Vừa mới lập, nhóm "Nông sản Vĩnh Long" đã tiêu thụ hơn 200 tấn nông sản bằng công nghệ số giúp nông dân

10/08/2021, 10:38

Sau hơn 10 ngày kết nối thông qua các trang mạng xã hội và website, nhóm Nông sản Vĩnh Long đã đưa được hơn 200 tấn nông sản đi tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.

Mô hình mới này đang giúp kết nối tiêu thụ nông sản khá hiệu quả trong điều kiện các tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay.

Tiêu thụ hơn 200 tấn nông sản

Anh Trương Thanh Phong, quản trị của Nhóm Nông sản Vĩnh Long cho biết bản thân là một người con của Vĩnh Long, đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

Anh Phong kể, khi 19 tỉnh thành phía Nam, trong đó có tỉnh Vĩnh Long, thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn.

Nông dân Vĩnh Long thu hoạch khoai lang ở trên đồng. Ảnh: Nhóm Nông Sản Vĩnh Long

Người dùng ở nhiều nơi, nhất là TP.HCM, Bình Dương... khó tiếp cận thực phẩm hoặc phải mua với giá cao. Trong khi ở các tỉnh thành, nông sản đến mùa thu hoạch lại không bán được.

"Nông sản mà đổ bỏ đồng nghĩa nông dân phải... đổ nợ", anh Phong nói.

Từ đó, anh Phong và những người bạn quyết định tạo ra cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp và các mạnh thường quân.

Cầu nối sẽ là nơi giúp khách hàng mua được nguồn nông sản với giá cả hợp lý, chất lượng để phục vụ công tác thiện nguyện, chi viện các khu cách ly, phong tỏa; nhất là ở TP.HCM.

Thậm chí, các doanh nghiệp cũng có thể mua để bán lại với giá phải chăng. Và bà con nông dân có thể giải quyết được đầu ra mà không bị thương lái ép giá.

"Đó là lý do mà Nhóm Nông Sản Vĩnh Long ra đời. Nhóm hoạt động trên nền tảng của mạng xã hội zalo, facebook và website", anh Phong nói.

Anh Trương Thanh Phong (giữa), quản trị của Nhóm Nông sản Vĩnh Long. Ảnh: Trương Phong.

Trên mạng zalo, Nhóm thu hút hơn 600 lượt thành viên. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng hoạt động, quản trị Nhóm đã tuyển lựa lại, còn khoảng 400 thành viên hoạt động tích cực.

Nhu cầu kết nối vẫn còn nhiều nhưng nhóm zalo chỉ có thể duy trì 1.000 thành viên. Việc giữ lại những thành viên tích cực là nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động của nhóm.

Các thành viên khác muốn kết nối với Nông Sản Vĩnh Long vẫn có thể tham gia thông qua trang facebook, nơi số lượng thành viên không hạn chế.

Người dùng dễ dàng đăng ký thành viên nhóm zalo thông qua mã QR Code hoặc trang facebook cùng tên: Nhóm Nông Sản Vĩnh Long.

Ngoài ra, Nông Sản Vĩnh Long còn có một nhóm riêng dành cho các doanh nghiệp vận chuyển. Nơi đây sẽ dành cho các đơn vị thu mua được đánh giá là uy tín để trao đổi thông tin.

Thông qua các đơn vị này, chi phí vận chuyển được tính toán tiết kiệm nhất cho các bên. Vì một chuyến xe từ Vĩnh Long lên TP.HCM chở khoảng 3 tấn hàng trở lên nhưng nhiều khách chỉ đặt mua khoảng vài trăm ký.

"Gom nhiều đơn hàng lại để vận chuyển một lần, tính bình quân, mỗi người chỉ tốn khoảng 1.000 đồng/kg nông sản cho chi phí vận chuyển", anh Phong giải thích.

Sau hơn 10 ngày đi vào hoạt động (nhận đơn hàng đầu tiên vào ngày 28/7), đến nay, Nhóm Nông Sản Vĩnh Long đã tham gia kết nối tiêu thụ được cho bà con khắp tỉnh Vĩnh Long hơn 200 tấn nông sản các loại.

Trong đó có khoảng 100 tấn khoai lang, 60 tấn dưa leo; 40 tấn trái cây các loại cùng hơn 10 tấn các mặt hàng nông sản khác.

Xe vận chuyển nông từ Vĩnh Long lên TP.HCM. Ảnh: Nhóm Nông Sản Vĩnh Long

Tiêu thụ nông sản bằng công nghệ số

Mua bán tiêu thụ nông sản bằng công nghệ số là định hướng được Nhóm đề ra ngay từ ngày đầu thành lập. Song mọi thứ không hề dễ dàng khi vận hành.

Anh Phong kể một trong những khó khăn lớn là phần đông bà con còn hạn chế về kỹ năng về bán hàng online. Việc đối thoại trực tiếp để có thể hướng dẫn trong lúc giãn cách xã hội lại càng không dễ.

Nhóm phải nhờ một số tình nguyện viên để hỗ trợ cho bà con. Dần dần, các thao tác cũng trở nên nhuần nhuyễn và thống nhất theo quy củ.

Các thành viên đăng bài bán hàng bắt buộc hoặc vận chuyển hàng phải đăng theo mẫu thông tin thống nhất để cho bên mua thuận tiện việc xác định đơn hàng, tránh mất thời gian của hai bên.

Với các thành viên trong nhóm quản trị, việc nhập bảng giá nông sản để người mua theo dõi trực tiếp giá cả từ nhà vườn cũng phải được cải tiến.

Sau vài ngày nhập liệu thủ công, Nhóm đã nghĩ ra cách dùng form mẫu để tự động nhập dữ liệu. Từ đây, giá nông sản được cập nhật trực tiếp hàng ngay, ngay từ nhà vườn.

Khó khăn thứ 3 là việc xác nhận danh tính giữa bên bán và bên mua. Đây là việc làm cần thiết để  người bán tin tưởng vào người mua; và người mua cũng không sợ bị người bán "bùng" hàng.

Nhóm sẽ nhờ các tình nguyện viên đủ uy tín ngay tại nơi bán đứng ra cam kết và nhận tiền cọc từ khách hàng.

Hơn 200 tấn nông sản các loại của nông dân Vĩnh Long đã được kết nối tiêu thụ. Ảnh: Nhóm Nông Sản Vĩnh Long

Bản thân người bán là các thành viên trong nhóm cũng phải cam kết và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với người mua.

Vì khách mua nông sản của Nhóm có rất nhiều người là các mạnh thường quân. Họ mua hàng để ủng hộ các bếp ăn từ thiện, các khu vực cách ly phong tỏa.

Nếu nhà vườn thiếu trách nhiệm với sản phẩm của mình thì hàng tấn nông sản của các thành viên khác, cũng như nông sản tỉnh Vĩnh Long nói chung bị tai tiếng theo.

Ngoài chất lượng sản phẩm tốt, thì phục vụ tốt mới giữ được khách hàng, mới được khách hàng tin tưởng.

"Nhận được phản hồi tích cực của khách hàng càng nhiều, thì giá trị của nông sản càng cao. Đó cũng là góp phần nâng cao thương hiệu nông sản Vĩnh Long", anh Phong nhấn mạnh.

Một thành viên tham gia kết nối tiêu thụ nông sản của huyện Bình Tân, Vĩnh Long. Ảnh: Ảnh: Nhóm Nông Sản Vĩnh Long

Một điểm khó nữa là phương tiện vận chuyển và cách thức vận chuyển. Việc lưu thông hàng hóa qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 khi đang thực hiện chỉ thị 16 là khó khăn không chỉ của riêng Vĩnh Long.

Nhờ các ban ngành đoàn thể hỗ trợ để tháo gỡ dần, đến nay, các phương tiện của Nhóm đã hoạt động ổn định và tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch.

Anh Phong cho biết, Nhóm Nông Sản Vĩnh Long mới đi vào hoạt động nhưng nhận được nhiều sự quan tâm của nông dân. Nhóm vẫn đang hoàn thiện cách thực hoạt động chuyên nghiệp và vẫn kết nạp thêm thành viên.

Đây là hướng đi phù hợp với tình hình mới khi nông sản đang từng bước chuyển dần từ mua bán truyền thống sang bán hàng bằng công nghệ số. 

Tiếp nhận rau củ quả từ các tỉnh miền Tây tại một chốt kiểm soát dịch ở TP.Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: Nguyên Vỹ

Thành viên ban quản trị Nhóm Nông Sản Vĩnh Long sẵn sàng chia sẻ cách thức vận hành để nhân rộng mô hình này.

Vì thực tế hiện nay, nhiều bà con ở các tỉnh thành khác như Cần Thơ, Đồng Tháp... cũng muốn kết nối. Nhưng do địa bàn rộng, khó xác nhận danh tính giữa bên bán với bên mua, khó kiểm soát đơn hàng nên Nhóm chỉ hỗ trợ được tốt nhất cho bà con trong tỉnh Vĩnh Long.

"Mỗi tỉnh thành cũng có thể vận hành một nhóm riêng để hỗ trợ tốt hơn cho bà con ở địa phương mình", ông Phong chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kiều Trang – Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam ở xã Tân Thành (huyện Bình Tân) là một trong những thành viên tham gia tích cực trong Nhóm Nông sản Vĩnh Long.

Bà Trang cho biết: "Việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản thông công nghệ và mạng xã hội là việc làm có nhiều ý nghĩa. Mô hình cần được nhân rộng và lan tỏa để hỗ trợ nông dân được nhiều hơn".

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO