Việt Nam là điểm sáng về phát triển fintech tại châu Á – Thái Bình Dương

23/02/2023, 11:27

Trang thông tin về khởi nghiệp, kinh doanh và sáng tạo E27 nhận định rằng thị trường fintech (công nghệ tài chính) của Việt Nam đang ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc với sự gia tăng đầu tư ngoại tệ, số hóa và các quy định thuận lợi của chính phủ.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định với những nền tảng sẵn có của hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và ngành công nghệ nói riêng, Việt Nam có thể trở thành một kỳ lân mới về công nghệ trong tương lai.

Các sáng kiến của chính phủ đã thúc đẩy sự phát triển của fintech

Nhận định rằng các các công ty công nghệ là nguồn tăng trưởng mới của quốc gia, chính phủ đã có nhiều sự hỗ trợ về toàn diện các mặt. ADB cũng đánh giá thấy rằng mục tiêu dài hạn của chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này là thu hút tri thức, doanh nghiệp, người dân và doanh nhân tham gia phát triển kinh tế và hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.

Một ví dụ về sự hỗ trợ của chính phủ là Đề án 844 Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 với mục tiêu hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị khoảng 2 nghìn tỷ đồng (khoảng 85,44 triệu USD). Ngoài ra còn có hai đề án mới mang tên "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" và "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025".

Theo Aimee Hampel-Milagrosa, một nhà kinh tế tại ADB, một thế hệ mới các kỳ lân khởi nghiệp của Việt Nam sẽ được thúc đẩy và phát triển. Chính phủ đã bắt đầu tập hợp các thành phần quan trọng, chẳng hạn như ưu đãi tài chính và chính sách, để tạo thuận lợi cho quá trình này.

Việt Nam đang có sự hỗ trợ lớn cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính. Ảnh: fintechnews.

Nhiều lĩnh vực thuộc fintech đang được chính phủ quan tâm, như thương mại điện tử, khuôn khổ ngân hàng mở, bảo vệ dữ liệu, lộ trình bảo mật, chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện quốc gia. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của fintech tại Việt Nam.

Hiện tại, 5 mảng khởi nghiệp hàng đầu ở Việt Nam trong những năm gần đây là fintech (26,6%), thương mại điện tử (20,3%), công nghệ giáo dục (edutech), công nghệ y tế (healthtech) và phần mềm dịch vụ (6,3%).

Theo ADB, công nghệ y tế và công nghệ nông nghiệp (agritech) là hai lĩnh vực có tác động xã hội mạnh mẽ và hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển kinh tế công bằng và bền vững hơn.

Về phía các doanh nghiệp, đến cuối năm 2021, Việt Nam có thêm 2 kỳ lân công nghệ là MoMo và Sky Mavis, đứng hai kỳ lân đã xuất hiện trước đó là VNG (2014) và VNLIFE (2019). Hiện Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba trong khu vực về số lượng kỳ lân công nghệ, sau Singapore và Indonesia, và lập kỷ lục về số vốn đầu tư vào mảng này là 1,4 tỷ USD.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng còn nhiều công ty đã tiến gần lên mức kỳ lân và có triển vọng phát triển mô hình kinh doanh độc đáo và có thể tiến xa như Tiki, Giao Hàng Tiết Kiệm, Trusting Social, Kyber Network Amanotes, KiotViet: Giao Hàng Nhanh.

Ngành công nghiệp fintech của Việt Nam giàu tiềm năng phát triển

Cùng với xu hướng phát triển nhanh chóng của ngành thương mại điện tử, dân số Việt Nam đông và trẻ, tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh (smartphone) cao, đạt 72%, cũng là một động lực hỗ trợ sự phát triển của ngành trong tương lai.

Thêm vào đó, sự hỗ trợ của chính phủ trong việc mở rộng thanh toán di động tới đông đảo dân số trẻ sẽ tạo ra nguồn cầu tiềm năng rất lớn cho fintech.

  • Fintech Việt đẩy mạnh chuyển tiền lì xì online mùa Tết

Nhu cầu về tài chính cá nhân tại Việt Nam cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, theo dự báo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và có thể trở thành thị trường rất hấp dẫn cho các sản phẩm fintech.

Chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, quá trình số hóa toàn cầu đã tăng tốc đáng kể trong năm 2021. Nền tảng này cũng đã củng cố đà phát triển vững chắc của lĩnh vực fintech toàn cầu. Trang E27 cũng dự báo thị trường fintech của Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục đà tăng trưởng vượt bậc, với sự gia tăng đầu tư ngoại tệ, việc áp dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và các quy định thuận lợi của chính phủ. Do đó, với nhiều sản phẩm đa dạng và cải tiến hơn, Việt Nam nổi lên như một địa điểm quan trọng cho sự phát triển của fintech./.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO