Bóc mánh khóe của 4 người Việt bị Facebook kiện vì chiếm đoạt 36 triệu USD

01/07/2021, 10:34

Sau khi nạn nhân tải ứng dụng, họ được khuyến khích chia sẻ tài khoản và thông tin Facebook khi đăng nhập, sau đó được sử dụng để truy cập vào tài khoản Facebook và chạy quảng cáo.

Mánh khóe của 4 người Việt bị Facebook kiện

Trên blog đăng mới đây, Facebook cho biết đã nộp đơn kiện chống lại các đối tượng vi phạm Chính sách và Điều khoản Quảng cáo. Facebook cho biết sẽ khởi kiện 4 cá nhân người Việt Nam gồm Nguyễn Thêm H., Lê K., Nguyễn Quốc B. và Phạm Hữu D. vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản quảng cáo.

Được biết, những người Việt nói trên đã sử dụng mánh khóe "đánh cắp cookie" hay "đánh cắp session" để xâm phạm tài khoản các nhân viên của nhiều đại lý quảng cáo, tiếp thị và sau đó chạy quảng cáo trái phép.

Cụ thể, các nạn nhân sẽ cài đặt một ứng dụng tên "Ad Manager for Facebook" từ Google Play Store. Ứng dụng này hiện đã bị loại khỏi Play Store đã được tạo ra bởi chính 4 người kể trên, họ khuyến khích người dùng chia sẻ tài khoản và thông tin Facebook của họ khi đăng nhập, sau đó được sử dụng để truy cập vào tài khoản Facebook và chạy quảng cáo. Được biết tính tới tháng 12 năm ngoái, ứng dụng này đã có trên 10.000 lượt tải xuống.

Trong một số trường hợp, quảng cáo có nội dung lừa đảo trực tuyến. Theo thống kê của Facebook, số tiền chạy quảng cáo trái phép lên tới 36 triệu USD. Facebook đã hoàn tiền cho các nạn nhân và giúp họ tăng bảo mật tài khoản.

4 người kể trên không chỉ chạy khoảng 10.000 quảng cáo trên Facebook và Instagram mà còn "cho thuê các tài khoản vi phạm". Ví dụ đối tượng có tên P.H.D "thường xuyên cung cấp cho người dùng Việt quyền truy cập vào các tài khoản Facebook đã bị chiếm đoạt, sau đó chạy quảng cáo sản phẩm thông qua hình thức phát trực tiếp video".

Hiện tại tài khoản Facebook và Instagram của 4 người kể trên đã bị khóa.

Bóc mánh khóe của 4 người Việt bị Facebook kiện vì chiếm đoạt 36 triệu USD - Ảnh 1.

Facebook kiện 4 người Việt vì chiếm đoạt tài khoản người dùng. Ảnh chụp màn hình

Ngoài kiện nhóm người Việt này, Facebook cũng cho biết đã gửi đơn kiện một công ty marketing ở California (Mỹ) và các đại lý chịu trách nhiệm về một kế hoạch quảng cáo bait-and-switch (câu view và chuyển đổi) trên Facebook.

Theo cáo buộc, công ty này đã chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook để quảng bá việc bán hàng hóa như quần áo, đồng hồ và đồ chơi.

Khi người dùng Facebook nhấp vào một trong những quảng cáo này, họ sẽ được chuyển hướng đến các trang web thương mại điện tử của bên thứ ba để hoàn tất việc mua hàng của họ.

Bóc mánh khóe của 4 người Việt bị Facebook kiện vì chiếm đoạt 36 triệu USD - Ảnh 2.

4 người Việt đã sử dụng mánh khóe "đánh cắp cookie" hay "đánh cắp session" để xâm phạm tài khoản các nhân viên của nhiều đại lý quảng cáo, tiếp thị và sau đó chạy quảng cáo trái phép.

Nhưng sau khi thanh toán, người mua không hề nhận được hàng, hoặc nhận được hàng hóa chất lượng kém hơn so với trên quảng cáo, thậm chí là bị đánh tráo hàng.

Ngoài ra, để che giấu hành vi lừa đảo này trên Facebook, các bị cáo đã chặn và che giấu những lời phàn nàn và đánh giá tiêu cực của người dùng trên trang Facebook của họ.

Quảng cáo livestream trên Facebook là hình thức rửa tiền của hacker?

Trên Zingnews, một người có kinh nghiệm nhiều năm trong giới chạy quảng cáo Facebook tại Việt Nam, chiếm đoạt tài khoản quảng cáo là bước đầu tiên trong chuỗi lừa đảo mà nhiều nhóm bán hàng online tại Việt Nam sử dụng. Đa phần các quảng cáo livestream trên Facebook hiện nay là hình thức rửa tiền của các hacker.

Theo người này, dân trong ngành gọi đây là chạy quảng cáo invoice (hóa đơn), nói ngắn gọn là "voi". Theo đó, các tài khoản quảng cáo của các công ty, tập đoàn lớn, thường là của nước ngoài sẽ bị hacker chiếm quyền truy cập. Sau đó, những tài khoản này sẽ được bán lại cho những shop online tại Việt Nam với chiết khấu rẻ hơn.

“Dễ hiểu là nếu cần chạy quảng cáo 100 triệu đồng. Bạn sẽ chỉ trả cho hacker 30 triệu để mua lại các tài khoản mà họ hack được từ các công ty lớn”, người này nói.

Để tiện chi tiêu cho các công ty lớn, Facebook hỗ trợ mua quảng cáo trước, trả tiền sau. Tùy vào lịch sử chi tiêu và tín nhiệm của công ty, Facebook sẽ cho họ những ngưỡng tài khoản quảng cáo khác nhau. Có ngưỡng quảng cáo lên đến vài triệu USD.

Những tài khoản này được hack bằng nhiều cách khác nhau từ quét mật khẩu theo email đến các web lừa đăng nhập, đánh cắp thông tin.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có đủ điều kiện được cấp tài khoản invoice cũng âm thầm giao cho người khác chạy quảng cáo. Sau khi chạy hết ngưỡng ngân sách do Facebook cung cấp sẽ báo là bị hack.

Cuối cùng, Facebook là bên mất tiền vì công ty này không nhận được các khoản thanh toán sau khi hiển thị quảng cáo. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn lại bị mất tài khoản quảng cáo vào tay hacker, ảnh hưởng đến chiến dịch truyền thông.

Ngày 28/6, vốn hóa thị trường của Facebook lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD.

Gã khổng lồ mạng xã hội do Mark Zuckerberg thành lập là công ty Mỹ thứ 5 đạt được thành tích này, sau Apple, Microsoft, Amazon và công ty mẹ của Google là Alphabet.

Toàn bộ doanh thu của Facebook gần như đến từ các quảng cáo cá nhân hóa được hiển thị đối với người dùng mạng xã hội Facebook và Instagram. Facebook cũng có mảng kinh doanh phần cứng đang phát triển, chế tạo những sản phẩm như thiết bị gọi điện video Portal, tai nghe thực tế ảo Oculus và kính thông minh. Dự kiến những sản phẩm này sẽ được phát hành trong năm 2021.

Facebook tổ chức IPO vào tháng 5/2012, chào sàn với vốn hóa 104 tỷ USD.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO