn đến 2025, đề xuất sửa đổi các luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý TMĐT…
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung |
Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế tính từ năm 2018 đến hết tháng 6/2022, các tổ chức: Google, Facebook, Microsoft…, đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 5.432 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam đã khai thay, nộp thay thuế nhà thầu gần 760 tỷ đồng, bằng 48% so với số thu năm 2021. Tổng cục Thuế đánh giá, từ năm 2018 đến nay, tăng thu bình quân từ hoạt động kinh doanh TMĐT đạt 30%/năm, số thu bình quân đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.
Đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh TMĐT, lũy kế từ 2018 đến hết tháng 5/2022 vừa qua, cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 782 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngay sau khi vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đến nay đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước Việt Nam với tổng số thuế khoảng 2,4 triệu USD.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) đánh giá, mặc dù ngành Thuế đang sử dụng nhiều biện pháp để rà soát, truy vết thông tin, quản lý và truy thu thuế, số thu từ hoạt động TMĐT dần tăng cao, tuy nhiên số thu thực sự chưa tương xứng với tốc độ phát triển của lĩnh vực này.
Sớm hoàn thiện thể chế, chống thất thu thuế
TS. Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội cho rằng, việc đánh thuế trực thu đối với các nền tảng xuyên biên giới như: Google, Facebook, YouTube,… là không dễ dàng, do đó cần hoàn thiện thể chế như: bổ sung kinh doanh TMĐT vào danh mục đăng ký kinh doanh; phân định rạch ròi hộ kinh doanh khoán thuế truyền thống nộp thuế riêng với thuế TMĐT, không lẫn lộn giữa thuế truyền thống và TMĐT tạo sự minh bạch dễ thực hiện; liên kết với nước thứ ba để quản lý thuế…. Ngoài ra, cần có chế tài phạt nặng buộc các nền tảng kinh doanh TMĐT trong nước nói riêng và nền tảng TMĐT xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật.
Hoàn thiện chính sách thuế đối với dịch vụ số xuyên biên giới "Về lâu dài cần nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đối với dịch vụ số xuyên biên giới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế, pháp luật chuyên ngành liên quan để đáp ứng quản lý đối với thương mại điện tử trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển như vũ bão hiện nay". - PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) |
Theo ông Tú, các sàn TMĐT nước ngoài thực hiện thu thuế được vì hầu hết các thanh toán mua bán đều thực hiện không dùng tiền mặt. Còn đối với Việt Nam, mua bán hàng hóa online nhưng khi thanh toán lại bằng tiền mặt. Vì thế, việc thực thu khấu trừ thuế người bán trên sàn TMĐT tại Việt Nam sẽ khó thực hiện hơn.
Đề xuất giải pháp quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số, TS. Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, trước mắt cơ quan thuế phối hợp với các sàn TMĐT thực hiện cung cấp thông tin về doanh số người bán hàng. Còn về lâu dài, cần có quy định thanh toán qua sàn bằng phương thức không dùng tiền mặt.
Theo ông Tú, cần tiếp tục phát huy hiệu quả ủy nhiệm thu thuế, ngành Thuế nên nhân rộng mô hình này sang các sàn TMĐT thực hiện thu thuế hộ. Tuy nhiên, để có thể tạo thuận lợi cho các sàn TMĐT thực hiện thu thuế dễ dàng, cần nghiên cứu thống nhất thuế suất hiện nay về 1 mức thay vì nhiều mức sẽ khó thực hiện; từ đó có thể thực hiện thu như nước ngoài là áp dụng tỷ lệ phần trăm thuế trên doanh thu phát sinh.
Đặc biệt, để khuyến khích các sàn TMĐT thực hiện thu thuế hộ, Nhà nước cũng nên để lại một phần chi phí cho họ có thể trang trải chi phí vận hành thu thuế, thực hiện công tác ủy nhiệm thu.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, ngành Thuế cần đầu tư xây dựng các công cụ phần mềm chuyên dụng trong tìm kiếm dấu vết, phát hiện và xử lý giao dịch TMĐT có gian lận, né thuế. Ngoài cơ quan thuế, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là hệ thống các ngân hàng thương mại trong công tác trao đổi thông tin, thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý về thuế đối với hoạt động TMĐT. Chỉ khi có nguồn thông tin tin cậy, cơ quan thuế mới đưa ra được các giải pháp quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh TMĐT hiệu quả.
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, rất cần hơn nữa sự tự giác của NNT trong việc tự giác kê khai nộp thuế, chấp hành pháp luật thuế.