Trung Quốc nổi tiếng thế giới về các chính sách kiểm duyệt internet. Một báo cáo mới đây đã tính toán ra những con số định lượng, để biết mức độ kiểm duyệt như thế nào và phát hiện Trung Quốc áp dụng hơn 66.000 quy tắc kiểm soát nội dung đối với các công cụ tìm kiếm.
Theo New York Times, báo cáo này được công bố hôm thứ Tư (26/4) bởi Citizen Lab, một nhóm nghiên cứu an ninh mạng tại Đại học University of Toronto.
Các phát hiện cho thấy bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc không chỉ trở nên phổ biến hơn mà còn tinh vi hơn. Các công cụ tìm kiếm, bao gồm cả Bing, đã tạo ra các thuật toán để “kiểm duyệt gắt gao” các kết quả tìm kiếm được coi là nhạy cảm về chính trị, bằng cách không cung cấp kết quả hoặc giới hạn kết quả với các nguồn tin được chọn.
Jeffrey Knockel, nhà nghiên cứu cấp cao tại Citizen Lab và là tác giả của báo cáo, cho biết: “Người dùng có thể không nhận được kết quả nếu đó là một chủ đề rất nhạy cảm. Ngoài ra, nếu truy vấn của họ tuân theo chính sách tự kiểm duyệt, họ sẽ chỉ nhận được kết quả từ một số trang web đã được ủy quyền trước”.
Các nhà nghiên cứu của Citizen Lab đã tìm hiểu tám nền tảng trực tuyến cung cấp các công cụ tìm kiếm, bao gồm công cụ tìm kiếm Baidu, Sogou và Bing; các trang mạng xã hội Weibo, Douyin, Bilibili và Baidu Zhidao; và gã khổng lồ thương mại điện tử Jingdong.
Tất cả đều phải tuân theo các chính sách hạn chế pháp lý được áp dụng rất rộng rãi tại Trung Quốc. Những chính sách này từ lâu đã kiểm duyệt các hoạt động tội phạm, tục tĩu, khiêu dâm, bạo lực và máu me, bên cạnh hầu hết mọi nội dung chính trị, sắc tộc hoặc tôn giáo được coi là đe dọa đến chính quyền và sự ổn định xã hội.
Mỗi công ty, nền tảng tìm kiếm phải tạo ra các cơ chế nhằm tuân thủ các chính sách kiểm duyệt của chính phủ.
Báo cáo cho biết các công ty công nghệ Trung Quốc đã áp dụng nhiều quy tắc hơn Bing, một trong số ít nền tảng công nghệ nước ngoài được phép hoạt động ở nước này, nhưng so với Baidu, các quy tắc của Bing rộng hơn và ảnh hưởng đến nhiều kết quả tìm kiếm hơn. Họ cũng tính trung bình các kết quả bị hạn chế từ nhiều tên miền hơn.
Caitlin Roulston, phát ngôn viên của Microsoft, cho biết công ty sẽ xem xét những phát hiện nhưng vẫn chưa phân tích đầy đủ. “Chúng tôi đang liên hệ trực tiếp với Citizens Lab để có thêm thông tin nhằm có thể tiến hành mọi cuộc điều tra nếu cần thiết”, bà nói.
Microsoft là một trong số ít các công ty công nghệ nước ngoài vẫn hoạt động bên trong Trung Quốc và họ đã thừa nhận rằng để làm như vậy cần phải tuân thủ luật kiểm duyệt của quốc gia này, điều mà các công ty khác, nổi bật nhất là Google, đã từ chối thực hiện.
Các điều kiện ở Trung Quốc thường gây khó khăn cho Microsoft, các sản phẩm của công ty phải đối mặt với nhiều chính sách xem xét kỹ của chính quyền. Vào năm 2019, bản thân Bing đã tạm thời bị chặn. Vào năm 2021, Microsoft đã đóng cửa LinkedIn tại Trung Quốc sau 7 năm hoạt động tại quốc gia này, với lý do là những trở ngại về quy định và cạnh tranh.
Ông Knockel cho biết nghiên cứu đã củng cố lập luận rằng các công ty công nghệ nước ngoài có thể đã không mấy nỗ lực để hạn chế kiểm duyệt hoặc các yêu cầu khác từ chính phủ. Ví dụ, Trung Quốc đã báo hiệu rằng họ sẽ hạn chế hoạt động của công nghệ trí tuệ nhân tạo trong các bot trò chuyện, mà Microsoft đã tiết lộ cho Bing.
Theo số liệu của Statista.com, tính đến tháng 3/2023, Baidu là công cụ tìm kiếm chiếm thị phần cao nhất với 48,56% thị trường; Bing của Microsoft đứng thứ hai song khoảng cách rất lớn với công cụ số 1 là Baidu. Bing chiếm 14,76% thị phần tìm kiếm tại Trung Quốc. Ngoài ra, Google dù bị cấm tại đây song vẫn chiếm 6,78%, có thể là do một số người dùng “lách luật”, tìm cách sử dụng công cụ tìm kiếm này.
Thực tế, giống như với các giải pháp thay thế cho các nền tảng truyền thông xã hội chính thống, Trung Quốc đã đi tiên phong trong việc sản xuất các công cụ tìm kiếm cung cấp giải pháp để thay thế cho Google và Bing. Một số công cụ tìm kiếm nổi bật nhất của Trung Quốc là Baidu và Sogou.
Kể từ khi thành lập vào năm 2000, doanh thu của Baidu đã tăng nhanh chóng và đạt tổng cộng khoảng 124 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021. Phần lớn doanh thu được tạo ra thông qua các dịch vụ tiếp thị trực tuyến. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động giảm mạnh sau khi đạt đỉnh hơn 15 tỷ nhân dân tệ ba năm trước năm 2020. Baidu từng kiểm soát khoảng 70 đến 80% thị trường tìm kiếm trực tuyến của Trung Quốc.