Ẩn họa từ các nhóm ảo tiêu cực trên mạng xã hội

22/04/2022, 09:14

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều hội, nhóm với tên gọi tiêu cực như: "Hội những người muốn tự tử", thu hút đông đảo sự chú ý của các bạn trẻ.

“Rủ nhau” tìm đến cái chết

Chỉ cần vào mục tìm kiếm trên Facebook và đánh từ khóa "tự tử", ngay lập tức sẽ hiện ra hàng loạt hội nhóm với tên gọi như: "Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử", "Hội những người muốn tự tử", "Những người muốn chết”...

Các hội nhóm kín có số lượng thành viên từ vài ngàn người đến cả vài chục ngàn người tham gia, bàn luận sôi nổi về các chủ đề liên quan đến trầm cảm, rối loạn lo âu, chán sống,…Hầu hết các tài khoản tham gia những nhóm kín này đều ẩn danh, biến đây thành nơi giao lưu, chia sẻ những thông tin tiêu cực, chán chường.

Thậm chí, nhiều tài khoản còn thường xuyên đăng tải những bài viết chán sống, tìm cách tự tử và sẵn sàng lôi kéo những người khác tham gia. Có người vì áp lực công việc, người vì áp lực học hành, gia đình hay chuyện tình cảm... không thể giải quyết từ đó hình thành nên suy nghĩ muốn tự tử để chấm dứt mọi thứ.

Tài khoản Trần N đăng tải câu hỏi: "Có ai biết cách nào mà tự tử không đau không chứ em áp lực quá. Áp lực việc học. Áp lực gia đình. Áp lực bạn bè". Một tài khoản khác lại đăng tải: "Ai uống thuốc gì để đi nhẹ nhàng không…thực sự rất cần. Nghiêm túc".

Một số thành viên khác thì lại chia sẻ những câu chuyện cá nhân, bày tỏ những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Tài khoản D.N chia sẻ: "Ban đêm lúc người khác đang ngủ ngon thì bán mạng kiếm tiền cho gia đình. Lúc bị tai nạn thì bị chửi là ăn hại. Hy sinh con đường đại học vì mẹ muốn dành hết tiền để đứa em sau này đi du học. Ý kiến thì bị chửi là thằng khốn nạn, ganh tị từng tí với em mình. Chẳng hiểu cuộc sống có ý nghĩa gì nữa".

Trong các hội nhóm, những thông tin chia sẻ đã nhận được khá nhiều bình luận của các thành viên. Bên cạnh những lời động viên, đồng cảm, có không ít ý kiến khá tiêu cực như "đừng hi vọng thay đổi phụ huynh, họ chỉ quan tâm sĩ diện của bản thân mình", "thích chết thì thiếu gì cách, sống mà như chết thì chết quách cho xong"…

Ẩn họa từ các nhóm ảo tiêu cực trên mạng xã hội
Hội “Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử” có đến hơn 20 nghìn thành viên

Điều đáng nói, các bài viết bày tỏ sự chán sống, rủ nhau cùng tự tử chung xuất hiện nhan nhản. Bên dưới phần bình luận, các comment tiêu cực cũng xuất hiện dày đặc, bày đủ mọi cách để “ra đi” nhẹ nhàng như dùng thuốc ngủ, nhảy xuống sông, hoặc dùng xăng đốt…

Ngoài những bài viết bàn luận đến chủ đề tự tử, các thành viên cũng thường xuyên chia sẻ những câu chuyện cá nhân, gia đình…mang đầy sự tiêu cực nhằm tìm kiếm sự chia sẻ, người tâm sự. Trong số đó, cũng không ít những thành viên tuổi đời còn rất trẻ đã bày tỏ ý định muốn chết chỉ vì thầy cô cho điểm kém, bố mẹ không hiểu mình…

Nhóm ảo, hậu quả thật

Không chỉ xuất hiện các nhóm ảo tiêu cực như "Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo au, muốn tự tử", "Hội những người muốn tự tử", "Những người muốn chết”, gần đây, nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” là một trong những nhóm rác đang “làm mưa làm gió” với vụ việc một vài thành viên nhóm rủ nhau đi cướp ngân hàng.

Từ một nhóm tưởng chừng chỉ để giải trí, đăng tải những hình ảnh, trạng thái vui vẻ thì nay lại thành một điểm tập kết online cho những người xấu muốn làm liều. Đến thời điểm hiện tại, nhóm này đã thu hút hơn 4.000 thành viên, chủ yếu là các thành phần ăn chơi lêu lổng, không có công việc cụ thể, nợ nần do cờ bạc, cá độ...

Ẩn họa từ các nhóm ảo tiêu cực trên mạng xã hội
Hai đối tượng Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Thanh Tùng khai quen nhau trên nhóm “Hội những người vỡ nợ thích làm liều”

Theo quan sát của phóng viên, trên nhóm này thường xuyên đăng những bài viết với nội dung trốn nợ, tụ tập đánh nhau, hay rủ nhau đi trộm, cướp. Cứ sau mỗi trạng thái về nợ nần được đăng tải sẽ có những bình luận theo chiều hướng xấu như đánh bạc để gỡ, hay rủ nhau đi tự tử để trốn nợ, thậm chí đi cướp để lấy tiền trả nợ...

Từ những lời khuyên, rủ rê qua nhóm, một số thành viên đã móc nối với nhau để thực hiện những hành vi phạm pháp ngoài đời thật. Mới đây, Công an Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng dùng dao và súng giả xông vào một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận bắc Từ Liêm để cướp 500 triệu đồng. Hai đối tượng gây ra vụ cướp táo tợn này là Trần Văn Hiếu (SN 1991, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chủ mưu và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Tại Cơ quan công an, hai đối tượng khai nhận, khoảng giữa tháng 2, thông qua nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội Facebook, Hiếu và Tùng quen biết nhau. Cả hai đều không có nghề nghiệp ổn định và đang nợ tiền của nhiều người nhưng không có khả năng trả nên nảy sinh ý định cướp tài sản để trả nợ.

Mục tiêu chúng nhắm đến là ngân hàng. Do trước đó, Hiếu từng đến phòng giao dịch Ngân hàng Vietinbank nằm trên địa bàn phường Xuân Tảo để hỏi thủ tục vay tiền, thấy có ít nhân viên và người đến giao dịch, Hiếu quyết định chọn địa điểm giao dịch này và rủ Tùng đi cướp.

Ngay sau khi hai đối tượng cướp ngân hàng này bị sa lưới, trên nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” có luôn dòng trạng thái đầy cảm thán: "Và, thế là có hai anh em của hội chúng ta thất bại rồi anh em à".

Ẩn họa từ các nhóm ảo tiêu cực trên mạng xã hội
PGS.TS Trần Thành Nam

Liên quan đến những hội nhóm tiêu cực, độc hại trên mạng xã hội Facebook, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng: Những hội nhóm trên Facebook thường xuyên chia sẻ thông tin liên quan đến việc tự tử, độc hại hoàn toàn không phù hợp với nguyên tắc trong bộ nguyên tắc ứng xử trên mạng, đồng thời vi phạm những điều khoản trong Luật An ninh mạng. Đây là những hành vi không hợp pháp và hoàn toàn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nói về nguyên nhân các nhóm độc hại nhan nhản xuất hiện trên mạng xã hội, chuyên gia tâm lí cho rằng, một phần do chúng ta đang phát triển nền kinh tế số, những thể chế về mặt pháp luật giám sát chưa chặt nên một bộ phận có ý thức xã hội kém, thiếu hiểu biết pháp luật đã lợi dụng tâm lí để tạo ra các nhóm độc hại này.

Bên cạnh đó, bộ phận lớn những thanh niên không được giáo dục về những giá trị tích cực, họ thấy những nhóm này phù hợp với giá trị bên trong mình nên sẵn sàng tham gia, bàn luận…Dẫn đến những nhóm độc hại này liên tục phát triển về số lượng thành viên, bỗng dưng có “quyền lực” và cách thức thao túng tâm lí người khác.

Do đó, đối với không gian mạng, mỗi người cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia vào hội nhóm và nên tỉnh táo rời đi nếu cảm thấy đây là môi trường không lành mạnh. Bởi có thể một ngày, nếu thành viên tham gia không làm chủ bản thân, những hội nhóm này sẽ là "con dao hai lưỡi" gây ra những hậu quả đáng tiếc.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO