Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới

17/06/2022, 09:45

Sự tăng tốc của ngành thương mại điện tử đòi hỏi cơ chế, chính sách quản lý của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử cũng thay đổi song song.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới
Quang cảnh hội thảo về giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: Khánh Minh

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội Chuyển phát nhanh Châu Á – Thái Bình Dương (CAPEC) vừa tổ chức hội thảo quốc tế tại Hà Nội nhằm thảo luận thực tiễn phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích tác động của các biện pháp quản lý tới tiến độ thông quan và chi phí tuân thủ, đặc biệt liên quan tới các quy định hạn chế tần suất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành và khai báo mã hàng (HS code) đối với các lô hàng thương mại điện tử nhập khẩu trị giá thấp.

Theo tính toán của CAPEC, nếu áp dụng hạn chế số lần nhập khẩu cho các lô hàng giá trị thấp được miễn thuế (không quá một đơn/ngày và không quá bốn đơn/tháng), thời gian khai báo và thông quan một lô hàng sẽ tăng thêm 253%/lô. Bên cạnh đó, nhà cung cấp và các sàn giao dịch thương mại điện tử đối mặt với rủi ro người mua có thể đột ngột hủy đơn hàng, khiếu nại và yêu cầu hoàn tiền sau khi biết lô hàng của họ vượt quá hạn ngạch nhập khẩu và phải chịu thuế.

Ông Carlos Tanner, Tổng Giám đốc Hiệp hội Chuyển phát nhanh Toàn cầu (GEA) cho rằng thu thuế và thuế hải quan đối với hàng nhập khẩu thương mại điện tử có giá trị thấp là một thách thức đối với cơ quan quản lý ở nhiều nước do các đơn hàng gia tăng với tốc độ chưa từng có. 

GEA giới thiệu hai thông lệ quốc tế, bao gồm cách tiếp cận của New Zealand và Australia là thu thuế theo thuế suất cố định sử dụng mô hình thu thuế VAT từ nhà cung cấp (không quy định tần suất nhập khẩu) và mô hình của Canada thu thuế hải quan theo giỏ hàng hóa (không khai báo HS code cho từng mặt hàng).

Theo Tổng cục Hải quan, trong sáu tháng đầu năm 2021, lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp (từ 1 triệu đồng trở xuống) giao dịch qua thương mại điện tử làm thủ tục nhập khẩu tại Cục Hải quan Hà Nội và Cục Hải quan TPHCM đạt gần 34 triệu tờ khai với kim ngạch khoảng 4.480 tỉ đồng, tăng 373% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng cục Hải quan đang xây dựng các quy định mới nhằm thay đổi phương thức quản lý để tạo thuận lợi cho thương mại điện tử, đồng thời đảm bảo kiểm soát hàng hóa, thu thuế hiệu quả đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Theo VECOM, dự báo kinh tế Internet của Việt Nam sẽ đạt con số 57 tỉ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.

Ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký VECOM cho biết: “Sự tăng tốc của ngành thương mại điện tử đòi hỏi cơ chế, chính sách quản lý của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử cũng thay đổi song song. Chúng tôi hy vọng các cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị trong chuỗi giá trị thương mại điện tử để xây dựng các quy định đảm bảo môi trường hoạt động thông thoáng và thúc đẩy thuận lợi thương mại”.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO