Nhận định trên được ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đưa ra trong phát biểu tại hội nghị bàn tròn cấp cao Lãnh đạo CNTT và An toàn thông tin năm 2022, được Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT, Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) và IEC Group phối hợp tổ chức chiều ngày 21/9 tại TP.HCM.
Với chủ đề “Tối ưu nguồn lực - Tăng cường hiệu quả đầu tư an toàn thông tin trong kỷ nguyên số”, các đơn vị tổ chức sự kiện hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực tổ chức ứng phó, phát hiện sớm các nguy cơ và bảo vệ các hệ thống thông tin trong các lĩnh vực quan trọng.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương (Ảnh: Quỳnh Bùi) |
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, trong xu thế phát triển, có 3 quá trình chuyển đổi quan trọng, đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động, từ chưa có kỹ năng hay kỹ năng thấp sang có kỹ năng, trình độ cao hơn.
Trong quá trình chuyển đổi số, vấn đề rất quan trọng chính là bảo đảm an toàn, an ninh mạng. “Khi thực hiện chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng là 1 trụ cột, 1 nội dung rất quan trọng để tạo niềm tin số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Nếu không bảo đảm được an toàn, an ninh mạng thì quá trình chuyển đổi số cũng không thể thu được thành công như mong muốn”, ông Nguyễn Đức Hiển chia sẻ quan điểm.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phúc, Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) cho hay, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số đang diễn ra mạnh mẽ. Mỗi ngày trung bình 1 người Việt Nam trực tuyến trên Internet gần 7 tiếng.
“Thời lượng này sẽ tiếp tục tăng, tạo ra thách thức vô cùng lớn cho những người chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng. Chỉ cần một sự cố an toàn, an ninh mạng nghiêm trọng có thể là ngưng trệ chương trình chuyển đổi số của cả một ngành, một địa phương, một doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Phúc nói.
Ông Nguyễn Thành Phúc cũng thông tin, trên thế giới mỗi ngày có khoảng 900 cuộc tấn công mạng và 40 điểm yếu lỗ hổng bảo mật an toàn thông tin, chuỗi cung ứng tấn công có chủ đích, mã độc, tống tiền và nguy cơ tin tặc xâm nhập hệ thống các doanh nghiệp sẽ gia tăng.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, nguy cơ mất an toàn thông tin rất rõ ràng, nhưng phần lớn tổ chức, doanh nghiệp chưa triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin (Ảnh minh họa) |
Xu hướng chuyển dữ liệu và ứng dụng sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây đã rõ ràng. Điện toán đám mây đang tạo ra các mối đe dọa mới về an toàn, an ninh mạng. Một nghiên cứu đã công bố gần đây cho thấy gần 80% công ty tham gia khảo sát đã gặp vấn đề rò rỉ dữ liệu tấn công mạng trên đám mây; trong đó 43% doanh nghiệp báo cáo đã có hơn 10 lần dữ liệu bị xâm phạm.
Dự đoán số vụ tấn công DDos sẽ tăng gấp đôi, từ con số 7,9 triệu vụ được phát hiện vào năm 2018 tới hơn 15 triệu vụ vào năm 2023. Trung bình mỗi giờ ngừng truy cập Internet của các tổ chức, doanh nghiệp có thể thiệt hại khoảng từ 300.000 USD tới 1 triệu USD. Vì thế, chỉ cần một cuộc tấn công DDos ngắn cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.
“Nguy cơ mất an toàn thông tin rất rõ ràng, nhưng phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp chưa triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin để giảm thiểu rủi ro. Vì thế, tôi đề nghị lãnh đạo CNTT, an toàn thông tin của các tổ chức triển khai bảo đảm an toàn hệ thống thuộc phạm vi quản lý của mình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 14 năm 2019 và Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia”, ông Nguyễn Thành Phúc đề nghị.
Ông Robert Trọng Trần nhấn mạnh quan điểm, chiến lược an ninh mạng cần gắn với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức. |
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Robert Trọng Trần, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn, Lãnh đạo mảng rủi ro công nghệ và an ninh mạng của EY Việt Nam cho biết, theo khảo sát, 81% các lãnh đạo trên toàn cầu phản hồi đại dịch Covid-19 đã bắt buộc các doanh nghiệp phải bỏ qua các quy trình an toàn bảo mật cần thiết, trong khi các cuộc tấn công mạng đang diễn ra nhiều hơn theo phản hồi từ 77% số người tham gia khảo sát.
“Đây cũng là lý do vì sao EY luôn nhấn mạnh rằng chuyển đổi số phải được thúc đẩy bởi an ninh mạng. Việc có 1 chiến lược an ninh mạng rõ ràng sẽ cho phép các tổ chức tiến nhanh và tự tin trong môi trường đầy nguy cơ và thách thức như hiện nay”, ông Robert Trọng Trần nói.
Khẳng định quan điểm an ninh mạng phải luôn song hành cùng chuyển đổi số, đại diện Viettel Cyber Security cho rằng, cần xác định và ưu tiên đưa nguồn lực an toàn thông tin vào cùng với lực lượng chuyển đổi số; phát triển hệ sinh thái sản phẩm theo định hướng tích hợp đồng bộ trên 1 nền tảng quản trị duy nhất; đồng thời đồng bộ mô hình đầu tư các dự án chuyển đổi số với các dự án bảo đảm an toàn thông tin cũng như tăng cường năng lực phòng thủ bằng công nghệ.
Bên cạnh đó, đại diện Viettel Cyber Security cũng đưa ra khuyến nghị về việc xây dựng mô hình chuyển đổi số cân bằng, vững chắc và an toàn giữa 3 bên gồm chủ đầu tư, đối tác chuyển đổi số và đối tác an toàn thông tin.
Vân Anh