Những cơ hội và thách thức buộc mọi cơ quan báo chí trên thế giới trong đó có các cơ quan báo chí ở các nước ASEAN phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình CĐS.
Báo chí ASEAN trước thách thức của MXH
Các nước ASEAN đang trải qua quá trình CĐS nhanh chóng và chưa từng có, được thúc đẩy bởi tầng lớp người tiêu dùng đang gia tăng, khu vực khởi nghiệp mạnh mẽ, thiết bị giá rẻ và dễ tiếp cận cũng như lực lượng dân số trẻ, yêu công nghệ và yêu thích thương mại điện tử (TMĐT) và truyền thông xã hội.
Giới trẻ, yêu công nghệ ở Đông Nam Á đã đón nhận truyền thông xã hội một cách nhiệt tình. Nhìn chung, khu vực này đã trở thành nơi sử dụng Facebook lớn nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới và Jakarta, thủ đô của Indonesia, đã giành được vương miện là thủ đô Twitter toàn cầu.
Ở Thái Lan, người dân tăng cường tiếp nhận thông tin trên các nền tảng mang tính quốc tế. Bình quân mỗi người dân dành hơn 8 giờ/ngày sử dụng các phương tiện cầm tay để tiếp cận thông tin. Theo thống kê mới nhất, hiện Thái Lan có hơn 19 triệu người theo dõi thông tin thời sự qua Facebook.
Trong khi đó, chia sẻ về thực tế hoạt động báo chí truyền thông Lào tại Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”, ông Aditta Kittikhoun, Hội Nhà báo Lào cho biết, hiện nay, người dân Lào phần lớn chuyển qua sử dụng MXH với sự áp đảo của Facebook và sự thâm nhập của thiết bị di động. Tại Lào, MXH là Internet và Internet là MXH, khi có tới 62% người dùng Internet tại nước này đang sử dụng MXH làm kênh thông tin trao đổi tin tức.
Năm 2013, Lào có sự xuất hiện của ngành báo chí dân sự khi mà mọi người đều có tiếng nói chia sẻ thông qua MXH. Điều này tạo thêm kênh cung cấp thông tin đại chúng với sự tham gia của mọi người dân. Tuy nhiên, nó tạo ra thách thức khi thông tin khó có thể kiểm chứng khi phần lớn người dùng vẫn là giới trẻ.
Như tình trạng chung ở các nước ASEAN, báo chí Indonesia cũng đang đối mặt với thách thức lớn trong thời đại kỹ thuật số. Theo ông Agus Sudibyo, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cơ quan phát thanh truyền hình (PTTH) công cộng TVRI thuộc Hội Nhà báo Indonesia, kinh tế báo chí đang suy giảm tại Indonesia khi nguồn thu đang bị các ông lớn công nghệ kiểm soát. Các nền tảng như Google và Facebook đang chiếm 80% thị phần tin tức, 70% doanh thu quảng cáo đồng thời thu thập dữ liệu người dùng, bán dữ liệu này cho các nhà quảng cáo.
Ông Agus Sudibyo khẳng định đó là tình trạng tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Các cơ quan báo chí và truyền thông MXH vừa là bạn, vừa là đối thủ cạnh tranh. Chính phủ và Hội Nhà báo Indonesia đã cố gắng xây dựng những điều luật mới về quyền xuất bản trên nền tảng số để hỗ trợ báo chí lành mạnh.
Thách thức của các nền tảng MXH được xem như một vấn đề lớn cần phải vượt qua ở hầu hết các quốc gia khác ở Đông Nam Á, theo nhiều khía cạnh khác nhau.
Như nhà báo cấp cao Maria Maralit của tờ The Malina Times (Philippines) cho rằng việc báo chí ồ ạt đưa thông tin lên MXH là một rủi ro lớn. Bên cạnh việc tiếp tục phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ, thì một rủi ro lớn là vấn đề “thông tin sai lệch”. Bà cho rằng: “Việc hoạt động trên các nền tảng MXH cũng tạo ra những thách thức, đặc biệt là kiểm soát thông tin sai lệch. Khi ngay cả các tổ chức tin tức lớn cũng có thể rơi vào cạm bẫy “câu view” trên các nền tảng này".
Trong khi đó, ông Khieu Kola, Cố vấn Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia (CCJ), cho biết các phương tiện truyền thông mới nổi, chẳng hạn như truyền thông công dân, truyền thông xã hội, đặc biệt là trên Facebook, đang phát triển mạnh. Và đây là một thách thức lớn với các tổ chức báo chí Campuchia khi mà quá trình CĐS báo chí ở nước này vẫn chưa thực sự phát triển.
Chia sẻ về vai trò và điều kiện chuyển đổi từ tòa soạn biên tập truyền thống sang mô hình tòa soạn số hội tụ, bà Mohamad Najiy Bin Muhammad Jefri, Thư ký Hiệp hội Các nhà báo Malaysia cho biết, sự xuất hiện của Internet, xuất bản số và truyền thông xã hội đã tạo ra một sân chơi mới, đặt các cơ quan báo chí trước 2 lựa chọn: Theo kịp hoặc mất độc giả.
“Chúng tôi không thể để mất độc giả của mình, vì vậy chúng tôi đã nỗ lực và chuyển đổi”, bà Muhammad Jefri nói.
Theo bà Jefri, việc xây dựng mô hình tòa soạn số đang mang lại rất nhiều cơ hội trong bối cảnh lượng độc giả báo in có xu hướng giảm, lượng khán giả xem truyền hình nhìn chung ổn định nhưng ngày càng già đi, còn thời lượng dành cho phương tiện truyền thông kỹ thuật số tăng lên nhanh chóng.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của phương tiện truyền thông di động, MXH ngày càng thể hiện vai trò là nguồn tin tức quan trọng khi ngày càng có nhiều người xem tin tức trên các nền tảng này.
Việc phân phối nội dung qua nền tảng của bên thứ 3 như công cụ tìm kiếm và MXH rõ ràng đang trở nên phổ biến và quan trọng, nhưng điều này cũng đặt ra những thách thức lớn cho các cơ quan báo chí khi bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Cần cơ chế quản lý hiệu quả hơn với các MXH
Để thành công trong công cuộc CĐS, các cơ quan báo chí phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, từ việc cơ cấu lại tổ chức, nhân sự và đặc biệt không ngừng cập nhật và ứng dụng công nghệ mới.
Tuy nhiên, có một thách thức chung mà mọi tổ chức báo chí trong khu vực, cũng như cả trên thế giới nói chung, là cần phải tạo ra được sự cân bằng trước sự “lấn át” của các nền tảng MXH và công nghệ đang phát triển như vũ bão.
Trước thực trạng đó, ông Agus Sudibyo, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cơ quan phát thanh truyền hình công cộng TVRI, Hội Nhà báo Indonesia đề xuất thành lập mạng lưới truyền thông ASEAN để hướng tới truyền thông bền vững; trong đó nhấn mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết vấn đề chung.
Đặc biệt ông Agus Sudibyo cho rằng một trong những cách quan trọng để bảo vệ báo chí là xây dựng các chế tài khiến các các MXH và công nghệ phải tuân thủ các quy định chung trong các hoạt động truyền thông và luật bản quyền, giúp báo chí không bị những gã khổng lồ như Facebook và Google chèn ép, thậm chí “đánh cắp” nội dung báo chí.
Tại Lào, sự phát triển của các kênh truyền thông xã hội cũng đang bùng nổ, qua đó khiến thông tin khó được kiểm soát. Chính phủ Lào nhận thức MXH là trung tâm để phân phối thông tin hiệu quả. “Chúng tôi thấy được sự ảnh hưởng gia tăng của công ty MXH trong hệ sinh thái truyền thông ở không chỉ Lào mà còn nhiều quốc gia khác”.
Dẫu vậy, theo chuyên gia Aditta Kittikhoun, Hội Nhà báo Lào, báo chí vẫn không thể né tránh các kênh truyền thông xã hội hay các nền tảng công nghệ mới, mà còn phải xem đây vừa là thách thức vừa là cơ hội. Ví dụ, việc mọi công dân đều có thể trở thành một phóng viên trong thời đại ngày nay cũng có nghĩa là báo chí sẽ có nhiều kênh thông tin để khai thác.
Trong số những đề xuất của mình, ông Aditta Kittikhoun cũng cho rằng những nhà làm chính sách các nước tại ASEAN nên hỗ trợ cho báo chí trong kỷ nguyên CĐS bằng cách đưa ra những quy định kiểm soát MXH, thông qua tăng thuế, kiểm duyệt thông tin sai lệch và kiểm soát các vi phạm bản quyền trên các nền tảng công nghệ.
Theo ông Aditta Kittikhoun, quá trình chuyển giao từ báo chí truyền thống lên trực tuyến thông qua các website và sau đó là MXH - tạo ra những cơ hội và thách thức nhất định. MXH vừa là kênh phân phối thông tin nhưng cũng vừa là đối thủ cạnh tranh của các công ty truyền thông; trùng lặp nội dung và giảm sự phát triển của các website. Trong khi đó, cơ hội là tạo ra hình thức truyền thông mới tiếp cận nhiều người hơn, tạo sự trao đổi mạnh mẽ hơn.
“Chúng ta cần có những hình thức quản lý các công ty MXH một cách hiệu quả hơn nhưng điều này chỉ có thể làm được nếu như chúng ta cùng nhau đồng lòng để có những nỗ lực chung”, ông Aditta Kittikhoun nhấn mạnh.
Theo đó, ông Aditta Kittikhoun, đề xuất 3 nhóm giải pháp bao gồm:
Đối với Chính phủ, ông Aditta Kittikhoun kiến nghị việc xây dựng một môi trường thuận lợi cho việc phát triển và đổi mới sáng tạo trong truyền thông; các Chính phủ, Liên hiệp báo chí cần hỗ trợ những cơ chế quản lý hiệu quả hơn với các MXH.
Đối với các cơ quan báo chí, ông cho rằng cần chủ động đầu tư vào công nghệ mới như AI, cân nhắc thử nghiệm các mô hình kinh doanh khác nhau, đa dạng hóa các kênh cung cấp thông tin.
Đối với công chúng, ông Aditta Kittikhoun kêu gọi người dân cần tư duy phản biện nhưng mang tính xây dựng với các hãng truyền thông.
Tại Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”, hầu hết các diễn giả, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đều nhận định rằng trước sức mạnh vượt trội của các nền tảng công nghệ toàn cầu, chúng ta không thể làm việc một mình, cần xây dựng mạng lưới và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực./.
Tài liệu tham khảo:
Kỷ yếu Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.