Trong nửa thập kỉ qua, TikTok bùng nổ trở thành một hiện tượng văn hóa đại chúng cũng như một điểm nóng chính trị. Lí do của sự phát triển vượt bậc này được cho là nhờ vào định dạng video ngắn gây nghiện và sức mạnh thuật toán được phát triển bởi công ty ByteDance.
Mới đây, TikTok được đánh giá là ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới. Theo thống kê của Statista, tính tới tháng 1/2022, có hơn 55% người dân Mỹ từng tiếp xúc với TikTok. Ứng dụng cũng đưa nhiều người trở nên nổi tiếng chỉ sau một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, tương lai của ứng dụng vẫn còn là một dấu hỏi lớn khi các quan chức của Mỹ coi ứng dụng này là một lỗ hổng trong an ninh quốc gia, kèm theo đó là lo ngại về những ảnh hưởng xấu của ứng dụng đối với giới trẻ.
Quá trình thai nghén
Byte Dance lần đầu tiên cho ra mắt Douyin - phiên bản nội địa của TikTok - tại thị trường Trung Quốc vào tháng 9 năm 2016. Tháng 11/2017, ByteDance mua lại Musical.ly - ứng dụng cho phép người dùng đăng các đoạn video hát nhép ngắn trên nền nhạc có sẵn.
Musical.ly từng được đánh giá có triển vọng sánh ngang hàng với các ông lớn mạng xã hội khác, với số lượng người dùng đã lên tới hàng triệu người.
Vài tháng trước khi mua lại Musical.ly, ByteDance tung ra TikTok dưới dạng phiên bản quốc tế của Douyin. Vào năm 2018, ByteDance đã kết hợp TikTok với Musical.ly và ra mắt lại thị trường quốc tế dưới tên TikTok. Việc sáp nhập này đã đưa về cho công ty hàng tỷ USD vốn đầu tư và hậu thuẫn từ đội kỹ sư tại Trung Quốc.
Trong thời gian ngắn, ứng dụng thu hút lượng lớn người dùng. Chỉ mất 6 tháng để Tiktok đạt được những gì Musical.ly cần tới 5 năm.
Cách thức hoạt động của TikTok về bản chất khá khác biệt so với các mạng xã hội khác. Thay vì hiển thị các bài đăng từ bạn bè của người dùng và những người họ chọn theo dõi, TikTok để họ xem video dựa trên gợi ý nội dung họ có thể thích. Thuật toán nắm bắt được nội dung người dùng muốn xem dựa trên lịch sử thời gian xem của họ. Người dùng càng dành nhiều thời gian trên ứng dụng, thì thuật toán của TikTok càng trở nên chính xác hơn.
Người dùng cảm nhận rằng TikTok rất nhanh chóng hiểu và nắm được sở thích của họ. Một ý kiến cho rằng ứng dụng được cho ra đời vào đúng thời điểm khi giới trẻ ưu tiên tiếp cận nội dung mạng qua hình thức video ngắn. Một nhân viên của TikTok nhận định rằng, khác với Instagram, TikTok thúc đẩy nội dung sáng tạo và giải trí hơn là sự nổi tiếng.
Sự phát triển vượt bậc
Những video thể hiện tài năng đặc biệt hoặc có nội dung hài hước hay kì quặc được lan truyền với tốc độc chóng mặt và trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm. Điều này hiếm khi xảy ra trên các nền tảng mạng xã hội khác. Các thương hiệu nhanh chóng nắm bắt thời cơ để hợp tác quảng bá thương hiệu. Những người sáng tạo nội dung có nhiều nguồn thu nhập khác nhau như quảng cáo, quyên góp từ người xem và bán hàng.
Việc trở nên nổi tiếng nhanh chóng nhờ Tik Tok đã thay đổi cuộc sống nhiều người. Có những người thậm chí thoát khỏi tình trạng vô gia cư nhờ kêu gọi quyên góp từ người dùng TikTok.
Một số người bắt đầu đặt câu hỏi về những mặt trái của sức mạnh hút người xem của TikTok. Thuật toán giúp giữ chân người dùng trên ứng dụng hàng giờ liên tục nhưng cũng có thể lan truyền những nội dung độc hại. Vào năm 2021, TikTok bị cáo buộc lan truyền những video khuyến khích giới trẻ giảm cân tiêu cực và ăn uống thiếu khoa học. Sau đó, TikTok đã nhanh chóng điều chỉnh lại thuật toán của mình.
Về cơ bản, TikTok được thiết kế để trở nên “gây nghiện". Có một số ý kiến lo lắng rằng thuật toán sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới bộ não chưa phát triển hoàn chỉnh của người dùng dưới vị thành niên. TikTok cũng cho biết họ cố gắng phát triển ứng dụng của mình với sự tham vấn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người sáng tạo nội dung.
TikTok thực sự phát triển nhanh nhất khi đại dịch COVID-19 bắt đầu khiến người dân phải cách ly xã hội và có nhiều thời gian dùng điện thoại hơn. Đây là khi mọi người ở mọi lứa tuổi bắt đầu sử dụng TikTok, đưa nó vượt ra ngoài một ứng dụng dành cho thanh thiếu niên và sánh vai với các mạng xã hội phổ biến khác. Theo Sensor Tower, tính đến giữa đại dịch, TikTok đã được tải xuống hơn 200 triệu lần ở Mỹ.
Tương lai bất định
Khi TikTok trở nên phổ biến hơn, có nhiều người lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người dùng TikTok. Quân đội Mỹ và một số chiến dịch chính trị cấm nhân viên tải ứng dụng TikTok, với lý do rủi ro an ninh quốc gia.
Cựu Tổng thống Trump đã đe dọa đóng cửa TikTok tại Mỹ và ra lệnh cho ByteDance bán ứng dụng này cho một công ty trong nước. Sau đó, TikTok đã cam kết sẽ không chia sẻ dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, kể cả khi được yêu cầu. Tập đoàn Oracle đã trở thành đối tác của ByteDance tại Mỹ, nhưng thoả thuận giữa hai bên vẫn đang được chính phủ Mỹ xem xét. Có nhiều thông tin cho thấy nhân viên tại Trung Quốc vẫn có thể truy cập vào dữ liệu người dùng Mỹ. Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại về bảo mật thông tin.
Hiện giờ TikTok vẫn sở hữu lượng thời gian sử dụng nhiều nhất trong tất cả các mạng xã hội. Nhưng ứng dụng vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Instagram và YouTube, cả hai đều đã tung ra định dạng video ngắn của riêng mình. Trung bình, một người Mỹ trưởng thành dành 49 phút một ngày trên TikTok và 30 phút trên Instagram.
Vẫn có nhiều tranh cãi xoay xung quanh tương lai của ứng dụng này. Trong vòng 5 năm tới, TikTok có thể sẽ tiếp tục làm mưa làm gió khắp thế giới, cũng có thể biến mất trên thị trường quốc tế.
Hoàng Linh(Nguồn: The Wall Street Journal)