Ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

09/02/2023, 09:11

Xác định ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT), công nghệ hiện đại nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, ngành y tế không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết bị; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ y học hiện đại trong khám, điều trị cho bệnh nhân, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện nhiều kỹ thuật tương đương với tuyến Trung ương như: phẫu thuật nội soi ổ bụng; phẫu thuật nội soi cắt u xơ tiền liệt tuyến, u bàng quang, cắt nang thận, nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản; phẫu thuật nội soi lồng ngực; phẫu thuật sọ não, hộp sọ; phẫu thuật cột sống... Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng là bệnh viện tuyến tỉnh thứ 2 của cả nước được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống và người cho chết não. Rất nhiều ca bệnh cấp cứu được chẩn đoán, chữa trị kịp thời, giữ được mạng sống cho bệnh nhân...

Đặc biệt, cuối tháng 4-2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào vận hành phòng xét nghiệm thông minh với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại. Hệ thống xét nghiệm đặt tại khoa hóa sinh, có công suất lên tới 1.200 ống mẫu/giờ; tự động hoàn toàn từ khâu nhận ống mẫu vào hệ thống cho đến khi trả kết quả. Điều này không chỉ góp phần giải phóng sức lao động, tiết kiệm nhân lực, mà còn loại bỏ nguy cơ nhiễm chéo mẫu, đảm bảo chất lượng mẫu đầu vào, mang lại kết quả xét nghiệm nhanh và chính xác. Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện có thể xét nghiệm hơn 10.000 mẫu bệnh phẩm, tăng gấp đôi so với trước.

Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực là bệnh viện tư nhân trực thuộc Tổng Công ty CP Hợp Lực, được đánh giá cao về chất lượng KCB, dịch vụ chăm sóc khách hàng, có nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Từ cuối năm 2020, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã đưa vào sử dụng hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) của hãng Philips (Hà Lan), là hệ thống trang thiết bị hiện đại nhất tại Việt Nam và khu vực hiện nay. Hệ thống này phục vụ chẩn đoán và can thiệp tim - mạch máu với các chức năng chụp tim, động mạch vành, các loại mạch tạng, mạch chỉ; nút mạch trong các trường hợp phình mạch não, dị dạng mạch não, hẹp động mạch não, hẹp - tắc các động mạch chi... Hiện, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đang liên kết với Bệnh viện Việt Đức Hà Nội áp dụng kỹ thuật X-quang can thiệp, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai áp dụng kỹ thuật can thiệp tim mạch chống chảy máu nội tạng hiệu quả cao. Ngoài ra, khoa ung bướu của Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực cũng được đầu tư máy xạ trị và nhiều thiết bị tiên tiến.

Trong những năm qua, ngành y tế Thanh Hóa đã có những bước phát triển nhanh, vượt bậc, đó là nhờ vai trò không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng KHKT và công nghệ hiện đại vào công tác y tế dự phòng, KCB, sản xuất thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế. Với sự trợ giúp của các trang thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào công tác KCB, công tác y tế dự phòng, sản xuất dược phẩm - vật tư y tế. Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHKT và công nghệ hiện đại vào công tác, chất lượng hoạt động chuyên môn không ngừng được tăng lên, công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện toàn tỉnh ngày một tăng; công tác phòng, chống dịch đạt được những kết quả tốt, dịch bệnh được phát hiện sớm, khống chế và đẩy lùi. Có thể nói, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực y - dược đã được ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị góp phần nâng cao chất lượng KCB, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, ngành y tế đã có 33 nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt; thực hiện gần 100 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành và trên 3.500 đề tài nghiên cứu của các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Để việc ứng dụng KH&CN trong công tác KCB đạt hiệu quả cao, ngành y tế đã chủ động đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho công tác nghiên cứu KH&CN, nhiều tiến bộ khoa học mới được nghiên cứu, ứng dụng phục vụ công tác KCB, hàng loạt các kỹ thuật cao đã được triển khai thành công tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Trong đó, có nhiều sáng kiến triển khai hiệu quả như: kỹ thuật xét nghiệm Cyfra21-1, NSE, CEA, SCC và ProGRP trong chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; phẫu thuật nội soi kết hợp với phẫu thuật mở điều trị dị tật không hậu môn và kỹ thuật thay máu cho trẻ vàng da sơ sinh bằng phương pháp tự động; kỹ thuật can thiệp tim mạch qua da trong điều trị tim bẩm sinh có luồng thông trái phải tại Bệnh viện Nhi; phẫu thuật nội soi cắt dạ dày điều trị một số bệnh ngoại khoa dạ dày - tá tràng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bằng gân tự thân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc...; nghiên cứu quy trình và sản xuất thành công một số sản phẩm từ dược liệu trong lĩnh vực thuốc đông y góp phần điều trị một số bệnh; nghiên cứu sưu tầm và bảo tồn giống dược liệu quý của tỉnh... Qua thực hiện đề tài đã đào tạo được nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên nắm vững quy trình kỹ thuật phục vụ công tác KCB tại các bệnh viện trong tỉnh, giảm tải bệnh nhân cho tuyến trên, tiết kiệm chi phí cho gia đình bệnh nhân.

Ngành y tế đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, nghiên cứu sản xuất được ít nhất 2 sản phẩm đông được, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; xây dựng 8 bệnh viện trở lên theo hướng bệnh viện thông minh; 100% cơ sở y tế ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong KCB; ứng dụng mới ít nhất 10 kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị. Nghiên cứu sản xuất một số loại thuốc, dược liệu y học cổ truyền, nguyên liệu làm thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHKT trong xét nghiệm, chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị... Để hoàn thành thắng lợi, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đầu tư hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế tại các bệnh viện. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình ứng dụng thành tựu KH&CN trong y dược, nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Khuyến khích các cơ sở KCB, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y - dược nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong chẩn đoán và điều trị bệnh (ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh; ứng dụng công nghệ Teleheath trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị từ xa; ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị...); nghiên cứu sản xuất các loại thuốc, dược liệu, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe mới. Ngoài ra, để tiến tới chủ động kiểm soát tốt bệnh tật và cung ứng các dịch vụ kỹ thuật KCB trình độ cao, chất lượng cao, ngành y tế tiếp tục khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tích cực tìm tòi, sáng tạo nhiều sáng kiến cải tiến; nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu theo hướng ưu tiên về tính ứng dụng thực tiễn trong hoạt động KCB. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chuyên môn có chất lượng; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ưu tiên và tạo đột phá một số kỹ thuật chuyên sâu thuộc các lĩnh vực mũi nhọn, cần thiết. Qua đó, từng bước thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao ngang tầm với các bệnh viện Trung ương, tiến đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành trung tâm y học công nghệ cao của khu vực Bắc miền Trung.

Bài và ảnh: Trường Giang

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO