Cần sớm siết chặt quản lý Tiktok
TikTok được coi là ứng dụng thành công nhất đến thời điểm hiện tại, nổi lên như một hiện tượng và thu hút hàng tỷ người dùng. Tốc độ tăng trưởng đáng gờm của TikTok khiến không ít "ông lớn" mạng xã hội khác phải e dè. Các video TikTok thường có tốc độ lan truyền nhanh và có nhiều lượt xem trên internet.
Thế nhưng, ứng dụng này lại liên tiếp bị nhiều quốc gia xử phạt, cảnh báo vì tự động thu thập dữ liệu người dùng, nội dung "độc hại", gây nghiện ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người dùng.
Cụ thể, TikTok có xu hướng cho phép các trình theo dõi của bên thứ ba thu thập dữ liệu người dùng, từ sự tương tác với các bài đăng, cho đến thời gian đăng bài, vị trí thực hay thậm chí là cả thông tin cá nhân.
Không những vậy, cùng với thuật toán lan truyền của TikTok, giới trẻ tiếp cận nhiều với những video "độc hại" với nội dung nhảm nhí, gây sốc, thậm chí đi ngược với thuần phong mỹ tục, văn hóa thường thức. Việc mải mê chạy theo những trào lưu, trend trên TikTok khiến không ít bạn trẻ chán nản với hiện tại, tìm kiếm sự thỏa mãn trên ứng dụng ảo, dần ảo tưởng về chính mình và bất chấp tất cả, thậm chí là sức khỏe, tính mạng để “câu” view, tăng tương tác.
Trước thực trạng này, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cho rằng, các cơ quan quản lý cần hợp tác với TikTok để siết chặt nội dung, cho phép phía cơ quan chức năng có quyền xoá, chặn các nội dung xấu độc. Đồng thời cung cấp khả năng truy vết, siết chặt từ khoá, khoá chặn và truy vết tài khoản cố tình đăng tải thông tin xấu độc, tin giả, câu view nhảm nhí bất chấp trên nền tảng.
Bên cạnh đó, thời gian qua, rất nhiều Tiktoker đã bị xử phạt hành chính liên quan đến việc đăng tải các nội dung này. Tuy nhiên, số lượng xử lí cũng như số tiền xử phạt còn nhỏ so với số tiền nhận được từ quảng cáo, cho nên nhìn chung chế tài còn chưa đủ sức răn đe. Do đó, thời gian tới, cũng cần nghiên cứu để tăng cường xử lí cũng như nâng chế tài xử phạt.
Cũng theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, nền tảng nào cũng ẩn chứa những nguy cơ thông tin xấu độc chứ không riêng gì Tiktok. Quan trọng là “bộ lọc” của người dùng. Người dân cần trở thành những người dùng thông minh, tự trang bị bộ lọc thông tin, theo dõi thông tin các nội dung trên các trang chính thống, truyền hình để cập nhật tin tức.
Khi đã sử dụng Titok, cũng cần “điều hướng” đến các trang uy tín, chia sẻ thông tin tích cực, học tập, nghiên cứu,… Chuyên gia cũng khuyến cáo người dân có thể truy cập một vài trang web như: tingia.gov.vn, canhbao.ncc.gov.vn để báo cáo các nội dung xấu độc, fakenew, góp phần thanh lọc nội dung trên nền tảng.
"Về mặt quản lí, tại Trung Quốc, các nội dung được đề xuất đều mặc định là các nội dung tốt, không đưa ra bất cứ nội dung xấu độc nào bởi Trung Quốc kiểm soát được hết toàn bộ nội dung trên nền tảng này, trong khi lượng người dùng tại quốc gia này rất lớn. Do đó, Việt Nam hoàn toàn cũng có thể làm được giống như Trung Quốc nếu siết chặt được nội dung trên Tiktok. Theo đó, chuyên gia nhấn mạnh giải pháp hợp tác chặt chẽ, triệt để và toàn diện với Tiktok để có phương án quản lí nền tảng mạng xã hội này là điều phải làm. Nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong thời gian tới, việc Tiktok mặc sức tung hoành nội dung xấu độc, sử dụng thông tin người dùng là điều không thể ngăn chặn", chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu bày tỏ.
Phải kiểm soát được nguồn hàng
Theo báo cáo của Nền tảng Số liệu Thương mại Điện tử dành cho Doanh nghiệp, Thương hiệu và Nhà bán (Metric), cuối năm 2022, doanh thu của TikTok tương đương 80% doanh thu của Lazada, gấp 4 lần Tiki. Nền tảng này đang là “mảnh đất màu mỡ” đối với nhà bán lẻ hay doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh, bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, TMÐT nói chung và TikTok nói riêng còn phải đối mặt với nhiều hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp; sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.
Trước thực trạng đó, trong quý I/2023, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử.
Một trong những mục tiêu của Đề án là 100% sàn thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả, 100% tổ chức cá nhân kinh doanh trên các sàn được tuyên truyền, phổ biến quy định và 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong năm 2023, Tổng cục QLTT chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố xây dựng phương án thực hiện hoặc chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trong thương mại điện tử; đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, nhất là kinh doanh trên môi trường mạng; hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng…
Theo ông Linh, thương mại điện tử chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch… Do đó, để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, giữa các cơ quan bộ ngành liên quan như Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính (Hải quan, Thuế), Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng nhà nước,v.v.. cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu hoặc đấu tranh phát hiện sớm các hành vi vi phạm liên quan tới các vấn đề gian lận thương mại, trốn thuế…
"Đặc biệt, đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trên mặt trận này, trước hết, người dân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không “tiếp tay” cho các đối tượng gây lũng đoạn thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, từ đó, cũng là bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng, giúp thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh", ông Linh chia sẻ.
Người dùng cần cân bằng cuộc sống thực với thế giới ảo
Không chỉ có những vấn đề về thông tin cá nhân, mua bán hàng hóa, sự lan toả quá nhanh của TikTok như con dao 2 lưỡi đối với sức khỏe tâm lý không ít người dùng, đặc biệt là khi tỷ lệ người dùng ngày càng "trẻ hóa".
Lứa tuổi trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng TikTok ngày một nhiều. Theo thống kê, người dùng TikTok tại Việt Nam tập trung cao ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi. Một thống kê khác cũng chỉ ra rằng lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS chuyên gia Tâm lý Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để tránh TikTok nói riêng và các mạng xã hội khác nói chung ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ, theo chuyên gia tâm lý, vai trò giáo dục của cha mẹ vô cùng quan trọng. Gia đình cần kết hợp với nhà trường cùng giáo dục các con kĩ năng tự bảo vệ mình trong môi trường thực và môi trường mạng.
Nên trang bị cho trẻ kĩ năng sống an toàn trên mạng cũng như năng lực tư duy phản biện từ sớm. Cần có những chương trình phổ biến của nhà nước nâng cao năng lực không chỉ cho trẻ mà cho cả bố mẹ để giúp trẻ sử dụng không gian mạng an toàn.
Không chỉ với trẻ em, ngay cả những người lớn có đầy đủ năng lực tư duy và nhận thức cũng có thể bị "thao túng tâm lý" bởi những "thủ thuật" của mạng xã hội này. Sự "thao túng" thể hiện qua việc thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan, coi trọng chủ nghĩa vật chất, coi nhẹ việc học hành, nó cũng như cách thức "ru ngủ" ý chí của mọi người không cần cố gắng, phấn đấu, rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp; cách nhìn về thế giới xung quanh trở nên méo mó. Người xem dần bị lệ thuộc vào mạng xã hội ảo mà bỏ bê cuộc sống đời thực, không cố gắng phát triển bản thân.
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ, đối với người trẻ, việc sử dụng TikTok để giải trí, làm việc,.. không xấu. Tuy nhiên, người dùng TikTok cần cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới ảo, chọn lọc thông tin tiếp cận để tránh những tác động tiêu cực không đáng có đến tâm lý, sức khỏe và cuộc sống.