Jack Ma được biết đến là người sáng lập nên các sàn thương mại điện tử hàng trăm triệu người dùng gồm Alibaba, Taobao, Tmall, 1688 và nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay, điện toán đám mây,... Chẳng những là một trong “những người giàu nhất thế giới”, Jack Ma còn thường xuyên nằm trong top "những người quyền lực nhất thế giới".
Thành công là thế nhưng có lẽ ai cũng biết Jack Ma là vị tỷ phú khởi nghiệp từ con số 0, từng vô cùng chật vật trong học tập, xin việc lẫn khởi nghiệp. Và câu chuyện cuộc đời gian nan vất vả của ông luôn là nguồn động lực bất diệt truyền cảm hứng cho những ai muốn khởi nghiệp, làm giàu.
Cuộc đời nhiều “xui xẻo” của Jack Ma
Jack Ma sinh ngày 10/9/1964, tại Hàng Châu, Trung Quốc, trong một gia đình không mấy khá giả. Jack là người không hề có thành tích học tập nổi bậc, ông cực tệ môn toán và có vấn đề với những con số, thế nhưng lại rất giỏi tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1982, Jack Ma đã 2 lần rớt kỳ thi tuyển sinh đại học, lần đầu Jack chỉ đạt 1 điểm môn toán, lần 2 đạt 19 điểm toán và lần 3 ông mới có thể đậu đại học với điểm toán là 89.
Năm 1988, Jack Ma tốt nghiệp Học viện Sư phạm Hàng Châu (nay là Đại học Sư phạm Hàng Châu) chuyên ngành tiếng Anh. Jack cũng từng nộp đơn cho trường Đại học Harvard 10 lần và bị họ từ chối.
Sau quá trình học tập không mấy suôn sẻ Jack Ma lại tiếp tục gặp khó khăn khi đi xin việc. Jack nộp đơn cho 30 công việc khác nhau và đều bị từ chối. Jack Ma chia sẻ: “Tôi đã xin một công việc ngành cảnh sát, họ đã nói tôi không đủ tốt. Tôi đã tới KFC xin việc khi họ mở cửa ở thành phố của tôi, hai mươi tư người nộp đơn, hai mươi ba người đã được nhận, tôi là người duy nhất bị từ chối”.
Sau cùng, bằng những kiên trì bền bỉ Jack Ma có được công việc là giáo viên tiếng Anh tại một trường địa phương nơi ông sống với mức lương 12 USD/tháng. Và để chi trả cho cuộc sống, Jack phải nhận dịch và làm phiên dịch thêm ngoài giờ.
Lần đầu tiếp cận với Internet
Nhưng cũng giống như nhà bác học Albert Einstein từng nói: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”, và thương mại điện tử mới là sở trường của Jack Ma. Jack Ma đã từng nghe về internet vào năm 1994, nhưng mãi đến năm 1995 khi cùng một người bạn sang Mỹ ông mới được tìm hiểu nhiều hơn về lĩnh vực này.
Từ khoá đầu tiên mà Jack Ma tìm kiếm trên internet là “beer”, đã có rất nhiều các loại bia khác nhau hiện ra nhưng tuyệt nhiên không có bia của Trung Quốc. Jack tiếp tục tìm từ “china” và không hề có bất cứ kết quả nào về đất nước của ông. Vậy là Jack quyết định cùng một người bạn tạo ra website liên quan tới Trung Quốc. Website này ra mắt vào lúc 9:40 sáng và đến 12:30 trưa thì Jack nhận được mail của một vài nhà đầu tư muốn đầu tư vào Trung Quốc. Kết quả tuyệt vời này khiến Jack nhận ra internet chứa đựng những cơ hội kiếm tiền vô cùng tiềm năng.
Đến tháng 4/1995, Jack Ma cùng vợ và một vài người bạn thành lập website “China Pages”. Quyết định này của ông thuở đầu được cho là điên rồ khi người dân Trung Quốc hiếm khi được tiếp cận với internet, tuy nhiên bằng sự nỗ lực không ngừng và tài thương thuyết một số công ty đã đồng ý chi trả tới 20.000 Nhân dân tệ (khoảng 2.400 USD thời kỳ đó) cho những bản web của Jack Ma.
Trong vòng 3 năm số tiền thu về là 5.000.000 nhân dân tệ, tương đương 800.000 đô la Mỹ lúc bấy giờ. Khi nói về khoảng thời gian này, Jack Ma chia sẻ: "Tôi bị đối xử như kẻ lừa đảo trong suốt 3 năm đó”.
Thành lập Alibaba
Đến năm 1999 trong một căn hộ ở Hàng Châu, Jack Ma quyết định thay đổi lộ trình và bằng số tiền 60.000 USD ông cùng 17 người bạn đã thành lập mô hình thương mại điện tử Alibaba. Sự kiện này đánh dấu khởi đầu của một vị tỷ phú thế giới vài năm sau đó.
Lúc này internet đã phổ biến hơn tại Trung Quốc nhưng để mua hàng trên đây thì người ta vẫn còn rất nhiều e dè. Công ty của Jack Ma có 7 nhân viên và trong tuần đầu họ đã luân phiên nhau mua đi bán lại để chứng minh trang web có hoạt động. Sang tuần thứ hai bắt đầu có người đăng hàng lên bán trên trang web và Jack Ma đã mua lại toàn bộ sản phẩm này dù cho những món đồ đó ông chẳng hề dùng đến.
Thời điểm này có rất nhiều khó khăn ở trước mắt và không ai tin những gì Jack Ma đang làm nhưng ông luôn bền bỉ với Alibaba, thậm chí còn mang tham vọng khổng lồ rằng sẽ đưa "đứa con" của mình trở thành số một thế giới chứ không chỉ hoạt động riêng tại thị trường Trung Quốc.
Ấy thế mà bằng tài năng thương thuyết, Jack Ma đã kêu gọi đầu tư thành công từ Goldman Sachs với số vốn 5 triệu USD và 20 triệu USD từ SoftBank. Đến năm 2005, Yahoo đầu tư 1 tỷ USD vào Alibaba để đổi lấy 40% cổ phần công ty. Đến tháng 9/2014, Alibaba chính thức bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) và huy động được số vốn lên tới 25 tỷ USD.
Khi chia sẻ với giới doanh nghiệp về thành công của mình, Jack Ma đùa: “Thành công lớn nhất của tôi là giúp vợ có thể mua tôm, thịt, cá mà không cần phải… đi ra chợ”.
Thành lập Taobao, Tmall, 1688, Alipay, điện toán đám mây
Tiếp theo Alibaba, Jack Ma lên kế hoạch thành lập thêm trang mua sắm điện tử bán lẻ Taobao chỉ dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Dự án này của ông vấp phải nhiều phản đối vì khi ấy lợi nhuận của Alibaba vẫn chưa cao và việc làm này là khá mạo hiểm. Nhưng bằng sự kiên trì vào tháng 5/2003 Jack Ma cũng thuyết phục được tất cả và thành lập Taobao, thậm chí là ông đã đánh bại cả đối thủ eBay để đưa Taobao chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.
Tiếp nối thành công từ Taobao, Tmall (hay Taobao Mall) một nền tảng kinh doanh dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế bán hàng hoá có thương hiệu tiếp tục được ra đời vào tháng 4/2008. Sau đó sàn thương mại điện tử 1688 dành cho các nhà bán sỉ với giá rẻ với số lượng sản phẩm lớn cũng được thành lập.
Tháng 12/2004, Jack Ma ra mắt Alipay, một ứng dụng thanh toán trực tuyến bằng cách quét mã QR ở các cửa hàng, và Alipay cũng thanh toán được cho các cửa hàng online một cách dễ dàng. Cùng với WeChat Pay của Tencent, Alipay là một trong những nền tảng thanh toán lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.
Tháng 9/2009, Jack Ma tiếp tục cho ra mắt điện toán đám mây, mô hình kinh doanh này nhanh chóng phát triển và mang lại nguồn doanh thu to lớn, đứng thứ nhì trong các dự án của Jack Ma. Một số thông tin cho rằng trong tương lai điện toán đám mây sẽ trở thành mảng kinh doanh chính mà công ty hướng đến.
Các giải thưởng và thành tựu của Jack Ma
Trong suốt quá trình gây dựng đế chế thương mại điện tử khổng lồ cho mình vị tỷ phú Trung Quốc thường xuyên được gọi tên vào các danh sách những doanh nhân nổi bậc, quyền lực. Dưới đây chính là những giải thưởng, thành tựu mà ông chủ Alibaba được phong tặng trong thời gian qua.
- Năm 2005, được tạp chí Tuần lễ kinh doanh bình chọn là "Doanh nhân của năm" và lọt vào danh sách “25 doanh nhân quyền lực nhất châu Á”.
- Năm 2009, được tạp chí Times bầu chọn vào danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới” và lọt vào danh sách “Nhân vật kinh tế năm 2009 của CCTV: Lãnh đạo doanh nghiệp của giải thưởng thập kỷ”.
- Năm 2014, tạp chí Forbes đã gọi ông là người đàn ông quyền lực thứ 30 trên thế giới.
- Năm 2015, ông nhận giải thưởng “Doanh nhân của năm” tại lễ trao giải Asian Awards.
- Năm 2017, ông đứng thứ hai trong danh sách "50 nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới" hàng năm của tạp chí Fortune.
- Năm 2019, Forbes đã đưa tên ông vào danh sách "Anh hùng từ thiện của châu Á năm 2019".
Như chúng ta thấy, Jack Ma không phải một thiên tài, ông thậm chí còn là một người không hề may mắn, hay gặp xui xẻo, những thành công vượt bậc ngày hôm nay mà Jack có được là nằm ở sự kiên trì, bền bỉ, tầm nhìn, dám mạo hiểm và luôn có niềm tin vào những gì ông đang làm mà cháy hết mình với nó. Ngày 10/9/2019, nhân dịp sinh nhật lần thứ 55 Jack Ma từ chức chủ tịch điều hành sau 20 năm thành lập Alibaba và bắt đầu dành thời gian cho công tác từ thiện, nhường cơ hội lại cho người trẻ!