Xu hướng nền kinh tế số: 51% người lao động trí óc làm việc từ xa vào cuối năm 2021

09/08/2021, 10:09

Covid-19 đã thúc đẩy nền kinh tế số phát triển với tốc độ chóng mặt, xu hướng người lao động làm việc từ xa cũng tăng đáng kể. Dự kiến 51% lao động trí óc làm việc từ xa vào cuối 2021

Ảnh: ISB-Global

Phát triển thị trường CNTT cho nhân viên làm việc từ xa

Đại dịch Covid-19 hoành hành đã thúc đẩy nền kinh tế số phát triển với tốc độ rất nhanh. Theo nghiên cứu thị trường toàn cầu mới nhất của hãng Gartner, 51% người lao động trí óc trên toàn cầu sẽ làm việc từ xa vào cuối năm 2021. Con số này tăng so với mức 27% lao động trí óc làm việc linh hoạt vào năm 2019.

Ngoài ra, các nhà phân tích của Gartner cũng ước tính rằng số lượng nhân viên làm việc từ xa có thể chiếm 32% tổng số nhân viên trên toàn thế giới vào cuối năm 2021. Con số này tăng đáng kể so với mức 17% của năm 2019.

Gartner định nghĩa lao động trí óc là những người tham gia vào các công việc cần nhiều tri thức như nhà văn, kế toán hoặc kỹ sư. Gartner định nghĩa nhân viên làm việc từ xa là những nhân viên làm việc xa công ty, chính phủ hoặc văn phòng ít nhất một ngày trong tuần hoặc những người làm việc hoàn toàn ở nhà.

Ranjit Atwal, Giám đốc nghiên cứu cấp cao của Gartner cho biết: “Lực lượng lao động từ xa sẽ là tương lai của nền kinh tế, với nhân viên làm việc từ xa và tại chỗ đều có cùng một giải pháp để tối ưu hóa nhu cầu lực lượng lao động của người sử dụng lao động”.

Làm việc từ xa đã thay đổi đáng kể trên khắp thế giới tùy thuộc vào việc áp dụng công nghệ thông tin, văn hóa và sự kết hợp của các ngành khác nhau.

Vào năm 2022, 31% người lao động trên toàn thế giới sẽ làm việc từ xa. Hoa Kỳ là nước có số lượng người lao động từ xa nhiều nhất, chiếm 53% lực lượng lao động tại nước này.

Trên toàn châu Âu, lao động từ xa của Vương quốc Anh sẽ chiếm 52% lực lượng lao động vào năm 2022, trong khi lực lượng lao động từ xa ở Đức và Pháp sẽ lần lượt chiếm 37% và 33%.

Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đào tạo số lượng lớn lao động làm việc từ xa, nhưng tỷ lệ lao động từ xa so với tổng thể của họ vẫn tương đối thấp, lần lượt là 30% và 28%.

Theo đánh giá của Gartner, tác động lâu dài của công việc từ xa dẫn đến việc định hình lại cơ sở hạ tầng CNTT khiến các yêu cầu của doanh nghiệp mua thiết bị công nghệ tăng cao - xu hướng chuyển đổi số mới.

Các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số sẽ đóng một vai trò lớn trong các nỗ lực chuyển đổi số của cách doanh nghiệp trên toàn thế giới. Xu hướng chuyển đổi số này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư vào việc triển khai công nghệ tiên tiến từ xa cùng với các công nghệ mới như siêu tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ cộng tác để tạo ra sự linh hoạt cũng như nâng cao hiệu quả làm việc của doanh nghiệp.

Lực lượng lao động từ xa sẽ tiếp tục làm tăng nhu cầu về máy tính cá nhân (PC) và máy tính bảng đa phương tiện. Vào năm 2021, lô hàng PC và máy tính bảng lần đầu tiên trong lịch sử vượt quá 500 triệu chiếc, điều này phản ánh nhu cầu làm việc đã tăng lên đáng kể trong năm qua.

Phát triển ứng dụng cho nhân viên làm việc từ xa

Các tổ chức và doanh nghiệp cũng triển khai dịch vụ điện toán đám mây để nhanh chóng cho phép nhân viên làm việc từ xa một cách dễ dàng hơn. Gartner dự báo chi tiêu trên toàn thế giới cho các dịch vụ đám mây sẽ tăng 23,1% vào năm 2021. Ngoài ra, các CIO (Chief Information Officer) và các giám đốc CNTT vẫn tiếp tục ưu tiên các ứng dụng được phân phối trên đám mây, chẳng hạn như phần mềm dạng dịch vụ (SaaS). Các công cụ, dịch vụ họp trực tuyến sẽ tiếp tục là thứ "cần phải có", với mức doanh thu trên toàn thế giới tăng 17,1% vào năm 2021.

Đến năm 2024, ít nhất 40% các hoạt động truy cập từ xa sẽ được thực hiện trên các mạng không tin cậy (ZTNA) - con số này tăng từ mức dưới 5% vào cuối năm 2020. Từ đó các CIO và CTO sẽ cân nhắc lại chi tiêu dịch vụ mạng, dữ liệu và đầu tư thiết bị máy tính có kết nối đầu cuối an toàn cho nhân viên của họ, đồng thời cập nhật khả năng bảo mật trên các ứng dụng làm việc của họ.

Theo Digital Lifescapes

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO