Champions League là nạn nhân mới nhất trò phá phách của người Việt

15/07/2022, 21:48

Từ năm 2020, hacker Việt Nam nhiều lần tấn công, chiếm đoạt fanpage Facebook lớn, có tick xanh để livestream bán hàng, đăng nội dung gây rối.

Ngày 14/7, trang Facebook chính thức, có hơn 70 triệu người theo dõi của UEFA Champion League bất ngờ đăng tải hình ảnh của cầu thủ Nguyễn Quang Hải. Bài viết xuất hiện chỉ khoảng 20 phút trước khi biến mất. Đây là một hoạt động bất thường bởi bài đăng có phần miêu tả để trống. Đồng thời, không có liên hệ nào giữa Quang Hải với giải đấu cao nhất châu Âu.

Nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng một hacker Việt Nam nào đó đã thực hiện hành vi nêu trên. Nghi ngờ này là có cơ sở bởi trước đó, không ít lần các fanpage quốc tế, có lượng theo dõi lớn bị người Việt chiếm dụng, trục lợi.

Facebook có tick xanh của Ivanovic bị người Việt chiếm đoạt

Ngày 20/7/2020, trang Facebook có tick xanh của Branislav Ivanovic, cựu trung vệ của Chelsea bất ngờ thay đổi ảnh đại diện một cô gái. Nhiều bình luận bên dưới cho rằng tài khoản của cầu thủ Ivanovic đã bị tấn công chiếm quyền.

Trong phần bình luận của ảnh đại diện, tài khoản Ivanovic giới thiệu mình là người Việt Nam. “Lại là mình đây, Việt Nam number 1”, trang Ivanovic viết. Các bình luận tương tác với những người dùng khác, tài khoản Ivanovic đều sử dụng tiếng Việt.

Nguoi Viet hack nhieu lan hack facebook quoc te anh 1
Thanh niên người Việt livestream thách thức ai đủ bản lĩnh cứ lấy lại fanpage cho Ivanovic. Ảnh: Hữu Nhật.

Đến ngày 30/7, tài khoản của cầu thủ Serbia đăng tải video livestream bán hàng. Nữ nhân vật trong luồng trực tiếp bán các loại áo thun với phần giới thiệu bằng tiếng Việt. “Dọn kho cuối tháng - giá nào cũng phang”, tựa đề video livestream nêu rõ đây là một buổi bán hàng trực tuyến.

Người giữ tài khoản này sau đó còn phát video thách thức ai đủ khả năng cứ lấy lại tài khoản. Đồng thời, nhân vật chính của buổi livestream cũng tuyên bố sẽ chặn tất cả tài khoản yêu cầu hoàn trả fanpage cho Ivanovic. Cảnh nền của video livestream có dòng chữ “Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Dịch vụ Hoàng Gia”.

Đến ngày 2/8/2020, Facebook lặng lẽ “gỡ” tick xanh trên fanpage của Ivanovic. Đây được xem là động thái duy nhất mà mạng xã hội này can thiệp khi chính người dùng của họ bị tấn công.

Fanpage giải bóng đá Nhật Bản bị hack để bán hàng online

Cùng giai đoạn này, loạt trang Facebook của người nổi tiếng được xác nhận tick xanh xuất hiện video livestream bán hàng bằng tiếng Việt.

Fanpage tick xanh diễn viên Naina Mansukhani (Ấn Độ) cũng đang bị chiếm quyền để bán các dịch vụ livestream. Ngoài ra, fanpage cộng đồng của các dự án film như London Fields, đã được xác minh danh tính, cũng bị đổi tên và đăng livestream bán mắt kính mỗi ngày.

Nguoi Viet hack nhieu lan hack facebook quoc te anh 2
Tài khoản chính thức của Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản bị chiếm quyền, đăng các video bán hàng. Ảnh: Nhật Minh.

Thậm chí, fanpage của Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Dabakis hay Abiola Adeyemi Ajimobi, một chính trị gia người Nigeria cũng bị chiếm quyền để bán hàng online.

Sáng 18/12/2020, trang Facebook chính thức của Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản (J.League) đã bị chiếm quyền, trở thành nơi phát các video livestream bán hàng.

Trang Facebook có tên "J.League (Japan Professional Football League)/Jリーグ" đổi ảnh đại diện thành ảnh của một thanh niên vào khoảng 15h ngày 18/12/2020. Các bình luận cho bức ảnh này đều bằng tiếng Việt.

Phần bảng tin của trang trong cùng ngày đăng hơn 10 video livestream bán hàng của người Việt, với đủ các loại hàng hóa từ quần áo, thực phẩm tới mỹ phẩm. Các video này đều có hàng trăm lượt cảm xúc, bình luận.

Hai người Việt bán quần áo trên fanpage của rapper Hàn Quốc

Ngày 13/10/2021, nhiều người dùng phát hiện trang Facebook chính thức của ca sĩ Zion.T bất ngờ đổi ảnh đại diện một cô gái. Trong buổi chiều cùng ngày, hai người Việt phát trực tiếp, bán quần áo trên fanpage của nam ca sĩ.

Nguoi Viet hack nhieu lan hack facebook quoc te anh 3
Facebook rapper Zion.T bị chiếm quyền, phát trực tiếp bán hàng.

“Dịch em xả 199.000 đồng/4 quần, vận chuyển đồng giá 30.000 đồng trên toàn quốc. Hàng chất gió co giãn, kiểm tra rồi mới nhận. Chốt đơn để lại số điện thoại”, tựa đề của video livestream kêu gọi người mua hàng trên trang Facebook Zion.T.

"Dạ anh chị để lại số điện thoại để em tư vấn và chuyển hàng nhanh nhất cho mình”, tài khoản Zion.T trả lời khách bình luận trên trang.

Trong phần Tính minh bạch của Trang, Facebook cho biết fanpage này được tạo vào ngày 21/8/2015. Đến ngày 14/9/2021, trang được đổi tên từ "Zion.T - 자이언티" thành "Zion.T".

Ngoài trang Zion.T có tick xanh bị chiếm quyền, trên Facebook còn có một fanpage được xác minh khác của ca sĩ người Hàn Quốc. Trang này vẫn thường xuyên cập nhật các hoạt động mới của Zion.T và bắt đầu đăng bài từ 2017. Theo người hâm mộ nam ca sĩ, fanpage bị chiếm quyền là tài khoản Facebook cũ của Zion.T.

Facebook kiện 4 người Việt vì gây thiệt hại hơn 36 triệu USD

Nhiều fanpage quốc tế, có tick xanh bị hacker chiếm đoạt vì những trang này có quyền chạy quảng cáo video livestream bán hàng.

Chiếm đoạt tài khoản quảng cáo là bước đầu tiên trong chuỗi lừa đảo mà nhiều nhóm bán hàng online tại Việt Nam sử dụng. “Đa phần các quảng cáo livestream trên Facebook hiện nay là hình thức rửa tiền của các hacker”, Huỳnh Đông, một người có kinh nghiệm nhiều năm trong giới chạy quảng cáo Facebook tại Việt Nam nhận định.

Đến tháng 6/2021, Facebook gửi thông báo khởi kiện 4 cá nhân người Việt vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản quảng cáo. Theo Facebook, bốn người này đã sử dụng một kỹ thuật được gọi là “đánh cắp phiên” hay “đánh cắp cookie” để xâm nhập vào tài khoản của nhân viên các đại lý quảng cáo và tiếp thị. Sau khi xâm nhập, những người này sẽ chạy các quảng cáo trái phép.

Ngoài ra, nhóm người này bị cáo buộc hỗ trợ cho các hành vi lừa đảo online. Theo Facebook, ước tính quảng cáo trái phép mà nhóm này đã chạy có giá trị hơn 36 triệu USD. "Facebook đã hoàn tiền cho các nạn nhân và giúp họ bảo mật tài khoản", đại diện Facebook viết trong thông cáo gửi báo chí ngày 30/6/2021.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO