Các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh ban hành danh mục dữ liệu mở

29/10/2022, 17:04

Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh việc ban hành danh mục dữ liệu mở và tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai công bố dữ liệu mở…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh việc ban hành danh mục dữ liệu mở của Bộ, ngành, địa phương mình, tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai công bố dữ liệu mở trong phạm vi quản lý theo thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

TỰ DO SAO CHÉP, CHIA SẺ, SỬ DỤNG DỮ LIỆU MỞ

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dữ liệu mở là một trong những nội dung được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm trong nhiều năm vừa qua. Tại báo cáo "Chỉ số phát triển chính phủ điện tử" của Liên Hợp Quốc trong những năm gần đây, dữ liệu nói chung và dữ liệu mở nói riêng được đề cập tại nhiều báo cáo.

Các thông tin và số liệu tại các báo cáo đã thể hiện rõ sự phát triển mạnh mẽ của dữ liệu chính phủ trên phạm vi toàn cầu và vai trò của dữ liệu như là một yếu tố đầu vào quan trọng, hữu ích để góp phần xây dựng các chính sách, quản trị tốt và hiệu quả hơn.

Trong đó, dữ liệu mở, đặc biệt là dữ liệu mở của chính phủ, là một nguồn tài nguyên lớn chưa được khai thác một cách có hiệu quả. Đối với dữ liệu mở, các cơ quan nhà nước đóng một vai trò quan trọng ở góc độ số lượng, quy mô dữ liệu được thu thập cũng như khả năng cung cấp dữ liệu mở.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương có văn bản và tổ chức hướng dẫn bộ, ngành, địa phương bảo đảm thống nhất về khái niệm, tiêu chuẩn, cách thức triển khai để thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ về dữ liệu mở theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.

Theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm ban hành danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trong phạm vi quản lý của mình.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tự do sao chép, chia sẻ, trao đổi, sử dụng dữ liệu mở hoặc kết hợp dữ liệu mở với dữ liệu khác; sử dụng dữ liệu mở vào sản phẩm, dịch vụ thương mại hoặc phi thương mại của mình.

Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trích dẫn, ghi nhận thông tin sử dụng dữ liệu mở trong các sản phẩm, tài liệu liên quan có sử dụng dữ liệu mở.

Đặc biệt, dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu nguyên trạng như được công bố; không bao gồm các hình thức trình bày và các thông tin phát sinh từ dữ liệu mở đã được cung cấp. Do đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân không được bán dữ liệu mở đã được khai thác nguyên trạng từ cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác. Khi sử dụng dữ liệu mở trong sản phẩm, dịch vụ thương mại của mình phải cung cấp miễn phí dữ liệu mở kèm theo sản phẩm, dịch vụ thương mại đó.

TP.HCM TĂNG TỐC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện tập trung, tăng tốc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên các lĩnh vực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Chương trình cải cách hành chính và giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2025. Đặc biệt, các chỉ tiêu được đề ra tại kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố năm 2022 và Tháng hành động "Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong ngày".

Đồng thời, rà soát các nội dung còn hạn chế và đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao thứ hạng và xếp loại trong công tác xác định chỉ số cải cách hành chính; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính tại các đơn vị thuộc và trực thuộc. Tăng cường công tác khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý dịch vụ công mức độ 3, 4 và tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Hoàn tất công tác chuyển đổi và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước theo quy định.

Mặt khác, lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định về quy tắc ứng xử và các hoạt động công vụ theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm quy tắc ứng xử và các hoạt động công vụ tại các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, rà soát, bố trí công chức giữ chức vụ lãnh đạo đúng quy định, xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp lãnh đạo cấp phòng, công chức, viên chức chậm trễ triển khai, thiếu tinh thần chủ động phối hợp trong công tác. Đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, tăng cường sử dụng hộp thư điện tử, chữ ký số. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xác định và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu; phê bình, xử lý nghiêm các trường hợp chậm triển khai, chưa chủ động phối hợp các nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính; đặc biệt các trường hợp gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Công tác tiếp nhận, phản hồi kịp thời các phản ánh của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin 1022 của thành phố và thực hiện thư xin lỗi bằng các hình thức phù hợp đối với các trường hợp giải quyết hồ sơ trễ hạn…


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO