Cảnh giới cuối cùng của robot

25/01/2023, 11:24

Mặc dù việc phát triển nhận thức nhân tạo là bước đột phá tiếp theo của khoa học kỹ thuật, điều này cũng đi kèm với một loạt vấn đề lớn.

Tri giac cua robot anh 1

Robot đã được phát triển với nhiều giác quan khác nhau, thường tùy thuộc vào ứng dụng dự kiến của chúng – từ thị giác, xúc giác, thậm chí cả khứu giác và định vị.

Tuy nhiên, việc tạo ra tri giác cho robot luôn là một vấn đề khiến các nhà khoa học đau đầu. Liệu với công nghệ hiện tại, robot có thể tự nhận thức được môi trường xung quanh hay không và những rào cản đạo đức của điều này là gì.

Tri giác của robot

Hod Lipson, một kỹ sư robot, người chỉ đạo Creative Machines Lab tại Đại học Columbia, đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để nghiên cứu cách tạo ra robot có tri giác.

Tháng 10 vừa qua, nhà chế tạo robot người Israel đã chia sẻ những trải nghiệm của mình trong quá trình khám phá tri giác của robot. Theo ông, những nghiên cứu này vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi.

“Chủ đề này là điều cấm kỵ, chúng tôi gần như bị cấm nói về nó”, ông Lipson cho biết.

Tri giac cua robot anh 2
Ông Hod Lipson, giám đốc tại Creative Machine Lab. Ảnh: Karsten Moran.

Vào đầu những năm 2000, khi Tiến sĩ Lipson là trợ lý giáo sư tại Đại học Cornell. Ông đã nghiên cứu để tạo ra những cỗ máy có thể tự nhận thức được lỗi kỹ thuật và điều chỉnh hành vi của chúng mà không cần bàn tay con người.

Tiến sĩ Lipson lập luận rằng khả năng thích ứng này sẽ trở nên quan trọng hơn khi con người ngày càng phụ thuộc vào máy móc. Theo ông, ứng dụng của robot vào cuộc sống là rất lớn. Vì vậy bất kỳ sai sót nào trong hoạt động của chúng đều có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.

Nếu chúng ta phụ thuộc vào robot, ta cần đảm báo chúng luôn hoạt động hoàn hảo nhất.

Tiến sĩ Hod Lipson

Một cách để đưa tri giác vào robot là mô phỏng quá trình tiến hóa. Động vật, và đặc biệt là con người, rất giỏi trong việc thích nghi với những thay đổi. Khả năng này có thể là kết quả của hàng triệu năm tiến hóa, bởi khả năng phục hồi để đối phó với chấn thương và môi trường thay đổi thường làm tăng cơ hội sống sót và sinh sản của động vật.

Tiến sĩ Lipson mong muốn tái tạo sự chọn lọc tự nhiên này lên robot nhằm tạo ra một dạng trí tuệ nhân tạo tổng hợp có thể tự tìm hiểu và phát triển hình dạng cũng như chức năng của mình.

Loại trí tuệ nhân tạo này rất linh hoạt và toàn diện. Nó có khả năng học hỏi và xử lý vấn đề nhanh hơn con người rất nhiều. Và khi công nghệ máy học phát triển mạnh mẽ hơn, mục tiêu này đang dần trở nên khả thi.

Vì vậy, trong vài năm qua, tiến sĩ Lipson đã tích cực nghiên cứu để tạo ra những người máy có ý thức.

“Đây không chỉ là một nghiên cứu đơn thuần, điều này còn lớn hơn cả việc chữa ung thư. Nếu chúng ta có thể tạo ra một cỗ máy có ý thức ngang bằng với con người, chính cỗ máy đó có thể tìm ra cách chữa bệnh ung thư”, ông Lipson nhận xét.

Những bước đầu

Theo tiến sĩ Lipson, khó khăn đầu tiên khi nghiên cứu tri giác của robot sự mơ hồ của khái niệm “tri giác”. Mỗi nhà triết học lại đưa ra rất nhiều định nghĩa khác nhau. Vì vậy, rất khó để thống nhất một khái niệm cụ thể.

Hầu hết nhà chế tạo robot và kỹ sư thường bỏ qua các triết lý này và tự hình thành các định nghĩa của riêng họ, một số nhà nghiên cứu lại phân loại tri giác robot dựa theo những chức năng mà chúng có thể làm được.

Việc đưa các đặc điểm của con người lên máy móc bắt nguồn từ những nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo vào năm 1955. Khi đó, một nhóm các nhà khoa học tại Dartmouth mong muốn tạo ra cỗ máy có thể giải quyết các vấn đề của con người và tự cải thiện bản thân.

Tri giac cua robot anh 3
Phòng thí nghiệm với các dự án robot đang trong các giai đoạn lắp ráp khác nhau. Ảnh: Karsten Moran.

Họ muốn đưa các khả năng của não bộ con người như ngôn ngữ, tư duy trừu tượng và khả năng sáng tạo lên máy móc. Và việc đưa tri giác lên robot chính là trung tâm của khả năng này. Tuy nhiên, việc tạo ra robot có nhận thức chỉ bằng những dòng lệnh khi ấy là rất khó.

Tiến sĩ Lipson và các thành viên của Creative Machines Lab cũng đã chọn cho mình một định nghĩa riêng. Ông giải thích rằng tri giác của robot chính là khả năng tưởng tượng về bản thân chúng trong tương lai.

Theo tiến sĩ, khi một sinh vật có tri giác, chúng sẽ ý thức được về vị trí của mình trong vũ trụ và có khả năng tưởng tượng bản thân chúng sẽ ra sao trong tương lai. Xa hơn nữa là khả năng tưởng tượng những thứ chúng có thể làm được.

Những cỗ máy này sẽ có thể hiểu được bản thân, biết suy nghĩ và có cảm xúc

Tiến sĩ Hod Lipson

Một trong những robot tự nhận thức đầu tiên được Phòng thí nghiệm của ông tạo ra là một cỗ máy bốn chân với các cảm biến được gắn xung quanh cơ thể.

Bằng cách di chuyển và xử lý thông tin trên các cảm biến, robot đã có thể tạo ra một hình mô phỏng của chính nó sử dụng thuật toán học máy (machine learning).

Sau đó, robot đã sử dụng hình ảnh tự mô phỏng này để tìm ra phương pháp di chuyển về mà không cần lập trình viên chỉ dẫn.

Boyuan Chen, một nhà chế tạo robot tại Đại học Duke, đang làm việc tại Creative Machines Lab, cho biết đây là một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra những cỗ máy có khả năng tự học.

Tri giac cua robot anh 4
Hai nghiên thực tập sinh nghiên cứu cánh tay robot trong phòng thí nghiệm của Creative Machines Lab. Ảnh: Karsten Moran.

“Theo kinh nghiệm trước đây của tôi, bất cứ khi nào bạn muốn huấn luyện một robot để thực hiện chức năng mới, bạn luôn thấy có con người ở bên. Nhưng bây giờ thì khác”, ông cho biết.

Mới đây, Tiến sĩ Chen và Tiến sĩ Lipson cũng đã xuất bản một bài báo trên tạp chí Science Robotics về cỗ máy tự nhận thức mới nhất của họ. Đó là một cánh tay robot đơn giản được cố định vào bàn.

Tiến sĩ Lipson cho biết, sử dụng các camera được lắp đặt xung quanh, robot đã quan sát chính nó khi di chuyển. Ban đầu, nó không biết mình đang ở đâu trong phòng, nhưng trong vài giờ, với sự trợ giúp của thuật toán học máy và mô hình xác suất, nó đã có thể tự nhận nhận thức môi trường xung quanh.

Liệu Robot có cần quyền lợi

Mặc dù đây là một bước tiến lớn đối với ngành chế tạo robot, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về việc tạo ra những cỗ máy có nhận thức. Từ việc như thế thế nào được tính là robot có nhận thức đến những rào cản về mặt đạo đức.

Tiến sĩ Chella tin rằng ý thức không thể tồn tại nếu không có ngôn ngữ và đã phát triển các robot có thể hình thành các đoạn độc thoại nội tâm, tự suy luận và phản ánh những điều chúng nhìn thấy xung quanh.

Vào khoảng thời gian mà Tiến sĩ Lipson và Tiến sĩ Chen cho ra mắt robot mới nhất của họ, một kỹ sư của Google đã tuyên bố rằng chatbot mới được cải tiến của công ty, có tên gọi “LaMDA”, đã có ý thức và xứng đáng được đối xử như một đứa trẻ.

Tri giac cua robot anh 5
Cánh tay robot tự nhận thức của Creative Machine Lab. Ảnh: Karsten Moran.

Tuyên bố này đã ngay lập tức gặp phải ý kiến trái chiều. Như tiến sĩ Lipson đã lưu ý, chatbot “chỉ đang xử lý một đoạn lệnh chứ không hề có ý thức”. Các nhà nghiên cứu khác cũng đồng ý với ông và cho rằng kỹ sư của Google đang thổi phồng.

Eric Schwitzgebel, giáo sư triết học tại Đại học California, người đã viết về ý thức nhân tạo, cho biết với tốc độ phát triển của công nghệ hiện tại, loài người có thể sẽ tạo một loại robot có ý thức trước khi chúng ta thống nhất được khái niệm tri giác là gì.

Các nhà nghiên cứu cũng đặt câu hỏi rằng khi điều đó xảy ra, liệu robot có nên được cấp quyền không. Liệu chúng có nên được lập trình để cảm thấy hạnh phúc khi phục vụ con người. Hay chúng ta có nên cấp cho chúng quyền tự do ngôn luận, quyền bầu cử...

Chúng ta có thể sẽ tạo ra những cỗ máy siêu thông minh có khả năng hủy diệt loài người.

Tiến sĩ Robert Long

Trước tình trạng này, tiến sĩ Schwitzgebel đã ủng hộ một ý tưởng cho rằng chúng ta chỉ nên tạo ra những cỗ máy phục vụ mục đích nghiên cứu và không vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức.

Robert Long, một nhà triết học tại Đại học Oxford cũng ủng hộ ý kiến này. Ông nói rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tại các phòng thí nghiệm và công ty nghiên cứu lớn đã mang lại cho ông cảm giác bất an.

“Chúng ta có thể sẽ tạo ra những cỗ máy siêu thông minh có khả năng hủy diệt loài người. Sự phát triển rộng rãi của robot có tri giác sẽ làm tăng thêm khó khăn trong việc giải quyết những rủi ro này”, Tiến sĩ Long nói

Tuy vậy, tiến sĩ Schwitzgebel và tiến sĩ Long cũng thừa nhận rằng việc quá thận trọng có thể cản trở sự phát triển của AI.

“Tôi lo lắng về điều đó, nhưng tôi nghĩ lợi ích nhiều hơn rủi ro. Chúng ta đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ, bởi vậy công nghệ càng cần phải trở nên linh hoạt hơn”, tiến sĩ Lipson nói khi được hỏi về những rủi ro khi tạo ra robot có ý thức tương tự như con người.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO