An toàn thông tin: Ưu tiên hàng đầu đối với chuyển đổi số doanh nghiệp

18/10/2023, 11:44

x110;ây là khẳng định được Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng đưa ra tại Hội thảo An toàn thông tin cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên chuyển đổi số vừa diễn ra sáng nay (18/10).

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới. Tại Việt Nam, trong những năm qua, nhiều văn kiện và nghị quyết của Đảng đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược; xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu".

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng

Tuy nhiên, để thực hiện được chuyển đổi số một cách hiệu quả, thực chất, đòi hỏi quá trình này phải được triển khai một cách tổng thể, toàn diện, phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng, đặc biệt là khâu bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin. Chính vì vậy, công tác bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số cần được đặc biệt chú trọng. Điều đó càng trở nên cấp bách hơn đối với mỗi doanh nghiệp bởi thông tin về sản phẩm, khách hàng, giao dịch tài chính và các dữ liệu quan trọng khác là tài sản vô cùng quý giá. Việc mất mát hay rò rỉ thông tin có thể gây thiệt hại lớn về uy tín, tài chính... cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.Theo Giám đốc Sở TT&TT, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua quá trình chuyển đổi số đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng trân trọng như trong kết nối chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng dữ liệu số; số hóa dữ liệu. Quá trình chuyển đổi số đã tạo nên sự thay đổi đồng bộ về nhận thức và hành vi của cả cộng đồng.

Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện CNTT (Đại học Quốc gia Hà Nội), ông Lê Quang Minh cho rằng, ở thời điểm hiện tại, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng nguy cơ mất an toàn thông tin cũng đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn thông tin cần được đặc biệt chú trọng. Điều đó càng trở nên cấp bách hơn đối với mỗi doanh nghiệp.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Hiện Việt Nam đang là một trong những "điểm đến ưa thích" của tin tặc trên thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2022, tổng thiệt hại từ các vụ tấn công gây mất an toàn thông tin của Việt Nam đã lên tới 21.000 tỷ đồng, tương đương 830 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng tăng 37,82% so với giai đoạn sáu tháng cuối năm 2022. Nạn nhân là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng… để lại hậu quả nghiêm trọng về cuộc sống, tài chính và tinh thần.

Cũng chính từ sự mất an toàn này khiến người dùng rất dè dặt khi sử dụng những dịch vụ số, trực tuyến, từ đó hạn chế đáng kể những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cũng như ảnh hướng lớn đến những doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số. Do đó, không chỉ riêng các doanh nghiệp số mà ngay cả doanh nghiệp thông thường cũng cần đặt vấn đề an toàn an ninh mạng lên hàng đầu. Cần luôn luôn cảnh giác cao độ để kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh, có sẵn kịch bản phối hợp với cơ quan nhà nước - doanh nghiệp bảo mật nhằm đối phố ngay lập tức nếu có vấn đề về an ninh mạng... ông Lê Quang Minh đưa ra lời khuyên.

Đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, Trưởng phòng CNTT, Công ty Giải pháp không gian Việt Nam, Bùi Huy Hoàng cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) là lựa chọn hàng đầu. AI đang thể hiện được nhiều điểm vượt trội như: Giảm sát thời gian thực từ đó nhanh chóng xác định và phản ứng trước các mối đe doạ mới nổi; Đánh dấu và điều tra sự bất thường trong dữ liệu, cung cấp cảnh báo sớm cho các sự cố bảo mật tiềm năng; Thực hiện các nhiệm vụ phân tích dữ liệu ở một tốc độ và quy mô mà con người không thể đạt được, giúp các chuyên gia an ninh tập trung vào các khía cạnh phức tạp và chiến lược hơn trong lĩnh vực an toàn thông tin; Có thể xử lý và phân tích hiệu quả các bộ dữ liệu khổng lồ, phù hợp với lượng dữ liệu về mối đe doạ mạng đang tăng lên hàng ngày ...

Để triển khai hiệu quả AI cho quá trình đảm bảo an toàn thông tin, doanh nghiệp cần có đánh giá toàn diện về hạ tầng hạ tầng an ninh thông tin hiện tại của của đơn vị, bao gồm công cụ, chính sách và thực tiện, để xác định điểm mạnh, điểm yếu và các lĩnh vực mà trí tuệ nhân tạo có thể đem lại giá trị. Bên cạnh đó là xác định các mục tiêu cụ thể cho việc triển khai AI, chẳng hạn như giảm thiểu các thông báo sai, nâng cao việc phát hiện mối đe doạ, hoặc tự động hóa phản ứng trước các sự cố. Việc chọn các công nghệ và công cụ AI thích hợp cũng là điều rất cần thiết. Ngoài ra việc đầu tư vào đào tạo và xây dựng kiến thức cho đội ngũ bảo mật của doanh nghiệp cũng là yếu tố rất quan trọng, ông Bùi Huy Hoàng nói.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO