Vấn nạn tin giả tràn lan trên không gian mạng
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành một vấn nạn của cả xã hội. Tin giả lan truyền chóng mặt, hoành hành khắp nơi, tác động lớn đến tâm lý của công chúng, khiến các cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý thông tin.
Hiện nay, khi cả đất nước đồng lòng, chung tay chống lại dịch bệnh, những tin giả liên tiếp được lan truyền trên mạng Internet đã ảnh hưởng lớn đến công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Mới đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện và lan truyền hình ảnh 1 người đàn ông tự thiêu ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức kèm theo những bình luận "bức xúc về cách chống dịch COVID-19, người dân phẫn uất, bức bách tự thiêu" khiến dư luận vô cùng hoang mang.
Ngay sau khi thông tin này xuất hiện, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM đã phối hợp với Công an TP Thủ Đức, Công an quận Bình Thạnh xác minh và làm việc với ông Phan Hữu Điệp Anh (60 tuổi, ngụ phường 19, quận Bình Thạnh) đã có hành vi đăng tin xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19 trên tài khoản cá nhân.
Sau quá trình điều tra, chiều tối 21/7/2021, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối tượng Phan Hữu Điệp Anh về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, do hành vi đăng tải hình ảnh, thông tin xuyên tạc.
Trước đó, ngày 10-7, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) phát hiện MC V.H.P (nghệ danh Trác Thúy Miêu) có đăng bài viết trên tài khoản Facebook Phuong Vu, có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động về việc các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TPHCM.
Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đã ban hành quyết định xử phạt bà V.H.P 7,5 triệu đồng về việc cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội có nội dung gây hoang mang trong nhân dân về công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các địa phương trên toàn quốc đã tiến hành xử phạt hành chính nhiều trường hợp tung tin giả, tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Chỉ tính riêng trong tháng 7-2021, lực lượng Công an đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) một số địa phương xử phạt từ 5 - 12,5 triệu đồng/cá nhân tung tin đồn thất thiệt liên quan đến dịch Covid-19.
Để hạn chế tin giả và cung cấp thông tin kịp thời đến người dân, Cục Phát Thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT đã thành lập Trung tâm xử lý Tin giả vào đầu năm nay. Sau gần 7 tháng đi vào hoạt động, Trung tâm xử lý Tin giả đã đã tiếp nhận hàng trăm phản ánh của người dân đề nghị xác minh các thông tin được nghi ngờ là tin giả, tin sai sự thật. Trong số này, có rất nhiều thông tin liên quan đến việc cá nhân đăng tải thông tin không chính xác trên mạng xã hội về dịch COVID-19.
Mức xử phạt về hành vi đăng tải tin giả
Về mức xử phạt hành vi đăng tải, chia sẻ tin giả, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh thông luật, cho biết tại Điều 8 và Điều 9 Luật An ninh mạng 2018 nêu rõ: Nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân đã vi phạm theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 101 của Nghị định số 15/ 2020/NĐ-CP, ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Theo điểm 1.4 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông” theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.
Nâng cao ý thức của người dân để chống tin giả lan truyền
Từ vấn nạn tin giả lan truyền trên mạng xã hội, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chọn lọc thông tin, không chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, chỉ tiếp nhận thông tin qua các trang chính thống, có uy tín để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Bên cạnh sự thiếu hiểu biết về pháp luật, việc đăng tải thông tin sai sự thật còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm của một số cá nhân. Theo đó, một số chủ nhân các trang mạng xã hội chia sẻ những thông tin gây hoang mang chỉ nhằm mục đích câu view, tăng tương tác. Để đẩy lùi được vấn nạn tin giả, mỗi người cần tự giác dùng mạng xã hội một cách văn minh; luôn coi trọng nguyên tắc và chuẩn mực văn hoá, đạo đức khi tham gia và tiếp nhận thông tin.
Hiện nay, Bộ TT&TT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm 2021. Bộ quy tắc này ra đời, góp phần nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, kêu gọi sự chung tay của cơ quan truyền thông, cộng đồng mạng và cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn.
Bên cạnh đó, dù một số cá nhân tung tin giả đã bị xử phạt nhưng mức phạt còn nhẹ và không đáng kể so với nguồn lợi kinh tế mà họ thu được, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Do đó, các cơ quan chức năng nên mạnh tay hơn nữa, đưa ra những mức độ, hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn, để có thể cảnh tỉnh, có tính răn đe các đối tượng có ý định vi phạm.